Vấn đề cốt lõi là tăng cung tiền cho nền kinh tế

TS.Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cần sớm tăng cung tiền cho nền kinh tế, nếu không sẽ phá tan mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.

TS.Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

TS.Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Một bầu không khí căng thẳng đã bao trùm toàn thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam trước các diễn biến như lãi suất, tỷ giá tăng cao, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt, thị trường chứng khoán giảm sâu, bất động sản rơi vào trầm lắng. Là người nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng và theo dõi thị trường tài chính, ông đánh giá như thế nào về bức tranh tổng quát của thị trường?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Diễn biến trên thị trường tài chính, tiền tệ trong năm nay có rất nhiều điểm đáng chú ý. Trong đó, một trong những vấn đề nóng, có tác động mạnh mẽ nhất đến thị trường là câu chuyện về rủi ro lạm phát toàn cầu.

Giá nhiên liệu liên tục tăng mạnh do xung đột Nga – Ukraine và việc tăng tỷ giá hối đoái là hai nguy cơ chính đang tác động đến lạm phát trong nước.

Trên thế giới, đồng USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Chỉ số Dollar Index (DXY) đã tăng giá từ 95 lên 115 điểm, khoảng 15%. Kết quả là, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng khoảng 7% so với đầu năm khiến giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh, gây áp lực cho sự gia tăng lạm phát.

Khi rủi ro lạm phát tăng cao dưới tác động của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức thắt chặt tiền tệ. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế 10 tháng đầu năm đạt khoảng 8%, lạm phát đạt 2,89%. GDP danh nghĩa hay còn gọi là GDP tính theo giá hiện hành (bằng tốc độ tăng trưởng của GDP thực cộng với tốc độ tăng lạm phát) đạt khoảng 11%.

Về nguyên tắc, lượng cung tiền ra thị trường phải bằng với GDP theo giá hiện hành. Lượng tiền làm ra phải cần được lưu thông trong nền kinh tế. Với tăng trưởng GDP danh nghĩa 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11%, lượng cung tiền cũng phải đạt tương ứng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2022, tăng trưởng cung tiền mới (M2) chỉ đạt khoảng 3%.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là thiếu cung tiền. Rất may mắn là năm ngoái, lượng cung tiền còn dư thừa để bù đắp cho những tháng đầu năm.

Theo đó, năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%, lạm phát 1,84%, GDP danh nghĩa đạt khoảng 4,4%. Tuy nhiên, cung tiền lại lên tới 11%, nhờ đó, nền kinh tế của năm 2021 còn dư ra 6,6% tiền tồn tại trong lưu thông và kéo dài luân chuyển trong năm nay.

Nếu cung tiền của năm ngoái không dư thừa thì không hiểu từ đầu năm đến giờ lấy tiền đâu để tăng trưởng. Với lượng cung tiền rất thấp, chỉ 3%, sẽ không thể nào luân chuyển nổi một khối lượng GDP danh nghĩa lên tới 11% trong 10 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, lượng cung tiền dư thừa này cũng chỉ có thể bù đắp cho những tháng đầu năm 2022, bắt đầu từ quý III trở đi, vấn đề khan hiếm tiền trong nền kinh tế đã ngày càng trở nên rất nghiêm trọng.

Chính việc thiếu hụt nguồn cung tiền trong khi nhu cầu vốn rất lớn đã khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt việc cho vay. Cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát càng khiến lãi suất tăng cao. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến các thị trường tài sản, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản.

Từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, bất động sản rơi vào trầm lắng, không có thanh khoản. Các nhà đầu tư hiện đang bị mất lòng tin vào thị trường.

Việc thiếu cung tiền và mặt bằng lãi suất tăng mạnh đang ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Việc khan hiếm tiền và áp lực về tỷ giá hối đoái tăng mạnh đã khiến lãi suất tăng rất cao. So với lạm phát, lãi suất của Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.

Theo đó, lạm phát 10 tháng đầu năm đạt 3%, nhưng lãi suất cho vay hiện đang ở mức 9 - 10%, cao gấp 3 lần lạm phát. Trong khi đó, tại Mỹ, lãi suất cho vay ngắn hạn hiện khoảng 4%, chỉ bằng một nửa so với lạm phát 8,5%.

Mức lãi suất cho vay rất cao này đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Toàn bộ nền tảng tài chính của doanh nghiệp bị xói mòn rất nhanh. Mọi chi phí để đầu tư ngắn hạn và dài hạn đều tăng mạnh, nhiều khoản vay của doanh nghiệp rơi vào nợ xấu. Tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường tiềm năng

Với chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất tăng cao như hiện nay, thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ không chỉ khó khăn trong năm tới mà có thể sẽ còn lâu hơn nữa. Thanh khoản của thị trường sẽ vẫn là vấn đề khó khăn trong dài hạn.

Tiền tệ giống như máu của nền kinh tế. Nếu kinh tế thiếu nguồn tiền cho lưu thông giống như máu khô kết lại, không thể phát triển. Nếu vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn, kéo theo đó là sự suy giảm của cả nền kinh tế, phá tan mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng sau đại dịch.

Nếu tăng cung tiền cho nền kinh tế, liệu có lo ngại vấn đề lạm phát không, thưa ông?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Có thể thấy, lạm phát của Việt Nam hiện chủ yếu chịu tác động từ thị trường quốc tế. Điều đó có nghĩa, tình hình vĩ mô trong nước vẫn được giữ ổn định.

Mặt khác, khi rủi ro lạm phát từ bên ngoài tác động vào Việt Nam, lạm phát trong nước cũng chỉ tăng rất thấp, chỉ 3% cho 10 tháng đầu năm 2022. Đây là con số rất tích cực so với diễn biến của lạm phát thế giới.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không tăng cung tiền do lo sợ lạm phát, tuy nhiên vấn đề là chỉ khi nào nguồn tiền dư thừa, lạm phát mới đáng lo ngại giống như cuộc khủng hoảng giai đoạn 2008 – 2009 trước đó. Còn hiện nay dòng tiền còn đang thiếu nghiêm trọng cho lưu thông. Nếu tiếp tục thiếu hụt nguy cơ suy thoái kinh tế là rất nguy hiểm.

Với bối cảnh hiện nay, theo ông, làm cách nào để tăng cung tiền cho nền kinh tế?

TS. Lê Xuân Nghĩa: Đây tưởng chừng như một bài toán khó của chính sách tiền tệ nhưng thực chất lại rất đơn giản. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán trên 20 tỷ USD ngoại tệ để cân bằng thị trường ngoại hối, hút về 600 nghìn tỷ đồng tiền Việt.

Bên cạnh đó, hơn 850 nghìn tỷ đồng tiền đầu tư công từ trái phiếu Chính phủ đã bán ra, giờ treo ở đó, không được cho vay. Như vậy gần 1,5 triệu tỷ đồng vẫn nằm trong ngân sách, tiền ngoài lưu thông thiếu là điều dễ hiểu.

Để tăng cung tiền, Ngân hàng Nhà nước cần phải mua vào trái phiếu Chính phủ và cho vay các ngân hàng thương mại, thế chấp chấp bằng hồ sơ tín dụng.

Mặt khác, khi tăng cung tiền thì lãi suất sẽ phải giảm, nhưng tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên. Lãi suất, cung tiền và tỷ giá là bộ ba bất khả thi. Chúng ta không thể cùng lúc vừa lãi suất thấp mà tỷ giá thấp đuợc.

Vấn đề quan trọng nhất của thời gian tới là cần tăng cung tiền để đảm bảo lưu thông, Ngân hàng Nhà nước cần chấp nhận tỷ giá hối đoái tăng và lạm phát ở mức nhất định, không còn cách nào khác. Chính phủ có thể bán bớt ngoại tệ trong một chừng mực nào đó để trung hòa tiền tệ.

Nếu tăng cung tiền đủ để đáp ứng được sự tăng trưởng kinh tế theo giá hiện hành, Việt Nam sẽ thực sự không có vấn đề gì lớn trong nỗ lực phục hồi kinh tế, thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Phương Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/van-de-cot-loi-la-tang-cung-tien-cho-nen-kinh-te-1668484914021.htm