Văn hóa đánh bắt thủy sản của người S'tiêng

Bài 2:
NHIỀU THÔNG ĐIỆP TỪ CUỘC SỐNG

Tính cộng đồng trong tổ chức đánh bắt thủy sản

Phương thức, quy mô đánh bắt thủy sản giữa người S’tiêng Bu Lơ và Bu Dêh (Dih) khác nhau. Người S’tiêng Bu Lơ đánh bắt thủy sản trên sông (nhất là trên thác, ghềnh), suối lớn và cả bưng, bàu. Đối với việc đánh bắt thủy sản trên sông, suối lớn, đây là công việc khá nặng nhọc nên có sự tham gia của nhiều người và đàn ông đóng vai trò quan trọng. Nhiệm vụ của đàn ông là đi khảo sát vị trí đánh bắt, tìm rễ cây, đập giập rễ cây, thả rễ cây xuống nước; còn phụ nữ, trẻ em, người già đi theo để đánh bắt thủy sản. Do người S’tiêng Bu Dêh ở vùng thấp nên có nhiều bàu hơn, việc đánh bắt thủy sản ở bàu (phá bàu) không nặng nhọc như đánh bắt trên sông, thác, ghềnh, suối lớn nên nhiệm vụ chủ yếu là của phụ nữ (xúc cá) - đóng vai trò quan trọng.

Trong truyền thống, khi người S’tiêng chưa biết sử dụng lưỡi câu, lưới để bắt cá, thì họ chế tác rất nhiều ngư cụ khác nhau để bắt cá (đơm, ống lươn…). Người S’tiêng Bu Lơ đã biết làm sip (cái lờ) có kích thước rất lớn (rộng có thể hơn 2-3m, dài 5-6m) đặt ở suối lớn hoặc trên sông (vào cuối mùa mưa) để bắt nhiều thủy sản khác nhau. Những cá to, cá ngon (cá lăng), một con có thể nặng vài chục kilôgam. Người S’tiêng ở thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long còn lưu truyền chuyện họ đi “đánh thuê” do người S’tiêng Bu N'har thuê (nay thuộc xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập) vì liên quan đến việc đánh bắt thủy sản trên sông Bé vào đầu thế kỷ XX.

Sông Bé - nơi xả nước của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ

Sông Bé - nơi xả nước của Nhà máy Thủy điện Thác Mơ

Trước khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ, Srêi Wiêr (bàu Dak Wiêr) thuộc xã Đức Hạnh (nay nằm trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ) là bàu có rất nhiều cá, lươn, rùa (con suối Dak Wiêr đổ về sông Bé tại cổng Nhà máy Thủy điện Thác Mơ). Hằng năm, vào tháng 3, người S’tiêng thường tổ chức đi đánh bắt (như phá bàu của người Khmer và người S’tiêng Bu Dêh). Đặc biệt, đoạn từ cầu Thác Mẹ (Chơn/Cơn N’hai Tok) đến cầu Dak Glung của sông Bé, hằng năm khoảng từ tháng 2-3, cộng đồng người S’tiêng thuộc các xã Đức Hạnh, Sơn Giang (huyện Phước Long cũ) thường tổ chức thuốc cá bằng rễ cây (driêh glêi) với quy mô lớn, có sự chuẩn bị rất chu đáo.

Tính cộng đồng qua việc chia lợi phẩm

Người S’tiêng thường chia đều lợi phẩm sau khi đánh bắt thủy sản, dù đó là người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai đều được chia 2 phần (một phần cho mẹ và một phần cho con). Họ quan niệm rằng, làm như vậy đứa trẻ khi lớn lên sẽ may mắn và họ cũng đối xử tốt với người già, phụ nữ, trẻ em (văn hóa có chức năng giáo dục; têh bu, rlu banh: tre già măng mọc). Trường hợp đi thuốc cá bằng rễ cây, số lượng cá thu được, một phần chia cho những người đi đào rễ thuốc, phần còn lại chia đều cho tất cả người cùng đi. Những người góa bụa, ốm đau, bệnh tật không đi cùng cũng được chia phần. Người S’tiêng quan niệm rằng, việc phân chia như vậy, một mặt là để cầu may mắn cho họ, mặt khác, chính là thể hiện tinh thần cộng đồng, đoàn kết, noi gương cho thế hệ sau. Đây là truyền thống văn hóa tốt đẹp, giá trị nhân văn của người S’tiêng trong văn hóa đánh bắt thủy sản.

Tri thức đánh bắt thủy sản - một giá trị văn hóa

Trên thế giới, từ lâu các nhà khoa học đã nghiên cứu về tri thức bản địa của nhiều cộng đồng tộc người. Trong những thập niên 90 của thế kỷ XX, đã có nhiều công trình nghiên cứu về công tác đói nghèo của các tộc người thiểu số tại địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu giai đoạn này có những nhìn nhận khác nhau về khái niệm, nội dung, phương pháp nghiên cứu và chưa có một khái niệm thống nhất, phù hợp, đủ chuẩn về tri thức bản địa.

Năm 1998, Ngân hàng Thế giới (WB) thiết lập chương trình: “Tri thức bản địa cho sự phát triển” và đã đưa ra định nghĩa: “Tri thức bản địa là tri thức địa phương, là nền tảng cơ bản cho việc thiết lập các quyết định liên quan đến địa phương trên mọi lĩnh vực của cuộc sống đương đại bao gồm quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dinh dưỡng, thức ăn, y tế, giáo dục và trong các hoạt động xã hội, cộng đồng. Tri thức bản địa còn cung cấp các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra cho cộng đồng cư dân địa phương” (Ngô Văn Lệ, Huỳnh Ngọc Thu và Ngô Thị Phương Lan, Tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam, 2016, tr.21).

20 năm sau, nhà khoa học dữ liệu McElwee đã nhắc lại định nghĩa của Ủy ban Quốc tế, Hiệp hội Khoa học rằng, tri thức bản địa là: “Tri thức truyền thống, là một khối tích lũy các kiến thức, hiểu biết, các tập quán và các cách diễn đạt được duy trì và phát triển bởi những con người có lịch sử lâu dài trong tương tác (interaction) với môi trường tự nhiên” (Tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội Việt Nam, tr.21).

Tri thức của người S’tiêng trong việc đánh bắt thủy sản không chỉ là những cách thức, kinh nghiệm để bắt được nhiều thủy sản. Tri thức (giá trị văn hóa) của người S’tiêng trong việc đánh bắt thủy sản còn phản ánh văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Đó là, việc bắt được nhiều thủy sản không được làm ảnh hưởng đến môi trường nước, không hủy diệt thủy sản, tôn trọng tự nhiên. Họ thuốc cá bằng rễ cây chỉ làm cho cá bị say thuốc để dễ bắt, không làm cho cá bị ngộ độc, không ô nhiễm nguồn nước. Họ chỉ thuốc cá ở sông, suối thuộc nước động (chảy) nên khi thuốc tan, nước trong và cá sống lại bình thường, họ không thuốc cá ở bưng, bàu (thuộc nước tụ). Nếu thuốc cá trên sông thì ngày đầu tiên, những người đàn ông trai tráng trong làng phải đi tìm rễ cây (glêi), ngày thứ hai mới thuốc cá chính thức, như vậy hiệu quả sẽ cao. Rễ cây được đập giập và thả xuống nước, sau một thời gian ngắn, những con cá say thuốc tự nổi lên mặt nước.

Người S’tiêng đánh bắt thủy sản chủ yếu bằng những phương thức như: Đặt các ngư cụ để bắt cá, xúc cá, tát cá (chhas/chas ka), thuốc cá (krau ka) hay phá bàu vào mùa khô. Trong mỗi phương thức, dù mỗi người có những tri thức riêng của mình để đánh bắt thủy sản một cách hiệu quả nhất nhưng họ luôn quan niệm chung đó là: con vật dưới nước là tài sản của thần nước, muốn đánh bắt phải xin phép dù nghi thức ấy do cá nhân, nhóm người hay cả cộng đồng thực hiện.

Luật tục của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, họ quy định rất cụ thể về đánh bắt thủy sản và hành vi hủy hoại thủy sản. Nghiên cứu luật tục M’nông (về tội thuốc cá), các tác giả nêu: “Rừng là của chung. Đất là của chung. Suối nuôi cá là của chung. Cá dưới suối ai xúc cũng được. Bắt con ếch phải chừa con mẹ. Bắt con cá phải chừa con mẹ. Thuốc cá làm suối nghèo. Muốn ăn ếch dùng ná mà bắn. Muốn ăn cá dùng rớ mà vớt. Không thuốc bằng kuau rle. Làm chết sạch cả tép cả cua" (Ngô Đức Thịnh, Điểu Kâu và Trần Tấn Vịnh, Luật tục M’nông, 1998, tr.280). Đối với tục lệ bắt cá, luật tục M’nông quy định: “Theo đi xúc phải đem cái rổ. Theo đi tát phải đem cái gáo. Đi chặn suối phải đem sức mạnh. Đi thuốc cá phải đem vỏ cây. Đi thuốc cá phải đem cây rle. Đập thuốc trên đá. Thả thuốc đầu suối. Đặt đơm đầu suối. Hóng đơm cuối suối. Bắt cá lớn phải chia cho đều. Có cá phải chia” (tr. 334).

Điểu Điều

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/156279/van-hoa-danh-bat-thuy-san-cua-nguoi-s-tieng