Vận động doanh nghiệp, doanh nhân góp ý chính sách phát triển kinh tế
Không chỉ là đối tượng được điều chỉnh bởi cơ chế, chính sách mà chính doanh nghiệp, doanh nhân phải có tiếng nói và tham gia vào quá trình hoàn thiện và xây dựng các cơ chế, chính sách.
Ngày 3/9, Ban Kinh tế trung ương (KTTW), Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đảng ủy Khối doanh nghiệp TW; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban KT Quốc hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… đã chính thức phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”.
Phát biểu phát động Cuộc vận động, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban KTTW, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân, trong đó Bác đã đề cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển KT ngay từ những ngày đầu giành được độc lập.
“Gần 74 năm đã trôi qua nhưng tư tưởng của Người về doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang nỗ lực thực hiện lời căn dặn này...”, Trưởng Ban KTTW nhấn mạnh, đồng thời nêu lên thực tế là doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền KT nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững.
“Trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển KT của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân…”, Trưởng Ban KTTW khẳng định.
Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân được đề ra 74 năm trước.
“Trong cuộc vận động này, mọi góp ý, đề xuất, sáng kiến của doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần KT, quy mô lớn hay nhỏ, ở trong hay ngoài nước, của Nhà nước hay tư nhân đều được Ban Tổ chức Cuộc vận động trân trọng tiếp nhận, tổng hợp, xem xét, chuyển tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước liên quan để nghiên cứu, phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế và góp phần xây dựng văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII”, Trưởng Ban KTTW khẳng định.
Tại lễ phát động, ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động cũng khẳng định, với việc có tiếng nói tham gia, thì các cơ chế, chính sách mới phản ánh kịp thời, sát nhất với thực tiễn cuộc sống, tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động.
Cho rằng doanh nghiệp, doanh nhân góp ý xây dựng thể chế chính sách phát triển KT không phải là việc làm mới, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước ta tổ chức Cuộc vận động quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách trong thời gian tới.
“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nghiệp, thông qua tổ chức đầu mối là VCCI sẽ triển khai nghiêm túc Cuộc vận động thông qua mạng lưới gần hơn 500 các hiệp hội doanh nghiệp, ở tất cả các ngành nghề, tại các địa phương và đơn vị…”, Chủ tịch VCCI cam kết.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, quá trình góp ý chính sách với Đảng và Nhà nước cũng sẽ là quá trình cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam định vị lại chính mình, thực hiện tái cấu trúc, tăng cường liên kết, nâng cấp quản trị và công nghệ, thực hiện chuyển đổi số và quốc tế hóa, nâng cao đạo đức và văn hóa kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh hướng tới các chuẩn mực phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội.
Tại Lễ phát động, Ban Tổ chức đã công bố Thể lệ Cuộc vận động. Theo đó: các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất: Từ sau ngày tổ chức Lễ phát động đến 31/12/2019. Thời gian xét chọn góp ý, đề xuất từ tháng 1 đến tháng 3/2020. Lễ Tôn vinh và Trao giải dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020.