VĂN HÓA GIAO THÔNG KHÔNG CHẤP NHẬN 'LUẬT RỪNG'

Những ngày vừa qua, dư luận rất bức xúc khi xem đoạn clip một thanh niên ở TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đánh đập một nữ sinh sau khi xảy ra va chạm giao thông, do chính lỗi của anh ta gây ra. Ngày 13-12, lại một học sinh 12 tuổi ở xã Chà Là (Dương Minh Châu, Tây Ninh) bị hành hung sau tai nạn giao thông. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ cãi vã, xô xát trên đường, trên các phương tiện vận tải công cộng... khiến dư luận bức xúc, lo ngại.

Các vụ bạo hành khi tham gia giao thông ở nước ta xảy ra khá thường xuyên. Khi va chạm giao thông, có khi chỉ là những va chạm nhỏ, nhưng thay vì bình tĩnh đối thoại để giải quyết, không ít người sẵn sàng gây hấn, đánh nhau, thậm chí là đâm chém dẫn tới thương vong. Điều đáng buồn nữa là, trong những vụ va chạm này, rất ít người can ngăn, có khi còn a dua, lấy điện thoại ra quay rồi đưa lên mạng xã hội...

 Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.com.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.com.vn

Nguyên nhân chính của những hành động bạo lực trên là do văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông của nhiều người dân rất thấp, không có sự thông cảm, nhường nhịn nhau và thường hành xử theo "luật rừng", không tuân thủ đạo đức, luật lệ.

Hiện nay, một trong những tiêu chí văn hóa giao thông là thái độ ứng xử văn minh, lịch sự khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông trên tinh thần thượng tôn pháp luật và thật sự nhân văn. Trong xã hội, mọi người dân đều phải có trách nhiệm xây dựng và thực hiện văn hóa giao thông, ngay từ những ứng xử thường ngày trên đường. Mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình kiến thức về pháp luật an toàn giao thông, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, phải kiên quyết lên án, đấu tranh với những hành vi tham gia giao thông thiếu văn hóa, vi phạm luật lệ giao thông.

Để giảm thiểu hiện tượng dùng "luật rừng" trong giải quyết các va chạm giao thông, các cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, đặc biệt với những người tham gia giao thông sau khi uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, bảo đảm tính răn đe, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tham gia giao thông. Trong thi lấy bằng, hoặc sát hạch lái xe, cũng phải đưa các nội dung xử lý tình huống trong tham gia giao thông để nâng cao ý thức nhường nhịn, độ lượng của mọi người khi xảy ra va chạm hay tai nạn. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường, gia đình, các tổ chức chính trị-xã hội để tuyên truyền, giáo dục mạnh hơn, hiệu quả hơn nữa về an toàn giao thông và văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông, giúp cho ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử của người dân thực sự văn minh, lịch sự.

PHÚ HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/van-hoa-giao-thong-khong-chap-nhan-luat-rung-646658