Vận động dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Không ít người dân vẫn còn e ngại nên nhiều huyện, thành trong tỉnh gần đây đã tìm cách vận động người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong giải quyết hồ sơ.

Người dân đến nhận trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND Thành phố Đà Lạt

Người dân đến nhận trả kết quả hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND Thành phố Đà Lạt

NHIỀU TIỆN ÍCH

Một trong những tiện ích mà công cuộc cải cách hành chính (CCHC), hiện đại hóa nền hành chính hiện nay mang lại cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp chính là hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công của cơ quan nhà nước, cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng. Đây là hệ thống giao dịch điện tử giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước; được thiết lập và vận hành nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hồ sơ một cách thuận lợi, đơn giản, không phụ thuộc vào thời gian, địa điểm.

Dịch vụ công trực tuyến hiện được chia thành 4 mức. Mức độ 1 chỉ cung cấp đầy đủ các thông tin về TTHC và các văn bản quy định có liên quan; mức độ 2 người sử dụng khi vào truy cập thông tin có thể tải về các mẫu văn bản và thực hiện khai báo hồ sơ theo yêu cầu. Hồ sơ sau khi khai báo được in ra, mang nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước hoặc nộp thông qua đường bưu điện. Khi hồ sơ giải quyết xong có thể đến nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính hoặc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích giao hồ sơ đến tận nhà.

Với mức độ 3, người sử dụng có thể điền và gửi hồ sơ đến cơ quan hành chính nhà nước thông qua mạng điện tử. Các cơ quan hành chính nhà nước sau khi tiếp nhận sẽ có trách nhiệm giải quyết hồ sơ ngay trên môi trường mạng. Người sử dụng sau đó sẽ đến cơ quan hành chính nhà nước nhận kết quả giải quyết hồ sơ và trả lệ phí hồ sơ nếu có.

Tiến đến mức độ 4, người dân và doanh nghiệp không còn trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước mà có thể đăng ký, kê khai hồ sơ đầy đủ trên mạng rồi gửi đến cơ quan nhà nước thông qua mạng; việc trả lệ phí nếu có đều thực hiện qua mạng. Hồ sơ khi giải quyết xong theo quy định sẽ được gửi về đến tận địa chỉ nhà theo đường dịch vụ bưu chính công ích mình đã đăng ký.

Dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 mang đến những ích lợi rất rõ. Thủ tục đăng ký đơn giản, có thể thực hiện bất cứ lúc nào trong ngày, tại bất kỳ địa điểm nào, chỉ cần nơi đó có kết nối mạng toàn cầu Internet; có thể sử dụng máy tính hay một chiếc điện thoại thông minh nối mạng là đủ. Người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều thứ, từ chi phí đi lại, thời gian giao dịch, có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ của mình trên hệ thống mạng hay qua tin nhắn điện thoại; nhất là trong điều kiện hiện nay khi hệ thống mạng toàn cầu đã phủ đến hầu hết các địa phương trong tỉnh, các trang thiết bị như máy tính, điện thoại thông minh hiện đã rất phổ biến trong hầu hết các gia đình.

VẬN ĐỘNG DÂN SỬ DỤNG

Nhưng dù thuận lợi như thế nhưng đến nay dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phần lớn vẫn chỉ phổ biến trong khối cơ quan nhà nước, các sở ngành, còn ở các huyện, thành rất ít người dân muốn sử dụng.

Ngay cả tại thành phố Đà Lạt, nơi mà hệ thống mạng đã phủ khắp, máy tính, điện thoại thông minh không còn xa lạ nhưng theo bà Hồ Thị Bích Vân, Trưởng phòng Nội vụ Đà Lạt, số người dân sử dụng dịch vụ công mức 3, mức 4 trong giải quyết hồ sơ tại thành phố đến nay chưa nhiều.

“Nhiều người dân, ngay cả doanh nghiệp, thích đến thẳng cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ giấy, nhân tiện trao đổi thông tin, hỏi thêm các vấn đề chưa biết để hoàn thiện hồ sơ. Không ít người bảo rằng hồ sơ trên giấy có gì sai thì còn sửa, riêng điện tử khi gửi thì không biết có đến không, sợ mất hồ sơ, nhất là những loại hồ sơ giấy tờ quan trọng như đất đai, nhà cửa” - bà Vân cho biết.

Theo lý giải của bà Phạm Thị Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công Lâm Đồng, điều e ngại này có thể do công tác vận động dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến lâu nay của các địa phương chưa phát huy được hiệu quả.

Điều đáng mừng, theo bà Hiền, số lượng hồ sơ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trong thời gian gần đây đã tăng lên khá nhiều trong tỉnh, không chỉ là ở khối sở, ban, ngành của tỉnh mà còn ở nhiều huyện thành. “Do dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc nên nhiều doanh nghiệp, nhiều người dân đã tìm đến dịch vụ công trực tuyến, nhất là số hồ sơ đăng ký kinh doanh và nhiều loại thủ tục khác có thanh toán lệ phí qua mạng Bưu chính công ích của tỉnh cũng được sử dụng tăng lên vì chuyển phát hồ sơ đến tận nhà trong mùa dịch” - bà Hiền nói.

Trong kế hoạch khắc phục tồn tại, hạn chế và giải pháp nâng cao chỉ số CCHC năm 2021 và các năm tiếp theo do UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành trong tháng 8/2021 vừa qua đã yêu cầu các sở ngành, địa phương trong tỉnh cần triển khai đạt các chỉ tiêu tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4, trong đó chỉ tiêu cụ thể đưa ra là phải đạt 50% số TTHC mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ; ít nhất 20% hồ sơ được giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ phát sinh của các TTHC mức độ 3, mức độ 4.

Điều đáng mừng, theo bà Hiền, đến thời điểm này ở cấp sở ngành, bên cạnh những đơn vị làm tốt việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lâu nay như Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch Đầu tư, thì nay đã có thêm nhiều đơn vị có phát sinh hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 như Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Bảo hiểm xã hội tỉnh. Với cấp huyện thành, bên cạnh Lâm Hà làm tốt lâu nay, nay có thêm Đà Lạt và đặc biệt là huyện Lạc Dương cũng có hồ sơ trực tuyến được sử dụng nhiều.

“Các huyện, thành cần đẩy mạnh việc vận động dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách hiệu quả hơn. Nên có cán bộ công chức hướng dẫn; tập trung vào những thủ tục có số lượng hồ sơ phát sinh cao, nhất là phải yêu cầu các cơ quan, đơn vị khối nhà nước tăng cường sử dụng trước. Như tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hiện nay của chúng tôi luôn cử cán bộ hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi đến đây” - bà Hiền cho biết.

Riêng với Đà Lạt, thành phố vừa có công văn gửi đến các phòng ban, đơn vị trực thuộc và UBND các xã, phường trên địa bàn yêu cầu đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích, thuyết phục người dân và các tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích khi có nhu cầu thực hiện hồ sơ.

UBND Đà Lạt cũng yêu cầu các đơn vị bố trí cán bộ, công chức hướng dẫn người dân các thao tác thực hiện, cách tạo tài khoản, đăng ký và tra cứu kết quả hồ sơ, TTHC; đẩy mạnh việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết; đặc biệt là các TTHC liên thông các cấp, các TTHC thường phát sinh hồ sơ; thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đặc biệt, UBND thành phố Đà Lạt cam kết đảm bảo việc giải quyết trước hạn 100% đối với hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Hiện ngay tại Bộ phận một cửa của UBND thành phố như bà Vân cho biết, lâu nay cũng đã bố trí cán bộ để sẵn sàng giúp dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi đến đây.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202109/van-dong-dan-su-dung-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-3-4-3079326/