Vận dụng tư tưởng Cách mạng Tháng Mười Nga vào công tác xây dựng Đảng hiện nay
Hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng những tinh hoa, giá trị thời đại, bài học rút ra từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, là nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới. Trong đó, có bài học về sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản chân chính, vận dụng sáng tạo lý luận, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển.
Bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngày 7-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô viết. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới. Có thể nói, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Bôn-sê-vích Nga và lãnh tụ Lênin là nhân tố cơ bản, quyết định trực tiếp đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Kế thừa những tư tưởng tiến bộ của C.Mác-Ph.Ăng-ghen, Lênin đã phát triển, hoàn thiện học thuyết cách mạng về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Và cũng chính Lênin với trí tuệ thiên tài của mình đã chứng minh sức sống của học thuyết đó thông qua vai trò của Đảng Bôn-sê-vích Nga trong lãnh đạo quần chúng đứng lên đấu tranh lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản Nga, xây dựng chính quyền mới của nhân dân lao động.
Thực tế lịch sử cho thấy, Đảng Bôn-sê-vích và lãnh tụ Lênin đã chủ động chuẩn bị mọi mặt cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước sự vận động của tình hình cách mạng, cùng với việc đề ra chiến lược, sách lược cụ thể, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã sáng suốt khi xác định rõ, cách mạng Nga phải chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nhiệm vụ trọng tâm là lật đổ chính quyền lâm thời tư sản, bảo vệ các Xô viết đại diện. Đồng thời, công tác vận động, tập hợp quần chúng cũng được những người Bôn-sê-vích Nga chú trọng gắn với việc đấu tranh vạch trần bộ mặt cải lương, phản động của giai cấp tư sản và chính quyền lâm thời tư sản. Với hàng loạt khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu “Chính quyền về tay các Xô viết”, Đảng Bôn-sê-vích Nga đã thành công trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh của các lực lượng cách mạng như công nhân, nông dân, các dân tộc bị áp bức cùng kiên quyết đấu tranh lật đổ chính quyền lâm thời tư sản.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là kinh nghiệm thực tiễn, là bài học quý báu về vai trò lãnh đạo của Đảng: Đảng phải có đường lối cách mạng đúng đắn, nhất là khi xuất hiện thời cơ cách mạng, phải đáp ứng khát vọng, lợi ích của nhân dân và của dân tộc. Đảng cần tập hợp được đông đảo quần chúng cách mạng và gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, vì lợi ích của quần chúng nhân dân để xây dựng và trưởng thành. Trong xây dựng Đảng, cần coi trọng và chăm lo củng cố tổ chức của Đảng theo đúng các nguyên tắc trong hoạt động, sinh hoạt.
Vận dụng vào quá trình xây dựng Đảng ở nước ta
Cùng với sự kế thừa những giá trị quý báu của Cách mạng Tháng Mười Nga về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng ta chủ trương lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng làm nhiệm vụ then chốt. Ngoài ra, Đảng ta luôn quán triệt sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, lãnh đạo nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Đảng ta vẫn còn những hạn chế cần tập trung khắc phục như: công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn diễn biến nhanh chóng, phức tạp; công tác tư tưởng còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Trước thực tế đó, bài học lớn rút ra là phải tiếp tục xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thật sự phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và dựa vào sức mạnh của nhân dân, phát huy sức sáng tạo, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên thông qua công tác xây dựng Đảng mà tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, khắc phục mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí.
Do đó, trong quá trình vận dụng bài học kinh nghiệm về xây dựng Đảng trong Cách mạng Tháng Mười Nga, với quyết tâm “tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới” cần thực hiện hiệu quả những nội dung chủ yếu sau:
Một là, trong quá trình xây dựng Đảng cần thấm nhuần bài học của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng ta kiên trì Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Toàn thể đảng viên phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về những giá trị khoa học của Chủ nghĩa Mác-Lênin, trang bị cho mình thế giới quan và phương pháp luận khoa học; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nắm chắc và thực hiện đúng quan điểm của Người về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, vận dụng sáng tạo, phù hợp, hiệu quả vào công việc hàng ngày của mỗi người. Đồng thời, phải tiếp tục cụ thể hóa Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội XII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết Trung ương đã ban hành.
Hai là, những chỉ dẫn của Lênin có ý nghĩa rất quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng và thực hiện vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng xây dựng Đảng kiểu mới theo tư tưởng của Lênin, quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên về lý luận, trí tuệ, phương pháp lãnh đạo và đạo đức cách mạng. Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta đã từng bước khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều, chú trọng nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tăng cường sức chiến đấu, nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Đảng không ngừng xây dựng, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối, chống nguy cơ sai lầm về đường lối; quyết tâm chống bệnh quan liêu, xa rời thực tế và xa dân, chống tham nhũng, lãng phí. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Với quyết tâm chính trị cao, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) đề ra 4 nhóm giải pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, tiêu cực trong Đảng. Cùng với tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên, Trung ương nhấn mạnh giải pháp rất quan trọng: “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức của Đảng; cán bộ, đảng viên vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Cấp ủy các cấp chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đồng thời, tiến hành rà soát, sàng lọc và đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng”.
Ba là, tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị, đồng thời kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, nhất là tổ chức Đảng trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Bốn là, thường xuyên chú trọng đến công tác cán bộ; tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Có chính sách thích hợp thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong điều kiện hiện nay, các cấp ủy, nhất là cấp ủy cơ sở cần tăng cường trách nhiệm, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân.