Văn hóa đọc học đường ngày một giảm sút - làm thế nào cho tăng sức hút?

Mặc dù việc đọc sách luôn mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho việc phát triển cá nhân, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Song, việc đọc sách hiện nay tại các trường học đang ngày một giảm sút, phải làm gì để khuyến khích trở lại?

Thư viện vắng vẻ, thanh niên ít đọc sách

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các kênh tin tức, giải trí phát triển mạnh mẽ, việc đọc sách đối với giới trẻ không còn là thói quen, mặc dù, lợi ích của việc đọc sách luôn được các thế hệ chia sẻ và khuyến khích. Việc phát triển văn hóa đọc học đường hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do.

Đối với việc phát triển văn hóa đọc học đường hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do. Ảnh minh họa: IT

Đối với việc phát triển văn hóa đọc học đường hiện nay đang gặp nhiều khó khăn bởi nhiều lý do. Ảnh minh họa: IT

Mặc dù có sự đầu tư bài bản, đầy đủ nhưng không ít các thư viện và góc đọc sách tại các trường học luôn rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Một phần vì các đầu sách cũng không được bổ sung thêm phong phú, nhiều tài liệu cập nhật còn thiếu và kiến thức đã cũ khiến cho người đọc không còn hào hứng như trước. Bên cạnh đó, áp lực học tập và thời gian eo hẹp khiến nhiều người không chọn cách đọc sách làm công cụ học tập thường xuyên.

Thay vào đó, nhiều bạn trẻ luôn chọn đọc các kiến thức trên mạng và các diễn đàn, tham gia các buổi nói chuyện (talkshow), nghe voice/audio hơn là tự đọc, tự tìm nhiều tài liệu dài dòng và khó hiểu.

Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi.

Nhà hoạt động chính trị Mahatma Gandhi (Ấn Độ)

Sự quan tâm và nhu cầu của người đọc ngày nay cũng đòi hỏi một kho tàng kiến thức thực sự phong phú và hiệu quả trong sách đọc. Ở một số trường học, sự thiếu hụt về tài liệu, có ít sách và tài liệu đọc là tình trạng phổ biến. Điều này làm giảm sự quan tâm và khả năng tiếp cận của học sinh đối với việc đọc sách.

Muốn phát triển văn hóa đọc, học sinh cần đầu tư thời gian, công sức, cùng với đó là sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của những người xung quanh để biết lựa chọn các loại sách phù hợp với mục tiêu học tập và sự phát triển nghề nghiệp bản thân.

Học sinh hiện nay không chỉ eo hẹp về mặt thời gian mà còn rất nhiều nhiệm vụ khác cần hoàn thành như bài tập, dự án, học thêm, làm việc nhóm, chưa kể nhu cầu giải trí, tập luyện thể thao, phát triển kỹ năng... cũng gia tăng áp lực và làm giảm thời gian và động lực để đọc sách.

Bên cạnh đó, ngày nay nhiều người đồng tình rằng, văn hóa đọc không chỉ đơn giản dừng lại ở việc đọc sách, văn hóa đọc còn có thể áp dụng và phát triển tại trường học thông qua các kênh nghe/xem, tìm hiểu, nghiên cứu trên nhiều tài liệu, nhiều kênh thông tin khác nhau.

Ngày nay, công nghệ và truyền thông xã hội thực sự phát triển đã tạo nhiều cơ hội cho học sinh tiêu thụ nhiều nội dung trực tuyến hơn là sách giấy. Cũng vì điều này, việc đọc sách truyền thống cũng bị giảm sút.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.

Học và đọc đòi hỏi học sinh nỗ lực nhiều hơn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội

Thực tế, có nhiều học sinh bằng cách này hay cách khác sẽ có đủ kiến thức và kỹ năng phát triển sau này chỉ bằng việc học đúng, học đủ các kiến thức trên lớp và các giáo trình. Tuy nhiên, văn hóa đọc có thể hỗ trợ hiệu quả cũng như thúc đẩy việc học một cách mạnh mẽ hơn.

Trong các trường học, việc đọc, tự tìm hiểu tài liệu, phát triển tư duy, sáng tạo từ kiến thức sách vở, tài liệu luôn được khuyến khích các bạn học sinh. Nhưng không phải học sinh nào cũng cảm thấy hứng thú trong việc đọc. Vậy làm sao để có thể phát triển một cách hiệu quả văn hóa đọc học đường?

Đầu tiên, việc làm gương của các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh để từ đó giúp các em hình thành thói quen tìm hiểu, đọc sách và gia tăng kiến thức từ sách bổ trợ cho việc học chính khóa.

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh và giáo viên cũng có thể khuyến khích việc đọc sách, đồng thời cung cấp các ví dụ bằng cách đọc và chia sẻ với học sinh, từ đó có thể phát triển văn hóa đọc dễ dàng hơn trong môi trường học đường.

Cùng với đó, trường học có thể thực hiện các biện pháp như cung cấp thêm sách và tài liệu đọc, tạo ra môi trường thân thiện với việc đọc và khuyến khích sự tham gia của học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, việc thiết kế các chương trình đọc hấp dẫn và tạo ra cơ hội cho thảo luận và chia sẻ về sách có thể giúp thúc đẩy phát triển văn hóa đọc tại trường học.

Giải pháp nào để duy trì và khuyến khích phát triển văn hóa đọc học đường?

Ngày nay, cùng với nhịp sống hiện đại, bạn trẻ ngày càng có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Tuy nhiên, trong môi trường học đường, vẫn cần duy trì một nền nếp truyền thống vốn có rất nhiều lợi ích đối với học sinh. Vì vậy, cần nhiều giải pháp để phát triển văn hóa đọc học đường.

Đọc sách giúp phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy cho các bạn học sinh. Ảnh minh họa : IT

Đọc sách giúp phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy cho các bạn học sinh. Ảnh minh họa : IT

Một trong những giải pháp hữu hiệu là sự khích lệ của thầy cô giáo, cha mẹ giao nhiệm vụ đọc sách cụ thể đối với mỗi học sinh trong khoảng thời gian cố định hàng ngày. Mọi thói quen tốt đều được hình thành từ việc nghiêm túc tập luyện và lập kế hoạch rõ ràng dành cho việc đọc. Mỗi ngày, thói quen sẽ được rèn luyện và trở nên tự nhiên hơn theo thời gian.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, các thầy cô giáo và phụ huynh cũng có thể lựa chọn các loại sách phù hợp với sở thích của học sinh. Bắt đầu bằng việc chọn những cuốn sách về chủ đề hoặc thể loại được nhiều học sinh quan tâm. Điều này giúp các bạn cảm thấy thú vị và dễ dàng hơn để duy trì thói quen đọc.

Khuyến khích các mô hình câu lạc bộ đọc sách để các bạn học sinh được tự do tham gia cùng với bạn bè hoặc cộng đồng. Đây là cách tốt để học sinh có thể chia sẻ và thảo luận về những cuốn sách đã đọc, từ đó có thể tăng thêm kiến thức và ghi nhớ dễ dàng những ứng dụng và bài học rút ra từ sách.

Việc sử dụng các thiết bị và ứng dụng đọc sách hiện đại (online) hoặc thậm chí cả audio book cũng là xu hướng tất yếu để tạo hứng thú và sự thuận tiện cho học sinh. Đặc biệt, đối với các học sinh ở thành phố, có điều kiện sử dụng thiết bị như đầu đọc eBook hoặc ứng dụng đọc sách trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Qua đó, học sinh có thể tìm thấy sự tiện lợi và tiết kiệm không gian, thời gian mọi lúc, mọi nơi để đọc.

Các cơ sở đào tạo cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp, tạo nhiều không gian đọc thoải mái, tiện lợi với ánh sáng tốt và cơ sở vật chất phù hợp, thuận tiện giúp các bạn học sinh dễ dàng tiếp cận và tận hưởng việc đọc sách nơi học đường.

Có thể nói, việc phát triển văn hóa đọc học đường là một thói quen tuyệt vời cần được đầu tư và khuyến khích hơn nữa. Đọc sách không chỉ để phát triển kiến thức, kỹ năng và tư duy, các học sinh còn có thể tìm được nhiều giải pháp, sự sáng tạo và lời khuyên hữu ích từ sách để áp dụng cho công việc, cuộc sống và tương lai sau này.

Hãy bắt đầu với việc đọc sách ngay từ bây giờ để tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại!

Hãy bắt đầu với việc đọc sách ngay từ bây giờ để tận hưởng những lợi ích mà nó mang lại!

Nam Nguyễn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/van-hoa-doc-hoc-duong-ngay-mot-giam-sut-lam-the-nao-cho-tang-suc-hut-179231008152355788.htm