Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết, hợp tác quốc tế để phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Một trong những di sản tinh thần vô cùng quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và dân tộc Việt Nam là những tư tưởng kết tinh trong bản Di chúc của Người.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết, hợp tác quốc tế là một trong những tư tưởng cốt lõi, quan trọng, là "kim chỉ nam", định hướng cho quá trình hoạch định, thực hiện đường lối hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước trước đây cũng như trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là những nền tảng, cơ sở quan trọng để lực lượng CAND nghiên cứu, vận dụng triển khai công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế cũng như các mặt công tác chuyên môn nghiệp vụ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm về đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ nét và sinh động trong bản Tuyên ngôn Độc lập (ngày 2/9/1945) và trong Báo cáo về chính sách đối ngoại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 3/10/1945). Người khẳng định: "Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn". Người nhấn mạnh: "Cái gốc, cái điểm mấu chốt về chính trị, quân sự, kinh tế, nội chính, ngoại giao của ta là tự lực cánh sinh".

rên nền tảng nguyên tắc và phương châm đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ta có mạnh thì họ mới đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy". Sau thành công của Cách mạng tháng Tám, Người khẳng định "Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hòa bình".

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định phương châm đối ngoại của Việt Nam là "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai". Người nhấn mạnh: "Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập… Là bạn của ta trong giai đoạn này là tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí ấy".

Phát biểu nhân dịp ngày Quốc khánh 2/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: "Trong quan hệ đối với các nước khác, chính sách của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rõ ràng và trong sáng: Đó là một chính sách hòa bình và quan hệ tốt… tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm, không can thiệp vào các công việc nội bộ, bình đẳng và hai bên đều có lợi, chung sống hòa bình".

Các quan điểm, tư tưởng, nguyên tắc và phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại, hội nhập quốc tế đã được thể hiện trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam cho đến ngày nay và là nền tảng, kim chỉ nam cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung và nền đối ngoại nói riêng, từng bước khẳng định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh và quán triệt thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế nói chung và đối ngoại trên lĩnh vực ANTT nói riêng; chủ trì, phối hợp tham mưu Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản liên quan đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ANTT, phòng, chống tội phạm…

Công tác đối ngoại CAND đã phát huy vai trò "đi trước, mở đường", góp phần đặt nền móng cho hợp tác toàn diện, sâu rộng của Việt Nam với các nước. Chủ động kiến nghị, triển khai có hiệu quả cơ chế đối thoại an ninh với nhiều đối tác quan trọng, góp phần tăng cường lòng tin chính trị, làm nền tảng mở rộng và phát triển hợp tác trên các lĩnh vực khác. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao trong hoạt động đối ngoại của đất nước; chủ động đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế về an ninh, trật tự góp phần quan trọng thực hiện tốt đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và tranh thủ được sự hỗ trợ to lớn của các nước, vùng lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và triển thế giới.

Chủ động thúc đẩy công tác trao đổi đoàn cấp bộ để truyền tải các thông điệp của Đảng, Nhà nước nhằm thống nhất về chủ trương, nội dung, phương thức hợp tác hoặc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế; trao đổi thông tin với nhiều hình thức định kỳ và đột xuất qua nhiều kênh liên lạc với các cơ quan An ninh, Nội vụ, Cảnh sát, tình báo các nước, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Các Đại sứ, đại diện cơ quan An ninh, Cảnh sát, Nội vụ các nước và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Phú Thọ.

Các Đại sứ, đại diện cơ quan An ninh, Cảnh sát, Nội vụ các nước và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Khu Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, Phú Thọ.

Để tăng cường công tác đối ngoại CAND trong tình hình mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh về hội nhập quốc tế, lực lượng CAND tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại trên quan điểm "độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường"; bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại CAND nói riêng; gắn kết chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước theo phương châm và định hướng "đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế", từng bước đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh đó, lực lượng CAND tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thực hiện công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực quốc tế để bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH trong tình hình mới và xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực ANTT trong tình hình mới. Không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu, dự báo chiến lược.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo dõi, đánh giá toàn diện, sâu sát tình hình thế giới, khu vực và trong nước; nâng cao khả năng thu thập, phân tích, nghiên cứu và dự báo chiến lược; tích cực chủ động tham mưu, tư vấn chính sách và triển khai các hoạt động đối nội, đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại gắn với bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia.

Lực lượng CAND củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với cơ quan An ninh, Nội vụ, Cảnh sát… các nước, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để truyền tải các thông điệp của Đảng, Nhà nước nhằm thống nhất về chủ trương, nội dung, phương thức hợp tác hoặc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương và trao đổi thông tin về tình hình thế giới, khu vực, âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, những vấn đề liên quan an ninh quốc gia và bảo đảm TTATXH. Tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác trọng điểm, các đối tác có quan hệ truyền thống, các tổ chức quốc tế trong công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm rửa tiền, tội phạm mua bán người, tội phạm xuyên quốc gia và giải quyết hiệu quả những thách thức an ninh phi truyền thống…

Lực lượng CAND cũng tiếp tục duy trì và thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận hợp tác mà Nhà nước và Bộ Công an đã ký kết hoặc tham gia. Tích cực tham gia đóng góp ý kiến về hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEANAPOL, INTERPOL; chủ động trao đổi thông tin với Ban Thư ký ASEAN, ASEANAPOL, INTERPOL và phối hợp xây dựng thỏa thuận hợp tác giữa ASEANAPOL với các đối tác khác. Tăng cường các hoạt động trên các diễn đàn đa phương, song phương và chủ động phối hợp, đối thoại với lực lượng chức năng các nước để giải quyết hiệu quả các vấn đề an ninh mang tính toàn cầu, nhất là vấn đề khủng bố, những thách thức an ninh phi truyền thống và các hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để thực hiện âm mưu, ý đồ chống phá Đảng, Nhà nước.

Lực lượng CAND chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCS làm công tác đối ngoại tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, nắm vững pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế, có trình độ chuyên môn cao (ngoại ngữ, tin học…), tinh thông về nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác công an nói chung, công tác đối ngoại CAND nói riêng. Tập trung thực hiện tốt Đề án số 07 ngày 3/3/2023 của Bộ Công an về "Giải pháp tăng cường công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng lực lượng, hậu cần, kỹ thuật CAND đến năm 2030 thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/cong-an/van-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doan-ket-hop-tac-quoc-te-de-phuc-vu-nhiem-vu-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-i742433/