Văn hóa 'check-in'
Chụp ảnh để lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống. Song để có những bức ảnh đẹp mà gây ra hành động phản cảm, không phù hợp nơi công cộng thì cần phải phê phán.
Check-in mọi lúc, mọi nơi
Những ngày qua, sự việc dàn xe sang rước dâu dàn hàng 3 trên đường để chụp ảnh lan truyền trên mạng xã hội đã nhận nhiều sự phê phán của dư luận. Điều đáng nói, đây là tuyến đường có khá nhiều phương tiện di chuyển. Hành động của đoàn xe rước dâu đã khiến giao thông tại khu vực này bị tắc nghẽn, gây ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
Hay như hình ảnh về một nhóm phụ nữ ở Thái Bình tập yoga với các tư thế nằm, ngồi trên đường để chụp ảnh cũng đã tạo ra bức xúc trong dư luận. Kết quả, 14 người đã bị UBND thị trấn Kiến Xương ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 150.000 đồng/người.
Sự việc trên chưa lắng xuống thì lại có nhóm 5 phụ nữ đứng trước đầu xe ô tô và nhảy nhót, gây cản trở giao thông lại tiếp tục kiến dư luận dậy sóng. Sự việc được cho là diễn ra ở một tuyến đường trong Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt.
Một vụ việc được camera hành trình của một ô tô ghi lại vào lúc 13 giờ 45 ngày 17/5 tại tuyến đường Hoa Phượng Tím (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng khiến dư luận bức xúc. Theo hình ảnh từ camera, 5 phụ nữ đứng trước đầu ô tô con màu đen, nhảy nhót theo nhịp điệu. Ở phía sau ô tô này, các phương tiện tham gia giao thông buộc phải di chuyển chậm để tránh chiếc xe đang dừng đỗ và nhóm phụ nữ. Video sau khi xuất hiện trên mạng xã hội Facebook đã nhận được nhiều ý kiến phê phán vì cho rằng nhóm phụ nữ đang gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Quy định pháp luật về an toàn giao thông rất đầy đủ và chặt chẽ. Tuy nhiên có những lúc, nhưng nơi việc xử lý còn chưa nghiêm minh nên chưa đủ sức để sự răn đe, vì vậy những sự việc như trên vẫn còn tái diễn.
Còn nhớ thời gian trước, tại nút giao Cầu Thanh Trì và Quốc lộ 5 (Hà Nội), hàng cây bàng Đài Loan xanh mướt đã thu hút nhiều người đến để chụp ảnh check-in. Không ít người còn tranh thủ lúc vắng xe ra đứng giữa đường để chụp. Trong khi đó, tuyến đường này có rất nhiều ô tô đi lại. Trên các trang mạng xã hội, nhiều ý kiến lên án sự bất chấp nguy hiểm của một số người tại thời điểm đó. Vẻ đẹp của hàng cây bàng lá nhỏ đã làm thay đổi diện mạo của thành phố, nhưng dường như, ý thức của một bộ phận người dân lại đang đi ngược với sự thay đổi đó.
Luật sư Lại Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH LLA Legal cho rằng, các hành vi này không chỉ dừng lại ở nội bộ phạm vi những người tham gia, mà sau đó còn được phát tán công khai, rộng rãi trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thu hút sự quan tâm, chú ý và bình luận của rất nhiều người. Đa phần các ý kiến chê trách, chỉ trích những hành động không đẹp. Điểm chung của các sự việc nêu trên là những người tham gia đã gây cản trở về giao thông, gây mất an toàn cho chính bản thân họ cũng như những người, phương tiện tham gia giao thông qua những đoạn đường bị chiếm dụng.
“Theo tôi nếu để lưu giữ cho mình một kỷ niệm đẹp hay mong muốn lan tỏa những phong cảnh đẹp thì có nhiều cách làm khác hợp lý, nhân văn hơn và đặc biệt là không vi phạm pháp luật” - ông Thanh nói.
Xử lý nghiêm kết hợp tuyên truyền
Việc thể hiện biểu diễn, chụp ảnh check-in ở giữa đường như những trường hợp vừa nêu trên vừa vi phạm pháp luật, vừa không phù hợp về mặt văn hóa.
Trao đổi về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, việc đứng giữa đường chụp ảnh là hành vi vi phạm giao thông, cần phải nhắc nhở, xử lý nghiêm theo quy định. Đây là biểu hiện trái pháp luật và thể hiện văn hóa không đẹp. Cùng với việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật thì công tác tuyên truyền cũng phải đẩy mạnh hơn nữa.
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội phân tích, hiện nay, chụp ảnh check-in là trào lưu, nhiều người muốn làm những hành động khác lạ để gây sự chú ý. Khi đăng tải trên mạng xã hội, ai cũng muốn nhận được sự quan tâm, nhiều lượt thích, chia sẻ, bình luận. Tuy nhiên, nếu không phù hợp, không những không đẹp mà còn gây phản cảm. Vì vậy mọi người cần chú ý, nhất là những người đã trưởng thành để không trở thành tấm gương xấu cho lớp trẻ.
Theo bà Hồng, những hành vi vi phạm pháp luật cần phải xử lý nghiêm để có sức răn đe. Còn trong trường hợp không vi phạm pháp luật và chỉ là hành vi phản cảm, không phù hợp thì dư luận xã hội cần lên tiếng. Nếu như những hình ảnh đó xuất hiện trên mạng xã hội, thay vì chúng ta thả cảm xúc “like” thì nên có những bình luận góp ý để cho người khác nhận thức được và không lặp lại những hành vi như vậy.
Theo luật sư Lại Ngọc Thanh, để ngăn chặn, hạn chế những hiện tượng và hành vi thiếu chuẩn mực khi tham gia chụp ảnh check-in, dư luận cần phải lên án, phê phán những trường hợp, những hình ảnh không đẹp đó. Đồng thời không a dua, cổ vũ cho những hiện tượng, hành vi này. Đối với những trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh và xử lý kịp thời, đúng pháp luật để bảo đảm tính răn đe.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/van-hoa-check-in-10282205.html