Văn công về làng
Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi mới thực hiện được dự định theo chân đoàn văn công của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San về làng. Dù chuyến đi khá vất vả nhưng tinh thần văn nghệ, sự cống hiến của đội tuyên truyền, những giây phút sảng khoái của người dân vùng sâu, vùng xa chính là sự tưởng thưởng xứng đáng.
Đón “thần tượng” về làng
(GLO)- 3 giờ chiều, giữa cái nắng như đổ lửa cuối mùa khô của vùng đất Kông Chro, đội tuyên truyền lưu động của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San đã sẵn sàng hành trang lên đường. Sau đêm diễn rất thành công ở xã Đak Pling trước đó, điểm đến tiếp theo là xã Đak Song. Chiếc xe lưu động vừa là phương tiện đưa đón anh chị em nghệ sĩ, vừa vận chuyển vật dụng chất đầy trang-thiết bị âm thanh, ánh sáng phía thùng xe. Tôi và một đồng nghiệp được ưu ái ngồi cạnh bác tài ở ghế trước. Chiếc xe cũ kỹ này đã gắn bó với đội gần 20 năm, nhưng cũng như những thành viên của đội, xe đóng rất nhiều vai. Mỗi năm hơn 100 đêm diễn, thùng xe phía sau còn được hạ xuống để làm sân khấu, đầu xe được trưng dụng làm phòng thay đồ cho anh chị em nghệ sĩ. Tài xế Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ: “Có lẽ thương anh chị em nghệ sĩ vất vả nên dù xe già nua vậy nhưng chưa bao giờ “giở chứng”, luôn đưa mọi người đi đến nơi về đến chốn”. Nhìn chiếc xe cũ kỹ, nhiều mảng da trên ghế bong tróc, nứt nẻ, kính xe mỗi lần nâng lên hạ xuống nặng nề, đóng mở cửa xe cũng tốn sức, chúng tôi hiểu được phần nào sự vất vả của các anh chị em trong đoàn.
Dù 19 giờ 30 phút mới đến giờ biểu diễn nhưng mới 16 giờ cả đoàn đã có mặt ở Nhà văn hóa xã Đak Song. Mọi thứ nhanh chóng được chuẩn bị. Tiếng loa phát thanh vang lên thông báo cho bà con giờ xem văn nghệ. Trong khi đó, chúng tôi tranh thủ lang thang vào làng. Đường vào phải lội qua suối Đak Song. Sau một ngày làm việc vất vả, người dân tập trung nơi con suối tắm gội, lấy nước. Họ râm ran trò chuyện, không quên nhắc nhau tối đi xem văn nghệ. Ở đây, điện đã về làng, nhiều nhà có ti vi, nhưng những lần đoàn văn nghệ về làng là cứ như có hội, nhất là sự có mặt của những ca sĩ họ yêu thích khi xem qua Youtube như Siu H'Blup, Y Yun…
Đêm diễn bắt đầu khi khoảng sân trước nhà văn hóa đã đông nghịt người. Trẻ em được ưu tiên ngồi phía trước, khu vực dễ quan sát nhất. Người lớn ngồi hai bên hoặc tản ra rải rác để trông chừng lũ trẻ. Riêng đám thanh niên các làng tập trung đứng ở phía sau. Trước khi xem văn nghệ, bà con được xem những đoạn phim, phóng sự ngắn nói về tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông, những vụ ngộ độc rượu trong các buôn làng hiện nay, các loại tội phạm lợi dụng bà con để tuyên truyền, lôi kéo làm điều xấu… để người dân đề cao cảnh giác.
Các tiết mục văn nghệ sau đó ngày càng sôi động với những sáng tác mới mang âm hưởng dân ca Jrai, Bahnar như: “Mừng Tây Nguyên thắng trận”, “Em đẹp như hoa pơ lang”, “Hãy về trong buôn”, “Kuk kong brotok bre mai” (dân ca Bahnar)… Nhiều thanh niên vừa nhảy múa, vừa cổ vũ rất nhiệt tình. Khán giả thể hiện sự yêu mến bằng cách ngắt những nhánh cây xanh, từng chùm hoa dại lên sân khấu tặng cho các nghệ sĩ. Lưng địu con nhỏ, tay dắt cậu con trai lớn, chị Đinh Hoi (làng Bla) háo hức theo dõi buổi biểu diễn từ khi mới bắt đầu. Chị chia sẻ: “Mấy năm rồi mới có đoàn văn nghệ về xã biểu diễn nên người dân các làng rất háo hức chờ đợi. Mọi người mặc đồ truyền thống lên sân khấu đẹp quá, mình rất thích trang phục của họ. Các tiết mục đều rất hay nhưng mình thích ca sĩ Siu HBlup, vừa đẹp vừa hát hay. Mình đã “gặp” HBlup trên Youtube rồi, HBlup hát những bài dân ca hay lắm”. Được gặp “thần tượng” bằng xương bằng thịt trên sân khấu, chị Hoi cảm thấy rất hạnh phúc. Đôi mắt lấp lánh của người mẹ trẻ dán chặt lên sân khấu mỗi khi ca sĩ HBlup biểu diễn.
Không khí thay đổi khi vở kịch thông tin “Tây Nguyên vui ngày hội lớn” mang đến những tiếng cười giòn giã từ phía khán giả. Nhất là khi gần đến những tiết mục cuối, ca sĩ Y Yun lên sân khấu hát bằng tiếng Bahnar và giao lưu với bà con. Anh nói tới đâu khán giả vỗ tay tới đó, nhiều người liên tục mang những chùm hoa dại lên tặng. Trong những tràng pháo tay người dân dành cho anh còn có tình cảm thân thương dành cho một người con trở về làng. Đêm diễn kết thúc trong sự tiếc nuối của không ít người.
Chuyện hậu trường
Ngay khi đêm diễn kết thúc, ca sĩ Y Yun được chở thẳng tới Trung tâm Y tế huyện vì căn bệnh đau dạ dày. Trái ngược với hình ảnh sôi nổi, máu lửa, nhiệt tình lúc giao lưu với khán giả trên sân khấu suốt buổi diễn, hễ lui về sau cánh gà là Y Yun ngồi ôm bụng đau đớn. Dù vậy, anh vẫn cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Bệnh của anh tái phát là hậu quả của những bữa ăn không đúng giờ giấc. Đó thường là những suất cơm hộp nguội ngắt mà đoàn mua từ chiều ở trung tâm huyện mang theo. Cơm hộp là bữa ăn thường xuyên của anh chị em nghệ sĩ trong các đợt đi biểu diễn phục vụ ở cơ sở. Chưa kể, có những nơi vùng sâu, vùng xa không có điều kiện mua thực phẩm, nhiều khi phải đến khuya, đoàn mới được ăn cơm.
Để có được hình ảnh lấp lánh trên sân khấu, các thành viên của đội lưu động phải cùng lúc đóng rất nhiều vai, là ca sĩ, diễn viên kịch, MC, đạo diễn chương trình… Sau khi sân khấu hạ màn, đêm đã khuya nhưng tất cả vẫn chưa được nghỉ mà tiếp tục thu dọn đồ đạc. Phái yếu được ưu ái làm những việc nhẹ, riêng cánh mày râu khỏe mạnh thì khiêng vác những chiếc loa thùng cỡ lớn, máy phát điện, đạo cụ, dụng cụ… lên xe. Tất cả những công việc ấy, nếu không có sức khỏe, có lẽ sẽ khó trụ được. Vậy nên khi nghe mọi người nói về mức thù lao cho mỗi đêm diễn, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Theo quy định, định mức thù lao chi trả cho đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh là 100 ngàn đồng cho vai chính và 80 ngàn đồng cho vai phụ. Chị Nguyễn Thùy Dương-thành viên trong đội-chia sẻ: “Nếu nghĩ tới thù lao, có lẽ chúng tôi không ai gắn bó lâu được với công việc. Có những chuyến đi không thuận lợi, nỗi nhọc nhằn của các thành viên còn tăng lên gấp bội. Chúng tôi đi vì nhiệm vụ, nhưng đó còn là niềm vui, là những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống mà không gì mua được”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8302/201906/van-cong-ve-lang-5638440/