Vấn đề pháp lý xoay quanh vụ cháy nhà trọ khiến 14 người tử vong ở Hà Nội
Giữa đêm, ngọn lửa bùng phát bao trùm cả ngôi nhà trọ nằm sâu trong ngõ trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Sau gần 1 giờ đồng hồ khống chế đám cháy, lực lượng chức năng phát hiện 14 người tử vong.
Mất mát đau thương
Theo thông tin từ Công an thành phố Hà Nội, khoảng 0h46' ngày 24/5, Tổng đài 114 nhận được tin báo cháy nhà dân, tại địa chỉ số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.
Ngay khi nhận được thông tin, Công an Hà Nội đã điều động 50 cán bộ, chiến sĩ khẩn trương đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác của chính quyền và người dân địa phương tổ chức chữa cháy.
Đến 0h52' cùng ngày, các đơn vị đã tiếp cận hiện trường, triển khai chữa cháy, tìm kiếm, cứu người bị nạn. Các lực lượng đã tổ chức phá khóa cổng chính, phá ô cửa sổ tiếp cận vào bên trong ngôi nhà và cứu được 7 người mắc kẹt, trong đó có 3 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Đến 1h26', đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Qua tìm kiếm, sơ bộ các lực lượng phát hiện 14 người tử vong.
Hiện Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Cầu Giấy phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân vụ cháy để giải quyết, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vấn đề pháp lý
Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, Ts.Ls Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Đây là vụ hỏa hoạn rất thương tâm khiến nhiều người thương vong, thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ việc để có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ sở hữu, người quản lý ngôi nhà này là ai, việc kinh doanh cho thuê có đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy hay không.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đã có hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy, là nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy" theo quy định tại khoản 3 (Điều 313, Bộ luật hình sự).
Còn trường hợp, cơ quan điều tra xác định không có hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy nhưng có căn cứ cho thấy đã có cá nhân có lỗi trong việc bảo quản sử dụng các nguồn điện, nguồn nhiệt gây ra đám cháy thì cũng có thể xử lý người này về tội "Vô ý làm chết người" theo quy định tại Điều 128 (Bộ luật hình sự).
Bên cạnh đó, nếu cơ quan chức năng xác định được tổ chức, cá nhân có vi phạm dẫn đến vụ cháy xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương. Thiệt hại bao gồm tiền chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, thu nhập bị mất, bị giảm sút của người bị thương, bồi thường tổn thất về tinh thần.
Đối với nạn nhân tử vong, thì tổ chức, cá nhân có vi phạm còn phải bồi thường thêm chi phí mai táng và nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Về tài sản thì người vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại trên cơ sở hậu quả thực tế đã xảy ra.
Luật sư Cường nhấn mạnh, để giảm thiểu các vụ hỏa hoạn nghiêm trọng như trên, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, thì vấn đề tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy, thanh tra kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm cần phải được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện sát sao hơn nữa trong thời gian tới.