Vấn đề không của riêng ai

Trong những năm gần đây, nhất là từ khi mạng xã hội phát triển, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, áp lực đồng trang lứa càng trở thành vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Nó xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ gia đình đến công sở, từ thực tại đến không gian ảo trên mạng xã hội, từ người nhỏ đến người lớn. Và đặc biệt, áp lực đồng trang lứa đang trở thành nỗi ám ảnh tiềm tàng đối với lớp trẻ.

Áp lực đồng trang lứa tồn tại và diễn tiến theo từng giai đoạn khác nhau của mọi lứa tuổi (ảnh minh họa)

Áp lực đồng trang lứa tồn tại và diễn tiến theo từng giai đoạn khác nhau của mọi lứa tuổi (ảnh minh họa)

Những áp lực vô hình

Peer pressure là thuật ngữ chuyên ngành sử dụng trong giáo dục, tâm lý học, chỉ áp lực đồng trang lứa. Áp lực đồng trang lứa có thể xuất phát từ những môi trường như: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội… Như một căn bệnh phổ biến, áp lực đồng trang lứa ăn sâu vào nhận thức, khiến tâm lý con người đôi khi như “nghẹt thở”. Đặc biệt, tình trạng này đang dần phổ biến ở giới trẻ. Cuộc sống đôi khi khiến các em tự lập ra những phép so sánh bản thân với các bạn đồng trang lứa, từ đó nảy sinh cảm xúc tiêu cực không đáng có. Đây là hiện tượng phổ biến mà các bậc cha mẹ phải quan tâm.

Áp lực đồng trang lứa tồn tại và diễn tiến theo mỗi giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn mải miết với đèn sách, áp lực của các em là những điểm số, là thành tích học tập. Xa hơn một chút, khi bước vào thế giới của người trưởng thành sẽ có nhiều dạng áp lực khác nhau như: vị trí công việc, mối quan hệ cá nhân, thậm chí là cả vấn đề vật chất. Chừng đó thôi cũng đủ khiến các em thiết lập một phép so sánh giữa “hậu trường” của bản thân với thành công của những người cùng độ tuổi. Từ những yếu tố đó, áp lực đã nảy sinh.

Thực tế cho thấy, môi trường đặc biệt và gần gũi nhất với đại đa số các em chính là gia đình. Do đó, các bậc cha mẹ nên hết sức quan tâm vì phương pháp giáo dục và nuôi dạy trẻ ở các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường đi theo khuynh hướng chủ nghĩa tập thể. Không ít trường hợp cha mẹ có thói quen so sánh con mình với tập thể đồng trang lứa của chúng như: “Con người ta làm được thì con cũng phải làm được” mà không nghĩ đến các con sẽ nghĩ gì, bị tổn thương như thế nào và vô tình đang tạo áp lực lên các con. Hoặc đôi lần cũng chỉ vì câu nói vô tình nào đó của phụ huynh có hàm ý đề cập đến thành quả của một cá nhân khác cũng có khả năng khiến các em rơi vào áp lực đồng trang lứa. Điều này dễ khiến trẻ tự ti, mặc cảm, tạo nên khoảng cách giữa trẻ với các thành viên trong gia đình.

…Và hệ quả thật

Trong thời đại ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, hầu hết người trẻ đã sớm tiếp xúc và tiếp xúc nhiều với công nghệ thông tin. Vậy nên, thế hệ trẻ hiện nay sẽ rất nhạy cảm và nhạy bén với xã hội. Một thế hệ bông tuyết xinh đẹp, tài năng nhưng cũng rất mong manh. Xu hướng chung của độ tuổi này là luôn muốn được thể hiện bản thân, dễ chuyển sang xu hướng chống đối nếu có những tác động đi ngược với mong muốn. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều vấn đề phát sinh càng khiến các em bị giới hạn phát triển bản thân. Các em coi chiếc điện thoại thông minh như người bạn duy nhất. Điều này không khó để các em có thể chiêm ngưỡng thành tựu, thành công của những bạn trẻ khác hay thậm chí vấn đề đơn giản là về ngoại hình. Dù thật hay ảo, ít nhiều cũng hình thành tâm lý sự “cân - đo” bản thân.

Dạy con đôi khi được ví như bước vào một thế trận, cần có lúc cương, lúc nhu và đôi khi tạo áp lực cho con cũng là một “nghệ thuật”. Nghệ thuật ở chỗ các bậc cha mẹ phải biết biến áp lực trở thành động lực để có thể giúp đỡ và làm bạn cùng con. Có một câu danh ngôn nổi tiếng rằng: “Không có áp lực thì sẽ không có kim cương”. Vậy nên, mỗi người hãy là một nghệ sĩ, một người chế tác, biết biến áp lực của con trẻ hoặc áp lực của bản thân trở thành động lực phát triển.

Có rất nhiều kiến thức hướng dẫn phụ huynh làm bạn cùng con, nhưng không phải ai cũng áp dụng thành công. Nếu không thể làm bạn cùng con thì hãy là người dẫn dắt, hướng dẫn và giúp hậu thế phát triển đúng hướng. Lắng nghe và trò chuyện cùng con để hiểu và cùng nhau phát triển. Giúp con tập trung phát triển thế mạnh của bạn thân mà không nhìn quá nhiều vào thành tích của số đông. Đồng thời, phải giúp các em hiểu rằng, áp lực là một điều bình thường, ở mỗi giai đoạn chúng sẽ tồn tại với những trạng thái khác nhau nhưng quan trọng là cá nhân phải biết cố gắng hoặc biến nó thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của bản thân. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, ngoài những hoạt động gắn kết gia đình, các bậc phụ huynh cần lưu ý bảo vệ sức khỏe các em, tránh tâm lý kỳ thị, tạo ra những áp lực không đáng có.

Cát Uyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/129081/van-de-khong-cua-rieng-ai