Vấn đề Biển Đông và Myanmar tại họp báo Tổng thư ký ASEAN
Chiều 30/7, tại trụ sở Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia, Ban Thư ký ASEAN đã tổ chức thông báo về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 (AMM-57) và các hội nghị liên quan. Hai vấn đề Biển Đông và Myanmar được nhiều phóng viên tham dự quan tâm đặc biệt tại cuộc họp báo.
Hội nghị ngoại trưởng ASEAN trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế như Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga - Ukraine, Trung Đông, ASEAN và các đối tác, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững.
Tại cuộc họp báo, Tổng thư ký ASEAN, ông Kao Kim Hourn điểm qua các kết quả đạt được tại Hội nghị AMM-57 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Lào, với việc đánh giá tiến trình triển khai các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN trong năm 2024 cũng như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời thông qua nhiều văn kiện quan trọng, làm cơ sở triển khai hợp tác trong nội khối và giữa ASEAN với các đối tác trong thời gian tới.
Một trong những nội dung được các phóng viên quan tâm tại cuộc họp báo là các bước tiến về tình hình Myanmar và vấn đề Biển Đông.
Trả lời về các bước tiến trong việc triển khai kế hoạch đồng thuận 5 điểm về tình hình Myanmar, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết: “Có một số tiến triển, đặc biệt là trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo cho người dân Myanmar. ASEAN luôn làm những điều tốt nhất, hợp tác với Myanmar và các bên liên quan để giải quyết vấn đề, đồng thời chúng tôi cũng mong muốn Myanmar cam kết với việc thực hiện đồng thuận 5 điểm. Kế hoạch đồng thuận 5 điểm vẫn là kế hoạch mà ASEAN cam kết thực hiện cũng như mong muốn sự ủng hộ của các đối tác với kế hoạch này”.
Đề cập những căng thẳng gần đây giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông có ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Tổng thư ký ASEAN khẳng định: “Tôi tin rằng Philippines và Trung Quốc đang làm việc cùng nhau để hạ nhiệt căng thẳng, vì vậy hy vọng rằng sẽ có tác động tích cực đến quá trình đàm phán COC hiện nay. Các nước ASEAN cũng nhất trí giải quyết một số vấn đề nổi cộm để có thể đẩy nhanh tiến độ đàm phán. Với cam kết Philippines và Trung Quốc hạ nhiệt căng thẳng, tôi nghĩ đó là một diễn biến tích cực, nhưng chúng ta cần tiếp tục theo dõi những diễn biến trong thời gian tới”.
Ngoài vấn đề hợp tác ASEAN, sự quan tâm của các nước đối tác tham gia vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt cũng được nhiều phóng viên quan tâm tại cuộc họp báo.