Văn hóa của một đất nước

Khi con người tự tin làm đúng, biết bẽn lẽn điều sai thì đó là chỉ dấu của xã hội văn minh...

T. mến,

1. Là người Việt, nên cái gì liên quan Việt Nam cũng khiến mình ưu tiên lưu ý. Đầu tiên là chuyện phim Bên trong vỏ kén vàng phát hành thương mại. Chính thức ra rạp ngày 20.9, phim của Phạm Thiên Ân sở hữu những con số ấn tượng: riêng tại thủ đô Paris, nội thành và ngoại ô, tuần đầu tiên có đến 22 rạp chiếu - có cả ba hệ thống lớn Mk2, UGC, Pathé tham gia - một kỷ lục đối với các phim Việt Nam từng được phát hành ở Pháp (Chung cư, Mùa ổi, Mê Thảo, Mùa len trâu, Bi đừng sợ, Mekong Stories…), thường chỉ giới hạn 2 - 3 rạp ở Paris, tuy có thể kéo dài đến ba tháng.

Trước đó, nhà phát hành Nour Films còn tổ chức đến 12 buổi ra mắt ở các tỉnh thành Pháp với sự hiện diện của Thiên Ân và nhà sản xuất Phương Hiền. Buổi ra mắt đầu tiên ở Paris ngày 9.9 tại rạp Les Sept Parnassiens đã tập hợp hơn 200 người. Trong buổi chiếu không ai bỏ về, nhưng phản ứng dè dặt. Dù vậy, con số 22 rạp ở Paris và bài giới thiệu khá nồng nhiệt của tạp chí Télérama uy tín khiến mình hứng khởi.

Cũng liên quan điện ảnh Việt Nam, phim La passion de Dodin Bouffant/ The Pot-au-feu (tựa quốc tế) dự kiến ra rạp ngày 8.11 của đạo diễn Trần Anh Hùng vừa được Ủy ban Oscar Pháp tiến cử đại diện Pháp tham dự Oscar 2024. Chọn phim Trần Anh Hùng chứ không phải phim cành cọ vàng Giải phẫu một cú ngã của Justine Triet. Mình chưa xem phim của Trần Anh Hùng, nhưng không thích lắm phim Giải phẫu một cú ngã. Là dạng phim thể loại, câu chuyện hình sự tâm lý của nữ đạo diễn Pháp cực lôi cuốn, nhưng không gây nhớ. Sự chọn lựa này có sinh vài so sánh như vốn thế trong nghệ thuật, nhưng ở cái xứ mọi chuyện hầu hết minh bạch, Ủy ban Oscar Pháp toàn giới chuyên môn uy tín, kết quả chọn lựa phải có lý.

2. Paris lâu nay mang tiếng bẩn phân chó nhưng không tổng thống nào dám xử gắt vì cử tri Pháp nuôi chó rất đông. Theo số liệu của tòa thị chính Paris, thủ đô nước Pháp có đến 150.000 con chó, tiết thải 16 tấn phân/ngày. Mức phạt các chủ chó không tự hốt phân chó mình đã nâng lên 68 euro, thị xã cũng thường xuyên tiến hành những đợt “giáo dục” chủ chó, trong đó có khẩu hiệu khiêu khích: "Chó nào, chủ nấy".

Không biết tiền phạt, sự kêu gọi hay khiêu khích mà so với năm ngoái mình hiếm gặp phân chó trên đường. Tối kia, ngay dưới chung cư mình bắt gặp em chó nhỏ cong lưng dưới gốc cây, bên cạnh ông chủ tránh mắt ngượng ngập. Sáng nay gặp em chó to xụ cong lưng bên cô gái trẻ, mình nấn ná xem cô chủ xử lý sao. A lê hấp, thú cưng mới xong thì cô chủ thò ngay tay vô áo, lấy ra túi nhựa đen, hốt thuần thục, bỏ vô trụ rác. Cái tránh mắt ngượng ngập của ông lão, cái điềm nhiên của cô gái khiến Paris đáng yêu hơn - khi con người tự tin làm đúng, biết bẽn lẽn điều sai thì đó là chỉ dấu của xã hội văn minh.

Những đêm trời tốt ra sàn gỗ Thư viện François Mitterrand sẽ thấy rất nhiều nhóm nhảy khác nhau, nhưng sàn quá rộng nên “nước sông không phạm nước giếng”.

Những đêm trời tốt ra sàn gỗ Thư viện François Mitterrand sẽ thấy rất nhiều nhóm nhảy khác nhau, nhưng sàn quá rộng nên “nước sông không phạm nước giếng”.

Nhưng có những nơi chó không được tới, như sàn gỗ Thư viện mang tên tổng thống François Mitterrand, mà sinh thời ông phải dùng câu “Hãy để thời gian có thì giờ" để đối phó công kích tiến độ. Thư viện - như bốn cuốn sách khổng lồ mở ra trên sàn gỗ bao la nối xuống đường bởi những bậc thang Kim Tự Tháp. Thư viện cách nhà mình 15 phút đi bộ nên trừ khi đông hàn, mình rất thích đi dạo trên sàn gỗ mà vì nó năm xưa ông tổng thống bị mang tiếng xây dựng lâu la, vật liệu xa hoa.

Bây giờ, mỗi khi ngắm cái sàn gỗ mênh mông kỳ công mới thấy câu nói của ông hợp lẽ - kiên nhẫn chờ đợi kết quả đích đáng. Những đêm trời tốt ra đây bạn sẽ thấy rất nhiều nhóm nhảy khác nhau, nhưng sàn quá rộng nên “nước sông không phạm nước giếng”. Nhìn sàn gỗ, mình kêu như vầy cũng tốn cây, hủy hoại môi trường, nhưng bạn mình nói gỗ ghép, thể tích nhỏ, công trình quốc dân, di sản quốc gia chứ không phải gỗ khối xây dinh cơ trọc phú!

3. Thủ tục xin visa vào Canada thăm thân nhân của mình rất oải. Nhiều năm rồi, sứ quán Canada ở Paris không nhận đơn trực tiếp mà giao cho dịch vụ-internet: người xin visa phải điền thiên lủng câu hỏi về nhân thân, tài chính, thân nhân ở xứ lá phong. Sau hai tuần ứ hự hồ sơ, mình được hẹn đến trụ sở dịch vụ. Hình ảnh đầu tiên đập vô mắt là tờ thông báo trên mỗi ô tiếp khách, với ba hàng chữ trang trọng:

Chúng tôi cam kết phục vụ bạn với sự tôn trọng và lễ phép.

Chúng tôi xin bạn cư xử với nhân viện của chúng tôi cũng như vậy.

Chúng tôi sẽ không thể cung cấp bất cứ dịch vụ nào cho những người chửi rủa hay ứng xử hung hăng.

Tờ thông báo văn minh và nụ cười thân thiện của các nhân viên đa chủng tộc – nhận biết qua trang phục, diện mạo - khiến cơn ứ hự trong mình dịu xuống. Canada là một trong rất ít quốc gia khẳng định tính đa văn hóa trong các định chế chính trị, xã hội từ những năm 1970. Chủ trương này - xóa bỏ quan niệm từng xác định căn tính Canada dựa trên bản sắc văn hóa của hai cộng đồng Anh, Pháp ngữ nhập cư khởi tiên - công nhận và tôn trọng bản sắc văn hóa của những cộng đồng thổ dân nguyên thủy, những cộng đồng nhập cư đa chủng tộc về sau; theo đó hình ảnh nhân viên các cơ quan công quyền Canada luôn được lưu ý. Nhưng đó là chuyện quốc sách. Với mình, ba dòng chữ kia nói lên văn hóa của một đất nước. Không chỉ của một đất nước.

Việt Linh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/van-hoa-cua-mot-dat-nuoc-41321.html