Vận hành du lịch hàng hải: Bài học từ quốc tế
Theo bà Rebecca Ball - Phó Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM, năm 2022, du lịch hàng hải ở Australia chiếm đến 9,55 tỉ USD.
Sáng 12-12, báo Pháp Luật TP.HCMtổ chức Tọa đàm Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn.Tại đây, chủ đề du lịch hàng hảinhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Australia sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam
Bà Rebecca Ball - Phó Tổng Lãnh sự quán Australia tại TP.HCM, kiêm Tham tán thương mại cấp cao thuộc Ủy ban thương mại và đầu tư Australia, cho biết bà rất vui mừng khi tham gia Tọa đàm do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức.
Theo bà Rebecca Ball, hiện tại khách du lịch Australia tới Việt Nam rất nhiều nhưng quay lại rất ít. Vì vậy, Việt Nam cần có sự thay đổi trong các sản phẩm du lịch để thu hút du khách quay trở lại.
Ở Australia, du lịch hàng hải trong 2022 chiếm 9,55 tỉ USD và 70% lượng du khách tới đây đều quan tâm đến du lịch hàng hải. Vì vậy, để phát triển du lịch đường thủy ở Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, bà Rebecca Ball lưu ý TP.HCM cần chú trọng vào phát triển ngành du lịch hàng hải.
"Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững cho ngành du thuyền ở TP.HCM. Đồng thời, Australia sẵn sàng hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch để nâng cao chất lượng, dịch vụ của Việt Nam.
Đối với nhà máy sản xuất đóng tàu, du thuyền, Australia sẽ kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia vào sản xuất tàu và chuỗi hạ tầng hàng hải ở Việt Nam. Chúng tôi đã làm việc với các sở ngành và sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao về công nghệ với tầm quốc gia để mang lại lợi ích tốt nhất" - bà Rebecca Ball nói.
Doanh nghiệp khó khăn trong tìm cơ sở hạ tầng, bến bãi
Tại Tọa đàm, ông Richard Ward - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Corsair Marine International, chia sẻ công ty đã sản xuất đóng tàu ở Australia và tham gia sản xuất ở Việt Nam hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, công việc này còn gặp nhiều khó khăn.
"Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay chúng tôi đã có hơn 500 nhân công tham gia sản xuất. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn rất nhiều" - ông Richard Ward nói.
Ông Richard Ward cho biết ban đầu ông nghĩ Việt Nam có hệ thống sông ngòi, biển rất rộng lớn, rộng khắp, là tiền đề quan trọng để phát triển du thuyền và các dịch vụ liên quan. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn lớn về cơ sở hạ tầng để đầu tư nhà máy đóng tàu.
"Hơn 10 năm qua chúng tôi đi tìm vị trí đất đai có mặt nước để đóng tàu, du thuyền. Nhiều nơi có vị trí đẹp nhưng đã bị giữ chỗ. Khó khăn khác là về cơ chế chính sách. Rất may, công ty đã tìm được một nhà máy và chúng tôi đã tăng doanh thu gấp đôi trong một năm qua. Tôi tin tưởng rằng trong hai năm tới doanh thu công ty sẽ tăng tới 200%. Dù vậy, chúng tôi khá lo ngại khu vực sẽ được phát triển để phục vụ nhà ở hoặc bất động sản" "- ông Richard Ward nói.
Cần thay đổi chính sách
Ông Richard Ward cho rằng khi phát triển du lịch đường thủy, TP cần phát triển hạ tầng hỗ trợ và nếu không tính toán trước sẽ khó có thể phát triển du lịch đường thủy và ngành du thuyền. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ở Việt Nam cũng cần phải thay đổi, cởi mở hơn.
"Khi một phương tiện mới xuất xưởng cần thử nghiệm rất nhiều. Chính vì vậy, những con tàu vượt đại dương càng cần phải chạy thử, kiểm tra một cách bài bản nhất. Do một số vướng mắc về chính sách ở Việt Nam nên công ty phải hình thành một trung tâm chạy thử ở Thái Lan" - ông Richard Ward cho biết.
Bên cạnh đó, ông Richard Ward cũng cho biết khi đầu tư vào Việt Nam thì vấn đề đăng ký, đăng kiểm cho tàu còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ông Richard Ward đề xuất Chính phủ cần quan tâm đến xu thế mới, bởi công nghệ đóng tàu phát triển mỗi ngày.
"Chúng tôi mong rằng Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, để phát triển du lịch đường sông, TP cần chú trọng phát triển hạ tầng đường sông. Hiện TP.HCM không có một bến du thuyền nào đủ tiêu chuẩn để phục vụ các con tàu, du thuyền mà công ty đang sản xuất" - ông Richard Ward lưu ý.
Tọa đàm ghi nhận 12 ý kiến đắt giá
Kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực, quan trọng của các đại biểu, khách mời.
“Tọa đàm đã ghi nhận được 12 ý kiến rất cụ thể và giá trị. Về nội dung phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn đa phần là tập trung thảo luận về sự cần thiết phát triển đồng bộ, liên thông của các ngành và ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển du lịch.
Chúng tôi rất trân trọng ý kiến của chuyên gia khi cho rằng sông Sài Gòn là tài sản vô giá mà TP.HCM đang sở hữu và cần có các giải pháp tổng thể phát triển kinh tế dịch vụ sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Về tiềm năng phát triển du thuyền, chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm từ cách thức xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch bền vững của Úc qua lời phát biểu của Phó Tổng Lãnh sự Australia - bà Rebecca Ball.
Phát biểu từ lãnh đạo Sở GTVT TP và Sở QH-KT TP cho thấy hệ giải pháp để thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển đường ven sông. Trong đó, việc vận dụng cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 đối với TP.HCM để giải bài toán về kinh phí là rất cần thiết và ý nghĩa.
Cùng với đó, bức tranh quy hoạch của ngành du thuyền TP.HCM cũng được vẽ ra. Sắp tới, Sở QH-KT sẽ có nhiều kiến nghị về việc định vị các bến bãi du thuyền, mô hình TOD về giao thông thủy, du lịch sinh thái...
Chúng ta có thể kỳ vọng các sở ngành sẽ phối hợp cùng các cơ quan liên quan, doanh nghiệp truyền tải những kiến nghị, vướng mắc đến lãnh đạo TP nói riêng và Chính phủ, các bộ ngành nói chung để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, đưa ngành du thuyền phát triển và đẩy mạnh kinh tế ven sông Sài Gòn tương xứng với tiềm năng” – ông Bình kết luận.
Nguồn PLO: https://plo.vn/van-hanh-du-lich-hang-hai-bai-hoc-tu-quoc-te-post766308.html