Vận hành chính quyền 2 cấp: Động lực mới cho phát triển kinh tế địa phương

Chính thức vận hành chính quyền hai cấp trên cả nước, mô hình mới kỳ vọng tạo xung lực phát triển kinh tế - xã hội từ cơ sở.

Ngày 1/7/2025, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước khi mô hình chính quyền 2 cấp chính thức được vận hành trên cả nước.

Việc triển khai mô hình hai cấp không đơn thuần là cải cách hành chính, mà còn là bước tiến thể chế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực quản trị và tạo đà tăng trưởng cho kinh tế địa phương.

Thúc đẩy liên kết vùng, phát huy dư địa kinh tế

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, bày tỏ nhiều kỳ vọng vào mô hình mới từ góc độ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, đến thúc đẩy doanh nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân.

Theo ông Dĩnh, việc chính thức vận hành chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7 là một thời điểm mang ý nghĩa lịch sử.

"Trước đây, hệ thống chính quyền được tổ chức theo 3 cấp: Tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, mô hình mới chỉ tổ chức chính quyền địa phương ở 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã, loại bỏ cấp trung gian là huyện, đây là bước đột phá trong việc xây dựng bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả đúng với tinh thần của cải cách tổ chức bộ máy hệ thống chính trị", ông Dĩnh nhấn mạnh.

Người dân được hướng dẫn tận tình, chu đáo, đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Chí Bình

Người dân được hướng dẫn tận tình, chu đáo, đảm bảo thủ tục nhanh chóng, thuận tiện. Ảnh: Chí Bình

Từ 63 tỉnh, thành, hiện nay chỉ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, với quy mô dân số và diện tích đủ lớn, sẽ tạo không gian thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng liên kết vùng.

Theo ông Dĩnh, điều này sẽ giúp các tỉnh phát huy tốt hơn các lợi thế về nông nghiệp, công nghệ cao, kinh tế biển, cũng như khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nhân lực và hạ tầng kỹ thuật. Đây là tiền đề quan trọng để tạo ra vùng kinh tế động lực, kết nối chuỗi sản xuất, tiêu dùng, giảm phân tán nguồn lực giữa các địa phương nhỏ.

Một điểm đột phá khác của mô hình 2 cấp đồng nghĩa với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho cấp xã/phường, từ tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất đến quyết định hành chính.

Cấp xã là cấp gần dân nhất, sát dân nhất. Khi được giao thẩm quyền rõ ràng, cán bộ cấp xã có thể giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công hiệu quả, thuận tiện hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đây là mô hình hành chính phục vụ thực chất”, ông Dĩnh nhấn mạnh.

Đặc biệt, với việc rút ngắn quy trình xử lý, người dân sẽ không còn phải đi qua cấp huyện, vốn từng gây nên độ trễ trong chỉ đạo và thực thi chính sách. Ví dụ, hiện nay Chủ tịch UBND xã có quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quản lý y tế, giáo dục… qua đó góp phần giảm thời gian, chi phí và thủ tục cho người dân.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ông Dĩnh nhấn mạnh, việc phân quyền sâu hơn cho cấp xã sẽ đặc biệt thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, vốn chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam. Đây cũng là nhóm được xác định là động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế tư nhân, theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiếp cận nhanh hơn với thủ tục đất đai, đầu tư, đăng ký kinh doanh, đồng thời được hỗ trợ hiệu quả từ cấp xã, cũng là nơi hiểu rõ nhu cầu, đặc điểm địa phương.

Ông Dĩnh cho biết: “Ngay cả các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nếu nằm trên địa bàn xã, giờ đây xã có thể trực tiếp quản lý, cấp phép, hỗ trợ hạ tầng, sử dụng đất đai… Trước kia, đó là nhiệm vụ của cấp huyện. Nay, thủ tục được rút ngắn, linh hoạt hơn rất nhiều”.

Cũng theo ông Dĩnh, việc vận hành chính quyền 2 cấp giúp cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính, tránh chồng chéo và tiết kiệm chi phí cho cả người dân cũng như doanh nghiệp.

Nếu trước đây một quy trình phải qua xã, huyện, tỉnh thì giờ chỉ cần qua xã và tỉnh. Không chỉ rút ngắn thời gian, mô hình này còn giảm chi phí hành chính, tạo điều kiện để cán bộ cơ sở tập trung nhiều hơn vào việc phục vụ dân, hỗ trợ doanh nghiệp thay vì xử lý thủ tục giấy tờ lòng vòng”, ông Dĩnh nhận định.

Về kỳ vọng dài hạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay: “Đây không chỉ là bước đi tinh gọn bộ máy, mà còn là chuyển đổi mô hình quản trị nhà nước từ quản lý sang phục vụ và kiến tạo. Nếu được triển khai tốt, chính quyền địa phương hai cấp sẽ giảm thủ tục, tăng hiệu quả, phục vụ nhanh và thuận tiện hơn cho người dân đúng với tinh thần lấy người dân làm trung tâm”.

Theo ông Dĩnh, nếu đội ngũ cán bộ cơ sở được chuẩn hóa, có tinh thần trách nhiệm, được phân quyền rõ ràng và hỗ trợ đầy đủ về nguồn lực, đây chính là cánh tay nối dài hiệu quả nhất của chính quyền Trung ương đến từng người dân, từng doanh nghiệp, là tiền đề cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương.

Minh Khánh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-hanh-chinh-quyen-hai-cap-dong-luc-moi-cho-phat-trien-kinh-te-dia-phuong-408838.html