Vấn đề an ninh lương thực của Ấn Độ cũng là vấn đề của thế giới
Biến đổi khí hậu đã bắt đầu định hình lại nền nông nghiệp toàn cầu. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới đặc biệt dễ bị tổn thương không chỉ vì thời tiết khắc nghiệt mà còn vì các biện pháp kiểm soát giá cả của chính phủ.
Việc khắc phục vấn đề này ngày càng trở nên cấp bách hơn đối với cả Ấn Độ và thế giới vì Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu lương thực lớn. Nhưng, yếu tố chính trị khiến điều đó trở nên rất khó khăn.
Đầu tháng 12, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu hành tây cho đến tháng 3 nhằm nỗ lực kiềm chế giá hành tây trong nước. Ngoài ra, còn có những hạn chế xuất khẩu đối với gạo, lúa mì và đường đã được đưa ra trong 18 tháng qua. Vì Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nước xuất khẩu đường và hành tây lớn thứ hai thế giới, đồng thời là nước sản xuất lúa mì đáng kể, nên các lệnh cấm đang có tác động lan tỏa trên toàn cầu.
Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), giá gạo Thái Lan đã tăng 14% và giá gạo Việt Nam đã tăng 22% tính đến tháng 10/2023 so với mức tháng 7/2023. Malaysia và Philippines đã đưa ra các biện pháp riêng để làm giảm giá gạo sau khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo vào tháng 7.
Biến đổi khí hậu gần như chắc chắn sẽ gây ra vấn đề lớn đối với nguồn cung thực phẩm của Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi Nông dân Ấn Độ gần đây ước tính rằng, nếu không có các biện pháp thích ứng, năng suất lúa nhờ mưa có thể giảm 20% vào năm 2050.
Nhưng các chính sách nông nghiệp trong nước của Ấn Độ gần như là một vấn đề lớn.
Hiện tại, Chính phủ Ấn Độ đã đặt ra mức giá sàn cho nhiều loại cây trồng, đảm bảo thu mua một số sản phẩm nông nghiệp và trợ cấp cho nông dân về phân bón, điện và vận chuyển. Tất cả những điều đó có vẻ tích cực đối với an ninh lương thực, nhưng về mặt tổng thể, nó có thể cản trở tăng trưởng đầu tư và cung cấp lương thực. Giá sàn có nghĩa là nguồn cung đôi khi có thể vượt quá mức sẵn sàng trả của người mua cuối cùng, dẫn đến lãng phí. Và những hạn chế về xuất khẩu đã làm giảm giá trong nước một cách giả tạo khi nhu cầu toàn cầu đang nóng.
Các cuộc điều tra của chính phủ đã phát hiện ra rằng, luật của Ủy ban Tiếp thị Sản phẩm Nông nghiệp quy định việc buôn bán sản phẩm của nông dân bằng cách cấp giấy phép cho người mua, đại lý hoa hồng và thị trường tư nhân, dẫn đến tình trạng xuất hiện nhiều cartel (thỏa thuận hợp tác chính thức về giá cả, sản lượng và những điều kiện khác giữa các doanh nghiệp trong thị trường thiểu quyền) và làm giảm cạnh tranh.
Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi phí pháp lý ròng đối với các nhà sản xuất nông nghiệp ở Ấn Độ tương đương với 15% tổng doanh thu của trang trại từ năm 2020 đến năm 2022. Nghiên cứu cho biết, trung bình các nhà sản xuất trong nước đã bị đánh thuế ngầm. Các khoản thanh toán ngân sách cho nông dân không bù đắp được tác động giảm giá của các quy định tiếp thị phức tạp trong nước và các biện pháp chính sách thương mại.
Theo Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ (ITA), cơ sở hạ tầng kém ở Ấn Độ là nguyên nhân gây tổn thất sau thu hoạch lên tới 40% đối với một số sản phẩm.
Trong khi đó, việc cải cách hệ thống định giá thực phẩm là một việc nguy hiểm về mặt chính trị. Những nỗ lực trước đây nhằm thay đổi các quy định tiếp thị nông nghiệp trong nước đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ nông dân và các chính trị gia, đồng thời cuộc tổng tuyển cử sắp tới khiến khó có thể có biện pháp cứu trợ ngay lập tức.
Theo Liên Hợp quốc, Ấn Độ là nước xuất khẩu nông sản lớn thứ chín trên thế giới và cũng là quốc gia đông dân nhất. Điều đó khiến an ninh lương thực ở đây trở thành một vấn đề toàn cầu, nhưng tình hình chính trị phức tạp về giá cả nông sản ở Ấn Độ khiến sự thay đổi có thể diễn ra chậm chạp.