Vận động, thuyết phục - Giải pháp ưu việt trong thi hành án dân sự
Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án không phải là thủ tục bắt buộc, nhưng thực tiễn đây là phương pháp đầu tiên trong bất kỳ vụ án, vụ việc nào, dù đơn giản hay phức tạp. Có thể khẳng định: 'Nếu tuyên truyền, vận động, thuyết phục không hiệu quả thì công tác thi hành án dân sự (THADS) sẽ khó hoàn thành tốt nhiệm vụ'.
Người làm công tác THADS luôn mong mỏi và cố gắng tìm mọi giải pháp để có thể vận động sự tự nguyện thi hành của đương sự. Theo chia sẻ của ông Phan Hoàng Thắng - Chi cục trưởng Chi cục THADS TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), sự vận động thành công không chỉ mang lại lợi ích cho người được thi hành án mà người phải thi hành án cũng thoát khỏi những chi phí phát sinh. Bởi nếu phải dùng đến biện pháp cưỡng chế thì người phải thi hành án chịu toàn bộ các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế. Không những vậy, việc các đương sự tự nguyện thi hành án còn giúp cơ quan THADS hoàn thành công việc thuận lợi, nhanh chóng, tránh khỏi những gánh nặng về thời gian, công sức, kinh phí. Vì mỗi khi thực hiện cưỡng chế, phải trải qua nhiều thủ tục hoặc huy động nhiều lực lượng chức năng, phương tiện phục vụ cho công tác cưỡng chế thi hành án. Về mặt xã hội, thuyết phục, vận động được các đương sự tự nguyện thi hành án sẽ loại trừ được khả năng xảy ra chống đối, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cũng như các khiếu kiện phức tạp về sau.
Với hơn 25 năm trong nghề, ông Thắng cho rằng việc nghiên cứu hồ sơ kỹ trước khi đưa vụ việc ra thi hành, đó là “bí kíp” thứ yếu và vận động, thuyết phục chính là “độc chiêu” giúp người làm công tác THADS hoàn thành tốt nhiệm vụ. Vì chỉ khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm rõ tình tiết vụ việc thì mới định hướng được cách xử lý công việc. Tiếp đó, tiến hành xác minh thực tế điều kiện thi hành án và quan trọng hơn hết là phải tăng cường động viên, thuyết phục thì mới giải quyết được án. Nghe thì đơn giản nhưng để trở thành người “hòa giải viên” giữa hai bên để tìm tiếng nói chung trong giai đoạn thi hành án thì không hề đơn giản. Cho nên ở mỗi tình huống, đòi hỏi mỗi chấp hành viên phải linh động áp dụng nhiều “tuyệt chiêu” khác nhau. Có những trường hợp, vừa tiến hành phân tích, giải thích thấu tình, đạt lý kèm theo phương pháp “mưa dầm thấm đất”; nhờ sức mạnh của đoàn thể, chính quyền địa phương; hay nhờ người có uy tín địa phương, người thân của đương sự tác động trực tiếp vào… Tùy đối tượng như trí thức, công nhân hay nông dân mà có cách tuyên truyền, vận động phù hợp. Tất cả sẽ được đúc kết dần theo kinh nghiệm công tác và “nói đúng, nói phải, nói mãi” là điều không ngưng nghỉ trong quá trình thi hành án.
Không phải khi đã ra quyết định cưỡng chế là người chấp hành viên ngừng vận động, thuyết phục đương sự, mà công tác này được thực hiện xuyên suốt. “Trong công tác THADS, vận động là chính, chỉ khi bất lực mới tính đến phương án cưỡng chế và trước khi thực hiện vẫn phải kiên trì vận động, thuyết phục. Đồng thời, cơ quan THADS còn tích cực vận động bên được thi hành án, địa phương, UBND TP. Sóc Trăng có sự hỗ trợ (nếu được) để người dân ổn định cuộc sống sau khi thi hành án. Đối với những vụ việc chuẩn bị cưỡng chế, đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông để tuyên truyền rõ về nội dung vụ án và cả quá trình thi hành án cũng như những quy định có liên quan. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân và chính quyền địa phương, khẳng định việc làm của cơ quan THADS là đúng quy định pháp luật, hợp ý Đảng, lòng dân” - ông Thắng bộc bạch. Nhờ vậy, nhiều năm liền, Chi cục THADS TP. Sóc Trăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dù lượng án thụ lý luôn đứng đầu tỉnh.
Để có một thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự là cả một quá trình kiên trì, khéo léo của các chấp hành viên. Các cán bộ thi hành án đã có sự nỗ lực rất nhiều trong công tác thuyết phục, vận động các đương sự. Những tháng đầu năm 2022, cơ quan THADS hai cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý hơn 10.000 vụ việc với tổng giá trị trên 2.178 tỉ đồng và đã giải quyết đạt 47,28% số vụ việc có điều kiện thi hành. Khi đó, hai cấp đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án với 82 vụ việc (nhưng có 10 vụ việc đương sự tự nguyện thi hành án không cần cưỡng chế). Con số đó cho thấy, công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện là chủ yếu; số vụ việc cưỡng chế là rất thấp so với tổng số vụ việc phải thi hành.
Ông Nguyễn Văn Uốt - Cục trưởng Cục THADS cho biết, hoạt động THADS là hoạt động cuối cùng của quá trình tố tụng, đảm bảo bản án, quyết định của tòa án được chấp hành một cách nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan THADS tách bạch “đơn thương độc mã” thì chẳng bao giờ có thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Do vậy, Cục THADS sẽ tiếp tục xây dựng các quy chế phối hợp với các cơ quan hữu quan. Hai cấp sẽ làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự hỗ trợ, phối hợp của các đơn vị có liên quan trong thi hành nhiệm vụ. Làm sao biến mối quan hệ phối hợp trên thành sức mạnh tổng hợp to lớn để chấp hành viên cơ quan thi hành án giải quyết việc thi hành án đạt hiệu quả cao nhất, tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí phát sinh không cần thiết trong quá trình thi hành án.
Thực tế, vận động, thuyết phục là giải pháp “mềm” nhưng mang lại hiệu quả cao trong nhiều mặt công tác. Đây được coi là một trong những công tác quan trọng và có thể xem là kim chỉ nam trong hoạt động THADS. Do đó, đòi hỏi mỗi cán bộ thi hành án phải có sự nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại để tôi luyện khả năng vận động, thuyết phục đương sự.