Văn hóa của niềm tin
Tuần qua, với tôi có hai luồng cảm xúc đặc biệt. Tiếc nuối và hẫng hụt khi những chiếc trống 'huyền thoại' của Hội CĐV bóng đá Nam Đinh bị bỏ lại ngoài sân, những chiếc áo đấu được trả lại. Và ở phía cảm xúc ngược lại là sự khâm phục 'Ngày hội yoga - Mãi khỏe đẹp cùng yoga' do Báo điện tử Dân trí lần đầu tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của 5.000 người.
Hai sự đối lập đó không thể đem so sánh nhưng đều gợi một cảm xúc: lựa chọn và từ bỏ đều là kết quả của cảm xúc và niềm tin. Nhưng điều gì khiến chúng ta đưa ra quyết định ấy lại là câu chuyện của văn hóa. Thật ra, cảm xúc của con người ngày nay chịu sự ảnh hưởng không ít từ "sức khỏe tinh thần" thay vì sức khỏe của thể chất như chúng ta vẫn hình dung. Bạn thử hình dung, trong một thân thể khỏe mạnh vẫn chứa chất những bực bội về một hiện tượng và nhu cầu được "nạp" những năng lượng tích cực để rồi từ đó đưa ra những quyết định, những phản ứng. Vậy sức khỏe tinh thần là gì mà đóng vai trò quan trọng như thế?
WHO định nghĩa: "Sức khỏe tinh thần là một trạng thái khỏe mạnh mà trong đó, mỗi cá nhân nhận biết được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với sự căng thẳng thông thường, làm việc hiệu quả và có sự đóng góp cho cộng đồng". Suy ra, sự "ứng phó" hay "đóng góp cho cộng đồng" chính là hành động, hiệu quả mà mỗi cá nhân chúng ta thể hiện hàng ngày qua việc làm, ý kiến bàn luận… Phải chăng, xét ở một phương diện nào đó, các trend cũng đang phản ánh sức khỏe ấy của không ít người. Khả năng chịu đựng có thể khiến người ta thất vọng quay lưng hoặc không thể dửng dưng với sức hút của một sản phẩm. Nếu không tin, bạn hãy nghe một bạn trẻ bộc bạch về sức hút của BlackPink. Bạn Kim Khánh (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Bên cạnh âm nhạc thì BlackPink còn có sức ảnh hưởng rất lớn trong ngành thời trang - điều mà rất ít các girl group Hàn Quốc có thể so sánh được. Vì vậy, danh tiếng của BlackPink không bị giới hạn trong nền công nghiệp âm nhạc mà còn được lan rộng ra cả nền công nghiệp thời trang nữa" .
Dù với sức hút của âm nhạc hay thời trang thì khách quan mà nói BlackPink đã và đang chiếm được tình cảm của người trẻ ở Việt Nam (nói riêng) và trên thế giới (nói chung). Nhưng, liệu điều đó có phải là cách mà bốn cô gái Jisoo, Lisa, Rose và Jennie "thao túng tâm lý" người xem? Câu hỏi này không dễ trả lời khi dư luận trên mạng xã hội đang phân chia hai quan điểm rõ rệt: Một quan điểm cho rằng đáng báo động về hiện tượng cuồng thần tượng của giới trẻ và quan điểm lại thấy đây là xu hướng lan tỏa tích cực.
Chúng ta đều biết, nền công nghiệp văn hóa của nhiều nước đã và đang dựa trên các thần tượng, việc xây dựng được thần tượng chính là xác lập thương hiệu và sức hút. Vậy giữa thần tượng mà giới trẻ tôn sùng và những chuẩn mực của xã hội có gì khác biệt, giữa các chuẩn mực của truyền thống và quan niệm mới có gì tương đồng?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã có một cách lí giải rất khoa học: "Theo quan niệm trước đây, thần tượng (mẫu người lý tưởng) phải là người có tài năng xuất chúng, có phông văn hóa lớn, có nền tảng kiến thức sâu rộng, có đạo đức, tư cách tốt, sống chuẩn mực và có nhiều đóng góp cho cộng đồng... và do đó, để đánh giá ai đó là hình mẫu, là thần tượng trong xã hội không phải là dễ. Tuy nhiên, cách hiểu về thần tượng ở mỗi thời đại lại có biên độ nghĩa khác nhau, bị chi phối nhiều bởi bối cảnh xã hội.
Theo cách hiểu thông thường hiện nay, thần tượng là cách gọi đối với những người nổi tiếng được giới trẻ yêu thích, say mê, hâm mộ, thậm chí sùng bái. Có một thực tế là nếu như thần tượng của các thế hệ tuổi trẻ trước đây chủ yếu là các danh nhân lịch sử, nhân vật anh hùng, nhà khoa học... thì nhiều nhân vật được coi là thần tượng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay chủ yếu là các diễn viên điện ảnh, ca sĩ, cầu thủ bóng đá... hay nói khác đi là những người nổi tiếng.
Tôi cho rằng, mỗi người đều có những sở thích, những đam mê và mục đích riêng. Chính vì thế mà việc có những thần tượng cho riêng mình để phấn đấu và theo đuổi là một điều đáng quý. Sống có lý tưởng, thần tượng cũng là một nét văn hóa. Vấn đề là nét văn hóa đó cần được người hâm mộ tự thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh theo hướng lành mạnh, tích cực nhất".
Người viết cho rằng, việc "người hâm mộ tự thể hiện, kiểm soát và điều chỉnh theo hướng lành mạnh, tích cực nhất" chính là chính kiến, là việc đặt niềm tin đúng chỗ, đúng người của mỗi cá nhân. Không phải sự yêu thích, hâm mộ nào cũng mang giá trị tích cực và ngược lại có cả những sự khác biệt vẫn cần phải được trân trọng, được tiếp thu nếu nó cần thiết và phù hợp. Nhưng phải làm sao để xác định được, phân loại, sàng lọc được điều gì tốt đẹp, tiến bộ; điều gì là sự bất cập, nguy hại?
Người viết bỗng nhớ đến một phát hiện của Đại học Maine (Mỹ) khi cho rằng văn hóa mới là động lực của sự tiến hóa chứ không chỉ phụ thuộc vào gene di truyền. Có nghĩa là những gì thuộc về kiến thức, kĩ năng, thực hành mới đóng vai trò quyết định chứ không chỉ có bản năng hay cảm xúc thông thường.
Quay lại với với những câu chuyện vừa nêu trên; ngoài xu thế thần tượng các ngôi sao giải trí thì liệu những xu thế lựa chọn khác có dựa trên nền tảng văn hóa hay không? Liệu trong số 5.000 người hội tụ trong "Ngày hội yoga - Mãi khỏe đẹp cùng yoga" hay 20.000 người dự Ngày hội Game Việt Nam 2023 - GameVerse 2023 có xuất phát từ sự say mê hay chỉ thuận theo xu thế, theo phong trào?
Bạn Nguyễn Ngọc Ánh (27 tuổi, ở TP.Hồ Chí Minh) đã chia sẻ trên Báo Thanh niên: "Từ khi tập yoga mình kết hợp ăn uống nên da dẻ đẹp hơn, đỡ mụn; cách nói chuyện, làm việc điềm tĩnh hơn, giọng nói dày hơn, không bị hụt hơi nhờ lấy hơi nhiều. Đặc biệt, cơ thể bớt mỡ thừa, dáng đẹp, người dẻo dai hơn, làm việc năng suất, thần thái mình cũng tốt hơn, tính tình vui vẻ hơn… nhiều lắm". Khi một cô gái cảm thấy bình tĩnh và vui vẻ hơn chính là nhờ sự tập luyện đúng cách, chăm chỉ và đạt hiệu quả. Hiệu quả đó là giá trị mà mỗi cá nhân thụ hưởng và quay trở lại giúp ích cho cộng đồng. Bạn Ngọc Ánh và biết bao người khác đã đặt niềm tin vào yoga, niềm tin nhỏ bé góp phần tạo ra sức khỏe tinh thần cho cộng đồng, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự nhỏ nhen, ích kỉ.
Ai sinh ra cũng sở hữu niềm tin của riêng mình nhưng anh trao cho ai, anh đặt nó vào đâu lại là việc không hề dễ. Như nhà giáo dục người Mỹ, William Arthur Ward (1921-1994) đã nói: "Lạc quan là hạt giống gieo trồng trên mảnh đất của niềm tin; bi quan là hạt giống cất giữ dưới căn hầm ngờ vực".
Chúng ta có quyền tin vào những gì tốt đẹp, vào sự bất ngờ may mắn và hạnh phúc. Có điều, mỗi niềm tin như hạt giống tốt ấy lại cần có môi trường sống thuận lợi nhất, phù hợp nhất với mỗi người. Sự phù hợp, thuận lợi ấy chính là văn hóa. Anh đang sống ở nền nào sẽ lựa chọn để niềm tin của mình không trở nên lạc lõng, kệch cỡm, phù phiếm với nền văn hóa đó như một thứ hoa không trổ bông như một thứ cây không kết quả. Bởi thế, chúng ta luôn cần văn hóa của niềm tin…
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/van-hoa-cua-niem-tin-i704919/