Văn hóa | Du lịch TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Quyến luyến chia tay những người bạn Quỳnh Nhai hiếu khách, chúng tôi tiếp tục hành trình về với Lai Châu - vùng đất bí ẩn và đầy quyến rũ nơi cuối trời Tây Bắc.
Nhiều điểm đến thú vị
Giao thông thuận lợi hơn rất nhiều so với trước là một trong những yếu tố thúc giục du khách xách ba lô và lên đường đến với Lai Châu. Lòng hồ thủy điện mùa này nước xanh ngắt màu ngọc bích. Thỉnh thoảng chúng tôi lại dừng xe cho bọn trẻ ngắm nhìn sông nước hiền hòa, núi non trùng điệp. Ngay dọc đường đi, Thủy điện Bản Chát sừng sững oai hùng. Đây chỉ là 1 trong nhiều thủy điện (Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng...) mà Lai Châu khai thác tài nguyên nước để phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng từ tận dụng mặt nước dâng của thủy điện, mở ra nhiều hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng lòng hồ. Trong đó không thể không kể tới du lịch lòng hồ và nuôi cá lồng. Rẽ qua Làng cá Thẩm Phé, ngắm dòng nước khi hoàng hôn xuống và chơi đùa với cá, nhất là thưởng thức các món ăn đặc sản ngay trên hồ do chính bà con chế biến từ các nguyên liệu tự nhiên sẽ khiến du khách không thể nào quên.
Mãn nhãn với những đồi chè xanh trải dài tít tắp ở Tân Uyên. Ảnh: THU TRANG
Quan tâm khuyến khích phát triển du lịch, Than Uyên ngày càng có nhiều điểm đến níu kéo du khách mỗi dịp cuối tuần như: đồi thông, Homestay Love Hill, phố đi bộ... Cách Than Uyên không xa, huyện Tân Uyên mời gọi với những đồi chè xanh trải dài tít tắp. Phải lên tận đồi mới thấy chè ở đây đẹp đến nao lòng. Từ trên cao nhìn xuống những nương chè như bức tranh được người nông dân tỉ mẩn từng nét vẽ, như cố tình sắp đặt để tạo những lớp lớp sóng chè nối dài bất tận.
Sau cả buổi thẩn thơ trên nương chè, chúng tôi dừng chân tắm khoáng nóng. Có nhiều địa điểm để lựa chọn nhưng nguồn nước khoáng tự nhiên ở xã Trung Đồng thu hút nhiều người đến hơn cả. Ngâm mình trong dòng nước khoáng nóng chỉ khoảng thời gian ngắn là ai nấy cũng cảm thấy tỉnh táo, trong người nhẹ nhàng khác lạ.
Một trong những điều thú vị ở Lai Châu đó là được trải nghiệm dù lượn ở huyện Tam Đường. Nơi đây thường niên đều tổ chức Giải dù lượn đường trường Pu Ta Leng thu hút nhiều vận động viên đến từ các câu lạc bộ trong cả nước và là địa phương có rất nhiều điểm đến thú vị. Nếu thích cảm giác mạnh, mạo hiểm có thể trải nghiệm cầu kính Rồng Mây, leo núi, còn nếu muốn tìm hiểu văn hóa bản địa thì có thể đến các bản: Lao Chải 1, Lao Chải 2, Sì Thâu Chải, bản Thẳm hay về với cọn nước Nà Khương... Những năm gần đây bà con phát triển mạnh dịch vụ homestay, cách làm du lịch cũng đã bài bản, chỉn chu hơn trước.
Khi trời nhập nhoạng tối, chúng tôi lên đường về thành phố Lai Châu. Từ trên đèo Giang Ma nhìn xuống, giữa lòng chảo, thành phố trẻ hiện lên lung linh trong làn sương mờ. Tới thành phố vào đúng tối thứ 7 – thời điểm diễn ra chợ đêm San Thàng, chúng tôi nhanh chân vào chợ đêm, tìm đến hàng phở đặc biệt của người dân tộc Giáy thưởng thức bát phở nóng hổi và như bị gây nghiện bởi vị ngon khác biệt riêng có. Không chỉ có phở, các hàng thắng cố, đồ nướng và các loại bánh đặc sản của bà con như: bánh dày, bánh khảo, bánh rán, bánh bỏng... cũng vô cùng ngon và rẻ.
Lung linh thành phố trẻ Lai Châu. Ảnh: VĂN THẮNG
Tới trung tâm thành phố khi trong người sảng khoái, cái bụng đã no, chúng tôi lại thong dong dạo chơi và thưởng trà – thức uống đặc sản của vùng chè nổi tiếng, rồi thư thái ngắm toàn cảnh thành phố lung linh trên đệ nhất view Tam Đường Tea.
Đa dạng giải pháp phục hồi du lịch
Đi một tua khám phá vài điểm đến mới của Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, cảm nhận chung của chúng tôi là sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giờ đây các tỉnh Tây Bắc nói riêng, Lai Châu nói chung đều đã và đang đẩy mạnh các giải pháp kích cầu thúc đẩy phục hồi du lịch. Nhiều điểm đến được hình thành và đầu tư ngày càng thu hút, giá cả phải chăng, dịch vụ đa dạng... Đặc biệt là sự gần gũi, cởi mở, thân thiện của bà con, tạo sức hút cho du lịch khởi sắc. Tại 3 tỉnh, con số khách du lịch từ tháng 3 đến nay, nhất là đợt nghỉ lễ vừa qua tăng đột biến - Tín hiệu mở đầu đáng mừng cho ngành công nghiệp không khói phục hồi.
Trò chuyện với anh bạn làm ở Hiệp hội Du lịch tỉnh Lai Châu, chúng tôi được biết thêm, ngay sau khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch từ ngày 15/3, thì trung tuần tháng 4 Lai Châu cũng đã tổ chức thành công Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu với chuỗi các hoạt động dày đặc ở các địa phương. Qua đó quảng bá mạnh mẽ hình ảnh, văn hóa và tiềm năng du lịch tới bạn bè trong nước, quốc tế. Hiện, tỉnh tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện số hóa 3D (công nghệ thực tế ảo) các điểm du lịch trên địa bàn. Thiết lập, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh. Bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ, tư vấn, cung cấp thông tin về các điểm du lịch Lai Châu cho khách du lịch, các công ty lữ hành nội địa và quốc tế. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá thông tin, hình ảnh trên các website du lịch Lai Châu, các ấn phẩm du lịch...
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu còn ban hành Nghị quyết về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, HĐND tỉnh cũng nhanh chóng ban hành một số chính sách hỗ trợ. Điều này là bước tạo đà quan trọng thúc đẩy du lịch toàn tỉnh phát triển.
Bao lâu rồi bạn chưa đến Lai Châu? Ảnh: VĂN THẮNG
Anh Đỗ Trọng Thi – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tam Đường cho biết: Nhằm thúc đẩy các địa phương phát triển du lịch, huyện đã có nhiều giải pháp hỗ trợ các bản và người dân làm du lịch. Trong đó, nhiều gia đình ở các bản du lịch cộng đồng đã được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ để đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhà, công trình phụ làm dịch vụ homestay; làm biển chỉ dẫn du lịch, duy trì đội văn nghệ của bản... Tam Đường luôn sẵn sàng chào đón và phục vụ du khách.
Được biết, trong tháng 4/2022, toàn tỉnh Lai Châu ước đón 73.675 lượt khách du lịch, tổng doanh thu ước đạt 57,752 tỷ đồng (tăng 5,09% tổng lượt khách, tăng 2,38 lần tổng doanh thu so với cùng kỳ năm 2021). Dù con số còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ban tặng; nguồn nhân lực và sản phẩm du lịch còn thiếu, hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp... Song những con số biết nói trên cho thấy dấu hiệu khả quan đáng mừng về phục hồi du lịch sau đại dịch.
Với những giải pháp “đúng, trúng” đã vạch ra trong lộ trình phục hồi du lịch. Trong đó, trọng tâm là tăng cường quảng bá, tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh kích cầu... Có thể lạc quan rằng năm 2022, Lai Châu nói riêng, các tỉnh Tây Bắc nói chung sẽ có những con số ấn tượng, đột phá về du lịch để ngành công nghiệp không khói vươn cao, bay xa, từng bước tạo dựng thương hiệu, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.