Văn hóa đọc - kỳ vọng vào sự thay đổi
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn thì chủ trương xây dựng và phát triển văn hóa đọc đang đứng trước thách thức lớn. Xung quanh câu chuyện này, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Vũ Dương Thúy Ngà đã có những chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết.
PV: Bà có thể cho biết quan điểm của Bộ VHTTDL như thế nào trước những tác động của công nghệ với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc?
Bà Vũ Dương Thúy Ngà: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên của công nghệ nghe nhìn đã và đang tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa đọc. Nhưng tôi nghĩ cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra những thách thức mà còn tạo nhiều cơ hội cho văn hóa đọc.
Để biến thách thức thành cơ hội, ngành thư viện cũng như xuất bản phải bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số của thời đại nếu không muốn tụt lại phía sau. Chính internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ giúp cho người đọc tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn.
Công nghệ nghe nhìn sẽ giúp các tác giả, các nhà xuất bản và các thư viện dễ dàng tiếp cận với bộ sưu tập tài liệu đa phương tiện. Mặt khác việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm với hình thức nghe nhìn sẽ tạo hiệu ứng tốt hơn.
Có thể lấy minh chứng, qua kênh “Cùng bạn đọc sách”, sau khi nghe và xem các mục “Sách hay nên đọc” hay “Đọc sách cùng bạn”, nhiều người đã tìm đọc và mua sách để có thể nghiền ngẫm lâu dài.
Để chủ động trước sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Bộ VHTTDL đang xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2020” trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 11 tới.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng sắp Tổng kết việc thực hiện Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ nội dung Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn từ 2021 đến 2030”, trong đó sẽ đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh khoa học và công nghệ không ngừng phát triển.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ VHTTDL đang có chính sách hỗ trợ cụ thể nào với các đơn vị xuất bản hoạt động, phát triển?
- Để bắt kịp với tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, Bộ VHTTDL cũng đã quan tâm đến việc đổi mới hoạt động xuất bản, phát hành của các đơn vị trực thuộc Bộ. Xác định công tác xuất bản là một trong những hoạt động quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc, bên cạnh thúc đẩy việc chọn, dịch và xuất bản các tác phẩm có giá trị về khoa học và đặc sắc về văn học nghệ thuật của nước ngoài để đem đến cho bạn đọc Việt Nam, Bộ cũng khuyến khích việc xuất bản các tác phẩm đặc sắc của Việt Nam và phổ biến cho bạn bè quốc tế. Đó cũng là một cách để thực hiện giao lưu văn hóa, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cũng như các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản đang khác, các nhà xuất bản ngành văn hóa, thể thao, du lịch cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn: Số lượng người mua giảm, doanh thu thấp và nhiều khó khăn khác. Trong bối cảnh đó, Bộ VHTTDL chủ yếu khuyến khích cho các nhà xuất bản tự chủ và đẩy mạnh xã hội hóa.
Với việc ra đời của Luật Thư viện, Bộ VHTTDL kỳ vọng gì ở sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng?
-Việc ra đời của Luật Thư viện đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Trong Luật Thư viện đã có nhiều quy định đón trước để các thư viện phát triển và bắt kịp với những yêu cầu đặt ra trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Từ những quy định về chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của thư viện, đến những quy định cụ thể về hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện, phát triển thư viện số, phát triển văn hóa đọc. Bộ VHTTDL tin tưởng Luật Thư viện sẽ tạo động lực cho văn hóa đọc phát triển. Và đó cũng chính là những yếu tố đảm bảo để văn hóa đọc phát triển bền vững trong tương lai.
Hiện nay Việt Nam đã có một mạng lưới thư viện rộng khắp bao gồm nhiều loại hình, có nhiều thư viện do Nhà nước thành lập nhưng cũng có khoảng 20.000 thư viện cộng đồng và 200 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Các thư viện đang từng bước hiện đại hóa và tạo môi trường đọc thuận lợi với nhiều tiện ích cho người đọc.
Để Luật Thư viện đi vào cuộc sống, Bộ VHTTDL đã có văn bản số gửi các Bộ ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; Bộ cũng đã tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ quản lý và nhân viên thư viện và đang biên soạn tài liệu phổ biến Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức triển khai một số nội dung sau. Cụ thể, các địa phương đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí vai trò của thư viện và phát triển văn hóa đọc, các chính sách của Nhà nước về đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc; Xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống thư viện công cộng; chỉ đạo việc hiện đại hóa thư viện, xây dựng cơ chế phối hợp giữa thư viện với cơ quan, tổ chức để phát triển thư viện và văn hóa đọc; Xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thư viện (hiện đại hóa thư viện, xây dựng thư viện số, số hóa tài liệu), xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện liên thông theo quy định của pháp luật và phù hợp với nhu cầu,điều kiện của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hoạt động hỗ trợ cho thư viện và các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc tại doanh nghiệp và cộng đồng.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-doc--ky-vong-vao-su-thay-doi-522539.html