Văn hóa dân tộc Tây Nguyên một phần không thể thiếu của du lịch
Nếu như thành phố Đà Lạt là điểm đến không thể thiếu trong bản đồ du lịch Việt Nam, thì bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên phải là một trong những điểm nhấn rất quan trọng của du lịch thành phố nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Văn hóa là nguồn lực và nội lực
“Văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”. Đây là một trong những nội dung “trọng tâm” trong hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa qua. Muốn thế, “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại…” - (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII).
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 43 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, cư dân thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm khoảng 17% dân số, bao gồm các tộc người bản địa là Mạ, K’Ho, Chu Ru, M’Nông và S’Tiêng. Những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai một số biện pháp bảo vệ nhằm thực thi mục tiêu: đảm bảo khả năng tồn tại của di sản trong môi trường văn hóa - xã hội thích ứng, huy động được sự tham gia của cộng đồng chủ nhân di sản, góp phần làm thay đổi nhận thức và tự giác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Những kết quả tích cực cần ghi nhận và cổ súy, tuy nhiên, phía trước còn rất nhiều nhiệm vụ và giải pháp mà ngành chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả hơn.
Với thành phố Đà Lạt, hiện có 20 dân tộc đang sinh sống; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số trên 7.300 người, chiếm 3,31%. Cộng đồng các dân tộc đan xen cư trú ở hầu hết 24 thôn và 225 tổ dân phố. Trong đó, đông nhất là dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, chủ yếu là dân tộc K’Ho với 814 hộ, 3.827 người, tập trung ở tổ dân phố Măng Lin, Phường 7 và các thôn 1, 2, 3, 5, 6 ở xã Tà Nung. Trên cơ sở bảo tồn, phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ngày 19/5/2017, UBND thành phố Đà Lạt ban hành Quyết định số 1671 về Đề án phát triển du lịch văn hóa bản địa trên địa bàn xã Tà Nung, định hướng đến năm 2025. Đề án hướng đến tổ chức trao truyền văn hóa thông qua mở các lớp dạy cồng chiêng và các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan gùi, ủ rượu cần, làm cung nỏ, trồng bầu hồ lô… Cùng đó là xây dựng điểm vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng và du lịch nông nghiệp xanh. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Dĩ nhiên thẳng thắn ghi nhận, kết thúc năm 2020, mốc cuối của giai đoạn 5 năm, nhiều nội dung chưa đạt được những kết quả như mong đợi.
Sân khấu hóa lễ cưới góp phần phát triển du lịch
Đầu năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Lâm Đồng triển khai kế hoạch phục dựng Lễ cưới của đồng bào dân tộc K’Ho tại thôn Măng Lin, Phường 7, thành phố Đà Lạt. Hoạt động này thể hiện bước đầu sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Trao đổi với lãnh đạo Sở VH -TT&DL, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Ngọc cho chúng tôi biết: Việc phục dựng văn hóa bản địa là một trong những nhiệm vụ của ngành. Hàng năm sẽ chọn một số lễ hội điển hình và đặc sắc nhằm mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát huy vốn văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài tổ chức các lớp dạy cồng chiêng, đặc biệt là cho giới trẻ, Sở cung cấp thêm nhạc cụ và trang phục truyền thống để phục dựng đảm bảo được cả chất và lượng. Năm 2021, Sở dự kiến chọn phục dựng hai lễ hội của đồng bào K’Ho là Lễ cưới tại thành phố Đà Lạt và Lễ mừng lúa mới tại huyện Di Linh.
Đối với lĩnh vực du lịch, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng khẳng định: “Thành phố Đà Lạt đang thiếu sản phẩm dịch vụ đêm, sản phẩm văn hóa dân tộc bản địa, tuy có một số điểm phục vụ văn hóa cồng chiêng nhưng để đảm bảo đúng bản sắc là chưa đạt tới như kỳ vọng”. Vì vậy, phục dựng Lễ cưới của đồng bào K’Ho tại thôn Măng Lin, tổ chức ngày 24/4 tới, do Sở VH - TT&DL chủ trì, phối hợp với thành phố Đà Lạt. Việc phục dựng có tư vấn của một số nghệ nhân uy tín trong tỉnh; thể hiện không gian văn hóa cồng chiêng và lễ hội có sự tham gia của đội biểu diễn cồng chiêng điểm du lịch Đồi Mộng Mơ, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cùng một số cư dân K’Ho thôn Măng Lin. Bà Ngọc cũng cho biết, Ban tổ chức đã mời trên 100 cơ quan báo và đơn vị lữ hành trên cả nước tham dự lễ hội này. Sự kiện nhằm quảng bá để phát triển du lịch, đặc biệt là dịp tết và Lễ hội Festival Hoa vào cuối năm nay. Đồng thời, Măng Lin sẽ là điểm tham quan, bảo tồn và phát huy lễ hội được xã hội hóa. Trên cơ sở này, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ trở thành một trong những hoạt động văn hóa thường xuyên tổ chức ngoài trời của thành phố Đà Lạt.
Chiều ngày 5/4, chúng tôi trao đổi với phòng chuyên môn của Sở VH - TT&DL Lâm Đồng và được biết, hiện đang xây dựng kịch bản sân khấu hóa Lễ cưới nói trên. Hi vọng sự kiện này đạt được những mục đích và yêu cầu mà Sở VH - TT & DL đặt ra. Đó là: Góp phần bảo tồn, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người K’Ho tại Lâm Đồng và phát huy giá trị lễ hội truyền thống K’Ho trong tình hình hiện nay. Nâng cao nhận thức của chủ thể di sản và xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hóa… Phục dựng lễ cưới là một trong những giải pháp giới thiệu và quảng bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc thiểu tỉnh Lâm Đồng thông qua đó thu hút khách du lịch đến Lâm Đồng… Và “Phục dựng lễ cưới của dân tộc K’Ho đúng với truyền thống văn hóa của người K’Ho tại địa phương; đảm bảo các yêu cầu khoa học, chân thực, khách quan, phản ảnh đúng hiện trạng của nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống”. Đây là hiện thực của chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”.