Vấn đề Hồng Kông ám ảnh quan hệ Mỹ - Trung
Trung Quốc hôm 28-11 phản đối chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ký Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (HKHRDA), đồng thời để ngỏ khả năng trả đũa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad để phản đối mạnh mẽ việc Tổng thống Donal Trump phê chuẩn HKHRDA; song song đó, yêu cầu Washington không thực thi đạo luật nhằm tránh gây thêm thiệt hại cho mối quan hệ song phương cũng như sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó chỉ trích động thái của Mỹ can thiệp nghiêm trọng các vấn đề Hồng Kông, cũng như chuyện nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế. Cơ quan ngoại giao Trung Quốc cáo buộc đó là hành vi bá quyền mà Bắc Kinh kịch liệt phản đối.
Phía Trung Quốc nhanh chóng có phản ứng sau khi Tổng thống Donald Trump phớt lờ cảnh báo từ Bắc Kinh thông qua HKHRDA hôm 27-11, qua đó mở đường cho hành động ngoại giao và trừng phạt kinh tế nhằm vào Hồng Kông. Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Trung Quốc đã 3 lần triệu tập riêng đại sứ Mỹ trong vòng chưa đầy một tuần để cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu chính quyền Washington thông qua dự luật.
Hồi tuần trước, lưỡng viện Mỹ đã nhất trí thông qua HKHRDA, theo đó yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ phải có báo cáo thường niên về việc xác nhận Hồng Kông có đủ tự trị để được hưởng quy chế thương mại đặc biệt theo luật pháp Mỹ hay không. Đồng thời, HKHRDA còn đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân hoặc tổ chức bị cho là vi phạm các quyền tự do được quy định trong Luật Cơ bản của Hồng Kông.
Ngoài HKHRDA, Tổng thống Trump cũng ký một đạo luật khác đã được quốc hội thông qua, theo đó cấm bán các loại đạn dược do Mỹ sản xuất cho chính quyền Hồng Kông như bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng bắn điện.
Phản ứng trước việc Mỹ thông qua các dự luật nói trên, chính quyền Hồng Kông cảnh báo điều này sẽ phát đi thông điệp sai lầm đến người biểu tình, khuyến khích thêm nhiều cuộc tuần hành và không giúp xoa dịu tình hình căng thẳng tại đặc khu. Trong khi đó, giới quan sát nhận định việc ông Donald Trump ký ban hành dự luật về nhân quyền Hồng Kông không gây ngạc nhiên nhưng sẽ tiếp tục phủ bóng lên mối quan hệ giữa hai nước.
Ông Lu Xiang, một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc không cần có hành động phản ứng quá mức lúc này nhưng nên sẵn sàng chống lại Mỹ nếu Washington sử dụng đạo luật để gây áp lực với Bắc Kinh.
Ông Lu cho hay nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là người dân Hồng Kông nếu chính quyền Mỹ thực thi các biện pháp trừng phạt theo đạo luật. Nhà nghiên cứu này nói thêm: "Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ nhưng cũng chuẩn bị cho một mối quan hệ tan vỡ".
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo tình hình bất ổn chính trị tại Hồng Kông đang đe dọa vị thế trung tâm thương mại quốc tế của đặc khu này. Ông Thilo Hanemann, chuyên gia tại Tập đoàn nghiên cứu Rhodium Group (Mỹ), cho hay Hồng Kông vẫn là cửa ngõ vào Trung Quốc và các cuộc biểu tình đến nay chỉ tác động nhỏ đến dòng vốn chảy vào đại lục nhưng điều này có thể thay đổi.
Đạo luật được thông qua trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đàm phán thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại kéo dài hơn một năm. Một cố vấn chính phủ về chính sách thương mại của Trung Quốc cảnh báo những diễn biến khó lường có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán thương mại.
Thị trường chứng khoán tại Đông Nam Á và châu Âu hôm 28-11 phủ sắc đỏ do các nhà đầu tư lo ngại về tương lai ảm đạm của thương chiến Mỹ - Trung sau khi Washington thông qua các dự luật về Hồng Kông.