Văn đàn thương tiếc nhà văn Lê Lựu
Trước tin buồn về sự ra đi của nhà văn Lê Lựu, nhiều người trong giới văn chương không khỏi thương xót cho một cây bút tài hoa của làng văn Việt.
Vào 15h29, ngày 9/11, nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà ở thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông hưởng thọ 85 tuổi.
Sau khi tin buồn về nhà văn Lê Lựu được lan truyền, rất nhiều người làm nghệ thuật, những người yêu văn chương đã đăng tải những dòng cảm xúc lên mạng xã hội, bày tỏ lòng tiếc thương và gửi những lời cầu nguyện cho cố nhà văn.
Nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim, vốn biết nhà văn Lê Lựu ốm nặng lâu nay, khi nghe tin ông ra đi, “lòng chợt buồn xa vắng”. Nhà văn Uông Triều cho rằng Lê Lựu đã truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ viết văn.
Nhà văn Phùng Văn Khai, Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhận xét: “Với cánh văn chương báo chí, Lê Lựu vừa là tác giả vừa là nhân vật xuyên suốt mấy chục năm nay”.
Đàn anh của các nhà văn Việt
Theo nhà văn Phùng Văn Khai, ông Lê Lựu vốn là người mê văn hơn báo, ông bén duyên với Văn nghệ Quân đội qua những truyện ngắn đặc sắc. Phó tổng biên tập đương thời, ông Từ Bích Hoàng, đã khuyên Lê Lựu làm báo, giới thiệu ông đọc cuốn Kinh nghiệm viết tin.
Ông Lê Lựu nghe theo, dần viết tin, viết bài cho báo Quân khu, báo Quân đội Nhân dân rồi Đài phát thanh Quân đội. Sau một thời gian, ông được về báo Quân khu 3, được đi dự Đại hội Đoàn toàn quân năm 1961. Và thế là, báo và văn cùng song hành trong cuộc đời cây bút Lê Lựu.
Nhà văn Phùng Văn Khai nhận định: “Lê Lựu là tay cự phách với nhiều thể loại báo chí: phóng sự; kí sự; bút ký... rất sống động và có một giọng văn riêng”.
Năm 1988, nhà văn Lê Lựu sang Mỹ, thực hiện công cuộc “xuất bản bằng miệng” thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ, được thu âm, in ra thành băng, đĩa để lan truyền cho những ai không có dịp được nghe trực tiếp.
Trao đổi với Zing, nhà văn Uông Triều cũng cho rằng Lê Lựu là một “nhịp cầu nối hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và Việt”. Ông Uông Triều cho rằng việc Lê Lựu là nhà văn đầu tiên sang Mỹ sau năm 1975, là người có công lớn trong việc hàn gắn quan hệ hai nước Việt - Mỹ sau chiến tranh thông qua những bài phát biểu hay và sắc bén. Việc những băng, đĩa thu lại bài nói của ông khi ấy bán rất chạy, nhà văn Uông Triều nhận định đây là một “hiện tượng lạ”.
Trong thời gian công tác ở Văn nghệ Quân đội, nhà văn Lê Lựu đã cố vấn, khuyên dạy nhiều thế hệ viết văn. Nhớ lại kỷ niệm về người thầy của mình, nhiều nhà văn như Đỗ Bích Thúy, Phạm Ngọc Tiến… đã viết những dòng chia sẻ xúc động lên mạng xã hội.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy chia sẻ ký ức về cố nhà văn: “Sáng thứ hai cơ quan giao ban, người nói to nhất là ông Chu Lai, người nói những câu buồn cười nhất mà mặt cứ tỉnh bơ là ông Trần Đăng Khoa, người uống nhiều... thuốc nhất là ông Lê Lựu. Không hiểu sao cứ đến giờ giao ban là ông bắt đầu uống thuốc. Một vốc to. Ông bảo ông phải uống cho... 11 thứ bệnh. Cứ thong thả bỏ vào miệng, từng loại một, chiêu ngụm nước xong uống tiếp”.
Chuyện về bệnh tình của nhà văn Lê Lựu đã được lan truyền từ lâu, khiến nhiều người không khỏi xót thương cho một người tài phải chịu quá nhiều đau đớn. Chính vì lẽ này, nhà văn Uông Triều nói sự ra đi của Lê Lựu để lại tiếc thương cho hậu thế, nhưng đây là một sự giải thoát cho Lê Lựu khỏi cõi trần khổ đau.
Người tiên phong của văn học đổi mới
Bàn về vị trí của nhà văn Lê Lựu trong làng văn Việt, nhà văn Uông Triều nói: “Chúng ta đánh giá Lê Lựu chưa đúng với tầm của ông. Theo tôi, Lê Lựu cần phải có tầm cao hơn. Ông là một trong những người tiên phong của văn học đổi mới với tiểu thuyết Thời xa vắng - một tiểu thuyết giao thời viết khi Việt Nam chuẩn bị đổi mới”.
Theo nhà văn Uông Triều, Thời xa vắng là một tác phẩm quan trọng của văn xuôi Việt, sau này là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng…
Ông cho rằng Lê Lựu thuộc lớp nhà văn tiên phong cho xu hướng tiểu thuyết này và rằng cần phải có sự công nhận cho vị trí quan trọng của cố nhà văn trong dòng chảy văn học Việt Nam.
Nhà văn Uông Triều cũng đã thẳng thắn nêu quan điểm này trên trang cá nhân và nhận được sự đồng thuận từ nhiều người yêu văn chương.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cũng nhận xét rằng Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước với Thời xa vắng. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét tư tưởng của tác phẩm này đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định Lê Lựu là một nhà văn lớn, người đã đặt một cột mốc mở đường cho một dòng văn học tự nhận thức lại thực tại, tự viết từ mình.
Nhà văn Lê Lựu ra đi, nhưng những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà vẫn luôn sống trong lòng công chúng. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo chia sẻ lại bài viết của mình từ năm 2012, trong đó có viết: “Lê Lựu đã bán linh hồn cho các tiểu thuyết lớn của đời ông: Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Sóng ở đáy sông… để chúng sống mãi với nền văn học dân tộc”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-dan-thuong-tiec-nha-van-le-luu-post1373826.html