Vận dụng sáng tạo kinh nghiệm chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc
Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Sáng 22/4, tại TP. Kon Tum, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức hội thảo khoa học "Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh: Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm" nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử này (24/4/1972-24/4/2022).
Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho hay 50 năm đã trôi qua, chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh vẫn luôn in đậm trong tâm trí của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chiến đấu dũng cảm, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ chiến thắng này có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc, sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh từ thắng lợi của trận Đắk Tô - Tân Cảnh, nhiều bài học kinh nghiệm về nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, sự phát triển nghệ thuật quân sự đặc sắc của chiến tranh cách mạng Việt Nam đã được tổng kết và những bài học kinh nghiệm đó cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị các đại biểu tiếp tục sưu tầm, cung cấp các tư liệu, sự kiện liên quan đến trận Đắk Tô - Tân Cảnh nói riêng, chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 nói chung, để các cơ quan, đơn vị bổ sung vào các công trình nghiên cứu, làm phong phú thêm sự kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa chiến lược này.
Tại hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử tập trung làm rõ thêm bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế; âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"; khả năng và biện pháp ứng phó của Mỹ và quân đội Sài Gòn trước đòn tiến công của lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong Xuân - Hè 1972 nói chung, trận Đăk Tô - Tân Cảnh nói riêng; dư luận Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đối với trận Đăk Tô - Tân Cảnh; khẳng định chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên; làm rõ quá trình chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh chiến dịch Bắc Tây Nguyên để giành thắng lợi...
Ngoài ra, các đại biểu cũng làm rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương; nêu bật nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự trong trận tiến công hệ thống cứ điểm phòng ngự Đắk Tô - Tân Cảnh, nhất là cách đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, phát huy sức mạnh hỏa lực pháo binh và xe tăng, phối hợp đánh địch từ nhiều hướng; nghệ thuật tổ chức và điều hành trận chiến đấu, trình độ chỉ huy, sử dụng lực lượng, chọn hướng tiến công; tác động, ảnh hưởng của chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đối với tiến trình phát triển của chiến dịch Bắc Tây Nguyên và với chiến trường Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân giải phóng miền Nam được tiến hành bằng 3 chiến dịch ở 3 hướng chiến lược: Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, kết hợp với các chiến dịch tiến công tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long và Khu 5.
Chiến trường Tây Nguyên được xác định là hướng phối hợp quan trọng, có nhiệm vụ tiêu diệt một bộ phận chủ lực Quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân đội Sài Gòn, giải phòng vùng Đắk Tô- Tân Cảnh và thị xã Kon Tum.
Đầu tháng 4/1972, trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta ở Đông Nam Bộ, địch phải rút Sư đoàn Dù và Lữ đoàn Dù 2 vào ứng cứu Bình Long, lúc này ta đã tiến công phá vỡ tuyến phòng thủ của địch ở phía tây sông Pô Kô.
Chớp thời cơ lực lượng phòng thủ nòng cốt của địch suy giảm, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Đắk Tô - Tân Cảnh, thực hiện trận then chốt đầu tiên của Chiến dịch Bắc Tây Nguyên.
Nhờ sức mạnh hỏa lực của pháo binh và xe tăng, chỉ chưa đầy 1 ngày (từ chiều tối ngày 23/4 đến khoảng 11h trưa ngày 24/4/1972), quân ta đã làm chủ trận địa, loại khỏi chiến đấu gần 2.000 tên địch, bắn rơi 8 máy bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 khẩu pháo, gần 100 xe quân sự; giải phóng một vùng rộng lớn từ Võ Định lên Tân Cảnh, Đắk Tô, Đắk Mót, làm tan rã phần lớn lực lượng của địch trong vùng.