Văn hóa giao thông là trách nhiệm, đạo đức

An toàn giao thông luôn là vấn đề lớn được cộng đồng xã hội quan tâm. Đi trên các nẻo đường, mọi người có thể dễ dàng nhìn thấy những băng rôn, biểu ngữ với nội dung 'An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà'. Đây là lời nhắc nhở, cảnh báo người tham gia giao thông, để đem lại an toàn cho bản thân, gia đình và xã hội hãy chấp hành luật giao thông. Chấp hành luật giao thông không chỉ thể hiện sự thượng tôn pháp luật, mà còn thể hiện trách nhiệm, đạo đức của mỗi cá nhân, từ đó hình thành nên văn hóa cộng đồng.

Thực tế, tai nạn giao thông (TNGT) đang diễn ra từng ngày, từng giờ trên các nẻo đường. TNGT có thể đến với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Trong các chương trình thời sự hàng ngày hay trên trang tin tức của các phương tiện thông tin đại chúng, các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn thường xuyên được cập nhật như một lời nhắc nhở. Tuy nhiên, số vụ TNGT vẫn không giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng qua phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNGT vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.

Để kéo giảm TNGT, một trong những biện pháp quan trọng được các ngành chức năng đề cập là phải nhanh chóng xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, tập hợp các cách thức ứng xử văn minh, chấp hành quy định về giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông… Để hình thành và duy trì văn hóa giao thông cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp và đặc biệt là người tham gia giao thông. Đối với người tham gia giao thông, văn hóa giao thông biểu hiện ở việc chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác luật giao thông.

Để làm được điều này, người tham gia giao thông phải loại bỏ ngay các hành vi sai phạm từ trong suy nghĩ, như: Vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng nơi quy định, lấn làn, bóp còi inh ỏi, đi ngược chiều… Những hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn cho chính mình và những người xung quanh. Người tham gia giao thông có văn hóa còn là người có tính cộng đồng cao. Tính cộng đồng của người tham gia giao thông thể hiện qua việc ứng xử văn minh, mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi thay cho hành động xúc phạm, nhục mạ người khác; sẵn sàng ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác và hành động để kịp thời ngăn chặn sự cố giao thông có thể xảy ra.

Văn hóa giao thông làm nên nét nhân cách của mỗi con người, từ đó hình thành nên văn hóa cộng đồng. Thực hiện văn hóa giao thông không chỉ xây dựng con người văn minh, lịch sự mà thông qua đó còn góp phần quảng bá hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

LÊ QUANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/van-hoa-giao-thong-la-trach-nhiem-dao-duc-a332013.html