Vấn đề pháp lý trong vụ tai nạn làm 8 người tử vong
Theo luật sư, ngoài tài xế xe khách, công an sẽ làm rõ vai trò của tài xế xe container, đơn vị quản lý đường bộ và nhà xe để xác định trách nhiệm pháp lý trong vụ tai nạn.
Khoảng 4h sáng 14/2, xe khách chạy hướng Quảng Ngãi - Đà Nẵng đã va chạm với xe đầu kéo do ông Trần Minh Nhật (41 tuổi, ở huyện Núi Thành) điều khiển tại khu vực đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Cú va chạm mạnh khiến 8 người tử vong, 13 người bị thương. Kết quả xác minh ban đầu của công an cho thấy xe khách là loại 16 chỗ đã chở 21 người, tốc độ ở thời điểm va chạm là 69 km/h (vượt quá 9 km/h so với vận tốc tối đa cho phép).
Trường hợp này, những vấn đề pháp lý nào cần làm rõ? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra?
Những vấn đề cần làm rõ
Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, cho biết trong một vụ tai nạn giao thông, ngoài tốc độ, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những yếu tố sau để xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm pháp lý của các cá nhân liên quan (nếu có) trong vụ việc:
Về yếu tố con người, trước tiên cần làm rõ tài xế đã có đầy đủ bằng lái, giấy tờ phù hợp, đáp ứng đủ tiêu chuẩn để điều khiển phương tiện chưa. Ngoài ra, quá trình điều khiển ôtô, trong máu của tài xế có nồng độ cồn, ma túy hay các chất cấm khác hay không.
Trường hợp xác định người lái xe chưa đủ điều kiện hoặc dương tính với các chất cấm khi điều khiển phương tiện, đây có thể là lỗi và bị áp dụng các tình tiết định khung trong trường hợp xử lý hình sự (nếu có).
Ngoài ra, các dấu vết hiện trường và lời khai nhân chứng cũng sẽ được thu thập nhằm xác định tính chất của vụ va chạm cũng như cách xử lý của 2 tài xế ở thời điểm trước khi xảy ra tai nạn ra sao.
Về yếu tố phương tiện, công an sẽ kiểm tra các vấn đề pháp lý của xe như niên hạn sử dụng, thời hạn đăng kiểm, giấy đăng ký xe hay bảo hiểm xe cơ giới... để xác định phương tiện còn đủ điều kiện lưu thông không. Nếu xe không đủ điều kiện nhưng vẫn được sử dụng, bên cạnh tài xế, trách nhiệm pháp lý của đơn vị quản lý xe cũng sẽ được đề cập tới, đặc biệt trong vấn đề bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, với việc tuyến đường chưa được phép lưu thông, ông Long cho biết trách nhiệm của đơn vị quản lý tuyến đường cũng sẽ được làm rõ. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xác định đơn vị quản lý có đặt biển cấm, rào chắn ngăn các phương tiện chạy vào hay không. Nếu không, ai là người chịu trách nhiệm khi để xe lưu thông qua đây?
Nếu đơn vị quản lý đã làm đủ trách nhiệm nhưng xe vẫn chạy vào, nhà chức trách sẽ làm rõ tài xế có biết đây là đoạn đường chưa được phép lưu thông không. Về phía nhà xe, cần xác minh đơn vị này có biết phương tiện của mình di chuyển trên tuyến đường chưa được đưa vào khai thác, sử dụng hay không.
Cũng theo dõi sự việc, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, cho biết theo Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép trong trường hợp qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường mà mặt đường không êm thuận.
Như vậy, tài xế có trách nhiệm giảm tốc độ, nhường đường theo quy định khi tới đoạn đường giao nhau. Việc tài xế chạy vượt quá tốc độ tối đa cho phép, không giảm tốc khi tới đoạn đường giao nhau gây tai nạn làm 8 người tử vong là hành vi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định về an toàn giao thông đường bộ, có dấu hiệu hành vi Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, do người này đã tử vong, trách nhiệm hình sự sẽ không được đề cập tới. Cơ quan chức năng sẽ tập trung vào trách nhiệm của những người liên quan để làm rõ yếu tố lỗi và mức độ vi phạm (nếu có), từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của họ.
Ai có trách nhiệm bồi thường?
Về trách nhiệm bồi thường, luật sư Trần Minh Hùng nhìn nhận thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại ngoài hợp đồng. Do đó, việc bồi thường trong vụ tai nạn giao thông thì tuân thủ theo quy định về bồi thường thiệt hại người hợp đồng.
Trích dẫn khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, luật sư cho biết người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp có quy định khác. Theo đó, hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác gây thiệt hại là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Đồng thời, Điều 587 Bộ luật này quy định trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Như vậy, cần xác định lỗi trong trường hợp này thuộc về một cá nhân riêng lẻ hay là lỗi hỗn hợp, thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Nếu xác định ngoài tài xế xe khách, những người liên quan khác cũng có lỗi thì họ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm cho các nạn nhân trong phạm vi do lỗi của mình gây ra.