Văn Giang – Vùng đất khoa bảng

Vùng đất Văn Giang là điểm sáng với truyền thống hiếu học, cử nghiệp và thi thư của tỉnh Hưng Yên. Văn Giang thời nào cũng có nhân tài, thành danh khoa bảng. Có những gia đình, cha con, ông cháu đều văn – võ song toàn, trở thành danh nhân văn hóa của đất nước. Có nhiều làng, xã có truyền thống khoa cử lâu đời, có nhiều dòng họ đỗ đạt cao, tiêu biểu như: Làng Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ), làng Lại Ốc (xã Long Hưng), dòng họ Dương, dòng họ Tô (làng Xuân Cầu), dòng họ Đỗ, họ Phạm (làng Lại Ốc), dòng họ Chu, làng Phú Thị, xã Mễ Sở…

Xã Cửu Cao (Văn Giang) khen thưởng tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học

Suốt chặng đường khoa cử nho học, các sĩ tử của huyện Văn Giang đã phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, giành nhiều vị trí xứng đáng về số lượng và học vị ở mỗi kỳ thi. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong các kỳ thi khoa cử thời phong kiến, huyện Văn Giang có 82 người thi đỗ Trạng nguyên, Tiến sĩ, Hương cống (Cử nhân). Truyền thống hiếu học lan tỏa trong mỗi gia đình, dòng họ ở Văn Giang, chẳng thế mà nơi đây có gia đình bố, con, anh em đều đỗ Trạng nguyên; Tiến sĩ; có dòng họ liên tục có người đỗ đạt, nổi tiếng thi thư.

Theo sách Văn Giang vùng phù sa văn hóa, ở thời Hậu Lê, huyện Văn Giang có nhiều nhà khoa bảng đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước như: Bùi Siêu (xã Tân Tiến), Nguyễn Kỳ (xã Long Hưng), Phí Mẫn (xã Cửu Cao)…; Lê Bột (xã Mễ Sở), Đỗ Trực, Trần Thụy (xã Long Hưng)… Trong đó, không thể không nhắc đến Hoàng giáp Đỗ Nhân, người thôn Lại Ốc, xã Long Hưng. Ông đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Quý Sửu 1493. Năm đó, ông 20 tuổi. Sau khi đỗ đạt, ông đổi tên là Đỗ Nhạc và phụng mệnh vua đi sứ nhà Minh, trở về được phong làm Thượng thư bộ Hộ kiêm Đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, vào giảng bài trong điện Kinh diên. Năm 1512, ông làm Tán lý quân vụ, được giao tiến đánh tàn quân nổi dậy của Trần Tuân, Nguyễn Nghiêm ở Sơn Tây, Hưng Hóa; dẹp quân phản tặc của Lê Hy, Trịnh Hưng, Lê Minh Triệt nổi dậy ở Nghệ An. Sau khi tướng Trần Chân bị vua giết, các thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng mang quân nổi dậy báo thù. Quyền thần Mạc Đăng Dung khi ấy cho rằng vua ở điện Thuần Mỹ không an toàn nên bức vua rời sang Bảo Châu (Hà Đông). Khi biết được mưu đồ của Mạc Đăng Dung, Đỗ Nhân cùng Phó Đô ngự sử Nguyễn Dự đều can và không màng nguy hiểm bảo vệ vua. Thấy vậy, Mạc Đăng Dung đã sai đồ đảng là Đinh Mộng bắt Đỗ Nhân và Nguyễn Dự đến ruộng dâu ngoài cửa bắc hành dinh rồi giết. Năm đó, Đỗ Nhân 45 tuổi. Trong 15 năm làm quan dưới thời Hậu Lê, Đỗ Nhân đã dùng tài trí thông minh, mưu lược quân sự, xả thân cứu vua, bảo vệ an nguy cho đất nước.

Bước sang thế kỷ XX, XXI, đội ngũ nhân tài của Văn Giang ngày càng đông đảo và có nhiều đóng góp cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, quân sự, khoa học, văn hóa – nghệ thuật như: Phó Đức Chính, Tô Chấn, Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Lê Giản, Nguyễn Tài, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Công Hoan…

Truyền thống hiếu học của Văn Giang không chỉ thể hiện ở hầu như xã nào cũng có người học giỏi, đỗ cao, làm quan giữ trọng trách trong triều, đóng góp vào quá trình phát triển của dân tộc mà còn thấm đẫm trong từng nét sinh hoạt cộng đồng, thuần phong mỹ tục. Làng Đa Ngưu, xã Tân Tiến, chuyên buôn thuốc bắc nổi tiếng một thời. Ấy vậy mà niềm tự hào về sự giàu có cũng không sánh bằng “Đa văn”, được thể hiện ngay ở cổng làng. Cổng làng được xây 2 tầng, 3 cửa, có 4 chữ đại tự được khắc tỉ mỉ “Đa văn vi phú” (Lấy sự giàu văn hóa, văn học là giàu có). Cổng làng Phú Thị khắc 3 chữ Hán “Văn nhã hạng” (có nghĩa là ngõ xóm văn chương tao nhã). Ở làng Đan Nhiễm (thị trấn Văn Giang) có nhiều tiến sĩ; hàng năm, vào dịp Trung thu, Nhân dân thường làm hình tiến sĩ giấy cho trẻ em chơi nhằm giáo dục tinh thần hiếu học cho thế hệ sau…

Tiếp nối và phát huy truyền thống khoa bảng của những thế hệ đi trước, ngày nay, cùng với phát triển kinh tế, huyện Văn Giang quan tâm tới phát triển văn hóa, giáo dục. Với chủ trương phát triển giáo dục: “Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả”, huyện Văn Giang đã đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp cho từng cấp học, trong từng giai đoạn như: Xây mới, sửa chữa phòng học; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; phổ cập giáo dục các cấp học; bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên... Công tác khuyến học, khuyến tài ở các địa phương luôn được các dòng họ quan tâm, thực hiện nhằm động viên, khuyến khích tinh thần hiếu học của con, cháu.

Đến nay, toàn huyện có 958 phòng học, trong đó phòng học kiên cố, cao tầng ở các bậc học đạt tỷ lệ trên 93%. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn các cấp học đạt 100%; trong đó, tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt gần 29%. Huyện có 34 trường đạt chuẩn quốc gia. Huyện giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Tỷ lệ hoàn thành các môn học cấp tiểu học, học sinh có học lực khá, giỏi cấp trung học cơ sở tăng; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt cao; điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 tại các trường THPT trên địa bàn huyện luôn thuộc tốp các trường cao nhất tỉnh. Nhiều học sinh cấp học THCS thi đỗ vào các lớp chuyên của các trường đại học, Trường THPT Chuyên Hưng Yên… Giai đoạn 2016 – 2021, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học trên địa bàn huyện đạt trên 65%.

Những năm gần đây, các thế hệ người con quê hương Văn Giang luôn phát huy truyền thống khoa bảng, hiếu học, cách mạng của quê hương để không ngừng học tập, trau dồi lý luận, đạo đức cách mạng, cống hiến xây dựng quê hương. Trong đó, có nhiều người con quê hương Văn Giang giữ các vị trí quan trọng của đất nước như Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Nhiều sinh viên của Văn Giang sau khi tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ đã trở về quê hương làm việc tại huyện, xã; áp dụng các kiến thức đã học vào phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở địa phương theo hướng khoa học – hiện đại…

Đồng chí Đào Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Để tiếp nối truyền thống khoa bảng của quê hương, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện trong tình hình mới, thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục trong quá trình giảng dạy và học tập; tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện triển khai lồng ghép các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202108/van-giang-vung-dat-khoa-bang-32c5314/