Văn hóa đọc thời 4.0 (Bài 3)
Khi xã hội phát triển, mọi mặt của đời sống cũng dần thay đổi, trong đó có văn hóa đọc. Với những tiện ích của công nghệ, biển sách mênh mông nay lại càng thêm rộng lớn. Nhu cầu và thói quen đọc sách cũng từng bước đổi thay.
Bài 3: Sách trong thời đại 4.0
Công cuộc chuyển đổi số mở ra làm thay đổi không ít ngành nghề, trong đó có xuất bản. Chỉ cần sở hữu bất cứ một thiết bị thông minh nào có thể kết nối Internet như điện thoại, máy tính là bạn đọc đã “ôm gọn” cả toàn cầu.
Ebook đang là xu hướng
Xu hướng số hóa đang ngày càng phát triển, mở ra cơ hội cho việc lan tỏa văn hóa đọc. Sự có mặt của Ebook khiến việc đọc sách có nhiều thay đổi. Không cần những quyển sách giấy nặng nề, khó lưu trữ, chỉ cần một cú click chuột, bạn đọc có thể tiếp cận được nội dung sách mà không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian.
Là cây viết tự do chuyên nghiệp về ẩm thực - dinh dưỡng, dược mỹ phẩm và phong cách sống, Thủy Trà đã xây dựng được sự nghiệp khá ổn định và có cộng đồng của riêng mình. Blog https://chuyencuatra.com/ do chị vận hành là địa chỉ khá quen thuộc trong giới những người yêu thích viết. Cuối năm 2020, chị xuất bản quyển Ebook Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực và phát hành miễn phí.
Đối tượng độc giả của Ebook là những cây viết ẩm thực, những người sở hữu thương hiệu ẩm thực cần quảng bá sản phẩm. Và quyển Ebook đầu tay của Thủy Trà đã được cộng đồng những cây viết tự do đón nhận. Thủy Trà kể, chị nhận về nhiều phản hồi của độc giả rằng Ebook giúp họ hiểu hơn về viết ẩm thực và có thêm chỉ dẫn cho lĩnh vực viết. Đặc biệt, sau khi xuất bản Ebook không lâu, chị nhận thêm nhiều hợp đồng làm việc từ các khách hàng mới. Đó là thành công của quyển sách.
Thủy Trà chia sẻ, chọn xuất bản Ebook cho tác phẩm đầu tay bởi đó là hình thức xuất bản khá dễ dàng, không mất nhiều chi phí hay phụ thuộc vào nhà xuất bản. Chị nói: “Việc tự xuất bản Ebook giúp tôi chủ động, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là có thể gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với độc giả. Bên cạnh đó, tôi thấy xu hướng đọc sách điện tử cũng đang phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây, mở ra rất nhiều cơ hội. Các tác giả có thể tự viết và bán Ebook của mình. Tôi đang ấp ủ 2 dự án sách mới, trong đó có 1 Ebook”.
Việc xuất bản Ebook đang trở thành lựa chọn của nhiều tác giả ngày nay vì cách thức xuất bản không quá phức tạp. Một bộ phận Ebook mới xuất bản là sách hướng dẫn kỹ năng nghề nghiệp hoặc chia sẻ về các vấn đề mới được quan tâm. Đó vốn là những mảng khá khiêm tốn trên thị trường sách giấy vì kén độc giả. Ebook tự xuất bản góp phần giúp thị trường sách đa dạng và mở rộng, đáp ứng nhu cầu đọc và tìm hiểu của tất cả bạn đọc.
Ngoài ra, Ebook còn tồn tại dưới dạng số hóa sách giấy. Ngày nay, có một số sách giấy quý, khó tiếp cận bản in giấy: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lam Sơn thực lục,... Và Ebook là lựa chọn tối ưu cho bạn đọc khi muốn đọc những tác phẩm đó. Việc số hóa sách giấy cũng giúp lưu trữ tốt hơn.
Hại hay tiện?
Ebook là sản phẩm tiện ích trong công cuộc phát triển công nghệ thông tin, ngày càng được nhiều người ưa chuộng và sử dụng thường xuyên. Hơn 10 năm trước, anh Trần Khoa Nguyên (SN 1995, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) sở hữu một chiếc máy đọc sách và sử dụng đến nay.
“Nhiều người nói rằng, việc bỏ ra 3 triệu đồng để mua máy đọc sách là lãng phí nhưng tôi cảm thấy không hề hối tiếc. Tôi có thể tìm hàng trăm Ebook chuyên ngành tiếng Thái đang theo học và có thể đọc bất kỳ nơi đâu, việc đó rất tiện dụng. Từ khi sử dụng máy đọc sách, đi học, đi làm hay đi du lịch, tôi không còn cầm theo những chồng sách nặng nề và cồng kềnh. Đọc Ebook đang có những ưu thế tốt, nhất là khoản chi rẻ và đơn giản, dễ dàng” - anh Nguyên chia sẻ.
Là phiên dịch viên, giáo viên tiếng Thái, đọc sách trên thiết bị điện tử đã hỗ trợ anh Nguyên rất nhiều trong công việc như tra cứu từ điển, tìm các nội dung liên quan được nhắc đến trong sách. Tuy nhiên, đọc sách trên thiết bị điện tử đôi khi gặp một số trở ngại như gây mất tập trung khi có tin nhắn, thông báo.
Mặc dù thường xuyên đọc sách dạng Ebook nhưng theo anh Nguyên, việc đọc sách giấy vẫn mang lại nhiều cảm xúc hơn là sách điện tử. “Cầm quyển sách, lật từng trang, ngửi mùi giấy mới, có thể ghi chú hay đánh dấu các câu từ làm tôi có hứng thú hơn là cầm cái máy đọc và cũng đỡ hại mắt. Ebook cho tôi cảm giác bị hạn chế quyền sở hữu so với sách giấy. Tôi không thể sao chép văn bản vào thiết bị khác, gặp khó khăn khi chia sẻ Ebook với bạn bè như cho tặng hay bán chúng. Ngược lại, sách giấy mang lại quyền sở hữu rất rõ ràng. Ebook rất thuận tiện nhưng mỗi khi có cuốn sách hay, tôi vẫn mua bản giấy, vừa đọc, vừa lưu trữ. Với tôi, việc lựa chọn đọc sách điện tử hay sách giấy không quan trọng bởi dù đọc sách bằng loại hình nào, mục đích cao nhất của việc đọc sách vẫn là tiếp thu kiến thức, làm giàu vốn sống cho bản thân” - anh Nguyên thổ lộ./.
"Internet là phương tiện tốt, như một đại lộ giúp ta tiếp cận nhiều thứ nhưng quan trọng là sử dụng nó như thế nào. Nhiều nguồn sách phong phú đang bị mai một nhưng vẫn đang tiềm tàng trên Internet ở dạng Ebook. Các kênh giải trí có sức hút rất mạnh nhưng những kiến thức sâu sắc, nền tảng văn hóa phải thể hiện bằng sách. Các bạn trẻ dùng Internet phải tỉnh táo, tránh "đi lạc"".
Cựu nhà báo Lê Đại Anh Kiệt
"Sách giấy có cái hay của sách giấy, muốn đọc sách giấy cần có thời gian thảnh thơi. Nếu cần tra cứu tài liệu thì Ebook lại là lựa chọn tối ưu hơn. Các bạn chọn sách trước hết là phù hợp mong muốn tìm hiểu của mình. Đọc sách nên tìm hiểu review của những người đã đọc trước đó và nên đọc những quyển sách tuổi trẻ cần đọc để nuôi dưỡng tâm hồn. Đến thư viện, nhà sách lớn chắc chắn sẽ có những quyển sách phù hợp. Bạn chọn đúng sách để đọc thì đọc một cuốn đó sẽ tương đương bao nhiêu cuốn khác. Có nhiều bạn nghiện sách mà không lựa chọn thì dễ bị lan man. Đặc biệt đối với ngoại văn, tốt nhất nên đọc bản gốc. Như vậy sẽ tốt hơn".
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Long An - Đàm Văn Tuyến
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/van-hoa-doc-thoi-4-0-bai-3--a134205.html