Vận dụng các hình thức tuyên truyền pháp luật: Đúng đối tượng, có trọng tâm

Vào thời điểm cuối năm tình hình an ninh trật tự (ANTT) có xu hướng diễn biến phức tạp, vì vậy các cơ quan ban ngành đã chủ động, linh hoạt trong việc tuyên truyền pháp luật đến với người dân bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế.

Không ngại đi xa

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, nhận thấy hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật đang mang lại, Hội Luật gia tỉnh tiếp tục duy trì, thực hiện mô hình điểm phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý tại các huyện, thị, thành phố, Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh. Các báo cáo viên là các luật gia cũng đổi mới hình thức tuyên truyền sao cho hoạt động tư vấn pháp lý ngày càng đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, thu hút đông đảo người dân tham dự. Ngoài việc tư vấn pháp luật trực tiếp tại văn phòng hội và Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt của các phường, xã, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tuyên truyền pháp luật do Công an tỉnh tổ chức thu hút nhiều công nhân tham gia. Ảnh: HƯNG PHƯỚC

Nói về công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, luật sư Nguyễn Phước Long, Trưởng ban Tuyên truyền Hội Luật gia tỉnh, cho biết trong năm 2023, Hội Luật gia tỉnh đã chủ động tổ chức và tham gia phối hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn và hỗ trợ pháp lý, giải đáp thắc mắc cho người dân ở các xã. Điển hình như tuyên truyền pháp luật lưu động tại xã Minh Tân (huyện Dầu Tiếng), xã An Điền, Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước, KCN An Tây (TX.Bến Cát), phường Hưng Định (TP. Thuận An)…

"Chúng tôi sẽ hướng dẫn các chi hội luật gia cấp huyện nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở từng địa phương để tuyên truyền PBGDPL kịp thời, sâu sát. Hội Luật gia tỉnh sẽ thành lập các Trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí cho nhân dân ở các huyện. Nếu địa phương nào có khả năng sẽ thành lập trung tâm tư vấn cho xã, phường, thị trấn… để từ đó công tác tuyên truyền PBGDPL phát huy hơn nữa hiệu quả tại cơ sở”, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh.

Cũng trong năm qua, hội đã xây dựng được 3 mô hình điểm về tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý tại TP.Thủ Dầu Một và các huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên; phối hợp tổ chức phiên tòa giả định tại phường Tân An TP.Thủ Dầu Một; đồng thời phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các đợt tư vấn cho hội viên Hội Phụ nữ về các vấn đề hôn nhân gia đình, đất đai; đẩy mạnh công tác tư vấn tại chỗ, trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, phụ nữ yếu thế, trẻ em vị thành niên.

Linh hoạt các hình thức tuyên truyền

Ngoài các hình thức truyền thống, hiện nay việc ứng dụng mạng xã hội vào công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, đặc biệt là với đối tượng công nhân, vốn có ít thời gian để tham gia các buổi tuyên truyền pháp luật trực tiếp.

Theo Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an VSIP (TP.Thuận An), nhờ linh hoạt các phương thức tuyên truyền, trong đó chú trọng mạng xã hội mà tình hình vi phạm pháp luật của người lao động trong KCN từ đầu năm đến nay đã giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhất là các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng. “Cũng hướng đến đối tượng công nhân lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, đồn Công an VSIP đã có nhiều cách tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với thời gian làm việc, nghỉ trưa của công nhân lao động”, Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an VSIP, cho biết thêm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác tuyên truyền pháp luật thời gian qua cũng được Sở Tư pháp tỉnh phát huy tối đa, góp phần tuyên truyền pháp luật, đáp ứng nhu cầu của người dân về tìm hiểu pháp luật. Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, cho rằng việc ứng dụng CNTT gia tăng sự tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin đa chiều giữa cơ quan chức năng và người dân, doanh nghiệp qua hình thức tư vấn pháp luật trực tuyến hoặc hỏi đáp, đối thoại chính sách pháp luật, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật.

“Hiện nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng điện thoại thông minh có kết nối internet ngày càng tăng. Vì vậy ngoài việc ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền thông qua các cuộc thi trực tuyến, các buổi tập huấn nghiệp vụ, hội họp online, sở còn phát huy công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền”, bà Nguyễn Anh Hoa cho biết.

Chú trọng công tác tư vấn pháp luật miễn phí

Thời gian qua, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở được duy trì. Nhiều công nhân, người lao động nghèo cho biết rất cần những buổi tư vấn pháp luật miễn phí. Phần lớn khúc mắc của người dân chủ yếu là các vấn đề về tranh chấp đất đai, quyền thừa kế, mâu thuẫn hôn nhân, quyền lợi bảo hiểm, kiến thức luật giao thông…

Để các buổi tư vấn pháp luật miễn phí đến được với người dân, bản thân các báo cáo viên phải rất tâm huyết. Nhiều buổi tư vấn được tổ chức vào ban đêm, các báo cáo viên cũng phải tham gia tư vấn đến tận khuya.

 Luật sư đến từ Hội Luật gia tỉnh giải đáp thắc mắc của người dân tại một buổi tuyên truyền pháp luật trên địa bàn phường Hưng Định, TP.Thuận An

Luật sư đến từ Hội Luật gia tỉnh giải đáp thắc mắc của người dân tại một buổi tuyên truyền pháp luật trên địa bàn phường Hưng Định, TP.Thuận An

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/van-dung-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-phap-luat-dung-doi-tuong-co-trong-tam-a310983.html