Vân Dung: Con trai tôi đi thử vai, các đạo diễn hỏi 'ở nhà mẹ không dạy à?'
Vân Dung cho biết, chị chưa bao giờ tác động các đạo diễn để xin vai cho con. Vì thế, nhiều khi con trai được nhận vai, chị còn không biết.
Vân Dung: Tôi chưa bao giờ tác động để xin vai cho con trai
Vốn là nghệ sĩ kín tiếng chuyện gia đình, con cái nên khi biết nam diễn viên trẻ Long Vũ xuất hiện trong phim Cuộc chiến không giới tuyến (2023) là con trai của Vân Dung đã khiến không ít người bất ngờ. Vân Dung cho biết, con trai sinh năm 2001, đã tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Dù có con theo nghề của mẹ nhưng Vân Dung có một nguyên tắc là không nhờ vả hay tác động để con trai có vai diễn. Vì thế, với phim Cuộc chiến không giới tuyến, Long Vũ được đạo diễn nhận rồi chị mới biết. Bản thân chị cũng không ngờ con trai lại diễn tốt và được khán giả yêu mến đến vậy.
Trong phim, Long Vũ vào vai Cương, con trai của "đại gia" vùng cao. Cương hống hách, cậy bố có tiền nên không coi ai ra gì. Dù chỉ là vai phụ nhưng nhân vật Cương thu hút nhiều sự chú ý. Long Vũ cũng nhận được nhiều lời khen với diễn xuất linh hoạt, tự nhiên. Nam diễn viên trẻ không có vẻ ngoài điển trai nhưng cao ráo, hình thức có nét riêng biệt và tố chất nghệ thuật của mẹ.
Nghệ sĩ Vân Dung chia sẻ, chị rất vui khi con trai không ỷ vào người mẹ nổi tiếng, biết tự thân vận động để khẳng định bản thân. Ngoài ra, vốn là người rất cá tính nên Long Vũ cũng không dễ dàng ngheo theo người khác, kể cả mẹ. "Có mẹ là diễn viên nhưng có vẻ như bụt chùa nhà không thiêng thì phải. Tất cả những lời góp ý của mẹ về nghề là không bao giờ nghe, chỉ nghe thầy và các anh chị.
Khi bạn ấy đi làm phim, đạo diễn hỏi: "Thế ở nhà mẹ không dạy à? Sao diễn thế?". Vậy là từ đó có phân đoạn nào không diễn được là bạn ấy về nhà hỏi mẹ. Và tôi phải phân tích nhân vật, chỉ cách vào vai sao cho ngọt nhất. Tôi nói điều quan trọng là con không được diễn, không được lấy cảm xúc từ bên ngoài như chuyện buồn của bản thân để diễn nỗi buồn của nhân vật. Như vậy là hỏng", nghệ sĩ Vân Dung nói.
Vân Dung khuyên con trai: Đừng chờ cơ hội đến mà mình phải đi tìm cơ hội
Hỏi về áp lực khi có mẹ là người nổi tiếng, Vân Dung thừa nhận chuyện đó là khó tránh khỏi. "Có lần bạn ấy hỏi: 'Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu quá mà con đi casting không ai nhận. Mẹ! Hay vì mẹ đẻ con xấu giống bố nên 4 năm đi học không ai mời con. Mẹ! Hay là vì mẹ nổi tiếng quá nên các cô các chú luôn nghĩ con đã có mẹ rồi nên sau này mẹ sẽ chăm lo, không cần mời con nữa mà nhường cơ hội cho các bạn khác?'.
Tôi bảo: 'Con nhầm! Đấy là vì con chưa nỗ lực, diễn chưa thuyết phục được đạo diễn, vì con làm chưa tốt. Nghề này không ai xin được cho ai. Nếu có xin cho con thì chỉ được một lần thôi, mà nếu có xin được thì ra ngoài đời khán giả chấp nhận và yêu quý không là do con chứ không thể do mẹ.
Nếu con làm không tốt thì dù mẹ có chơi thân đến mấy với đạo diễn thì lần sau họ cũng không mời con, vì tất cả phải dựa trên sự chuyên nghiệp và hiệu quả công việc chứ không phải vì yêu thương nhau mà mời nhau. Mẹ có chơi thân đến mấy với đạo diễn cũng thế, có thể chơi rất thân với người này nhưng phim của người ta chưa chắc đã mời mẹ và mẹ phải chấp nhận điều đó.
Con cứ đi casting đi, 10 phim đến 100 phim mẹ khẳng định con sẽ được nhận. Giờ con chỉ là hạt cát mà chờ mọi người mời không bao giờ. Cỡ như mẹ mà còn phải đi casting nữa là con. Đừng chờ cơ hội đến mà mình phải đi tìm cơ hội'.
Thế là, cậu ấy cứ nhiệt tình đi casting, trượt về mặt lại thượt ra và đổ cho mình xấu. Nghề này đừng nói đẹp trai xinh gái mà nổi tiếng, quan trọng là phải giỏi, phải có cái độc lạ của riêng mình".
Về phần mình, Vân Dung cũng tự nhận mình xấu nên nhờ thế, chị luôn cố gắng tìm tòi nét diễn riêng để mang lại ấn tượng cho khán giả. Như trong phim Hướng dương ngược nắng, Vân Dung đã tạo hình 'lòe loẹt' cho vai diễn Diễm Loan. Chị chia sẻ: "Bản thân tôi đã tưởng tượng ra vai diễn Diễm Loan phải như thế nào. Phải ngây thơ, ngốc ngếch, ngờ nghệch, mê trai, điệu đà nhưng phải rẻ tiền.
Đầu tiên Dung đi tìm mua phục trang để phù hợp với cô ca sĩ nửa mùa có suy nghĩ, nhận thức rất đơn giản như cây như cỏ. Khi nhận kịch bản thì phải đọc rất kỹ nhân vật, phân tích nhân vật, nghĩ rằng trường đoạn này mình sẽ diễn như thế nào, mắt, miệng mình ra sao, mình sẽ mặc những trang phục gì để nó đối lập với vai bà Bạch Cúc. Tôi phải đi mò trên mạng, đi đến các shop quần áo để tìm trang phục phù hợp với vai của mình".
Nhờ sự tìm tòi khác biệt này mà dù chỉ là vai phụ nhưng Vân Dung đã mang đến sự ấn tượng khó quên cho khán giả, trở thành nhân vật được bàn tán khá nhiều mỗi khi xuất hiện.
Hiện tại, nữ nghệ sĩ đang tham gia phim Người một nhà (phát sóng vào thứ 5, thứ 6 hàng tuần trên VTV3). Chị vào vai bà Thư – một người đàn bà ham tiền. Đối với chồng, bà luôn dịu dàng, chăm sóc nhưng thực chất là một người rất ghê gớm. "Ở trong phim, bà này là người rất thích tiền và đạp lên tất cả mọi thứ bằng mọi giá để có tiền. Thế nhưng Vân Dung ngoài đời thì lại khác. Hơi thích tiền thôi. Những gì mình kiếm được là từ mồ hôi nước mắt, bằng hai bàn tay của mình để chăm lo cho mình, cho những người xung quanh. Đó là điều mình vô cùng tự hào", Vân Dung nói.
Chị cũng phủ nhận mình không giàu có như nhân vật trọng phim, cũng không phải là "đại gia đất cát" như lời đồn. Chị cho biết, đó chỉ là lời nói đùa của Xuân Bắc, Quang Thắng chứ không phải sự thật. Vân Dung đính chính: "Tôi không giỏi kiếm tiền tới mức thế. Tuy vậy, tôi luôn cố gắng để mang lại cho gia đình sự ổn định về kinh tế. Tôi có thể làm việc gấp 4 người đàn ông. Làm nghệ thuật tuy hào nhoáng nhưng không thể giúp tôi lo được cho gia đình. Tôi phải làm rất nhiều nghề khác nhau. Tôi không có suy nghĩ kiểu mình là diễn viên thì phải làm nghề gì đó cao sang, không lại bị người khác đánh giá. Ngược lại, nghề nào kiếm được tiền là tôi làm tất, miễn là không vi phạm pháp luật".