Quảng cáo thuốc lá tinh vi, rất nhiều trẻ em đang bị hủy hoại sức khỏe

Các hình thức quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ngày càng tinh vi, len lỏi vào các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của học sinh.

Nhiều học sinh hút thuốc vì đua đòi, muốn thể hiện bản thân

Theo các số liệu thống kê, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, đối với thanh thiếu niên từ 13-17 tuổi tăng từ 2,6%, năm 2019 lên 8,1% năm 2023; tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023; ở nữ giới từ 11-18 tuổi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử từ 4,3% năm 2023.

Trong buổi thảo luận về chủ đề "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường" tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” ngày 29/9/2024, em Nguyễn Đình Lộc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương cho rằng, hiện nay nhiều bạn học sinh muốn chứng minh bản thân, ngộ nhận hút thuốc lá là để thể hiện sự trưởng thành. Ngoài ra, một vài trường hợp vì quá áp lực tâm lý nên muốn tìm đến chất kích thích để giải tỏa căng thẳng, thiếu bản lĩnh khi bị rủ rê.

Em Nguyễn Đình Lộc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng sử dụng thuốc lá (Ảnh: Hương Giang).

Em Nguyễn Đình Lộc - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Hải Dương đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa gây ra tình trạng sử dụng thuốc lá (Ảnh: Hương Giang).

Do đó, em đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhà trường nên đẩy mạnh việc truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử và các chất kích thích, lập kế hoạch truyền thông cụ thể qua các trang thông tin của nhà trường. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các chuyên đề đầu tuần sinh hoạt dưới cờ với nội dung phòng chống.

Thứ hai, Nhà nước nên có những quy định về quản lý kỹ việc buôn bán thuốc lá, nên có các chế tài xử phạt đối tính những cửa hàng bán thuốc lá cho trẻ em, trẻ vị thành niên, người dưới 18 tuổi.

Theo em Nguyễn Thị Mỹ Nương - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang, để việc giảm thiểu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử đạt hiệu quả, em đề xuất, các cơ quan, các cấp, các ngành nên xử lý nghiêm khắc các cá nhân bán thuốc lá, thuốc lá điện tử cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Về phía nhà trường, nên tổ chức các buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử đối với bản thân người sử dụng và những người xung quanh. Ngoài ra, nhà trường nên thành lập phòng tư vấn tâm lý học đường để học sinh gặp phải vấn đề tâm lý có thể nhận để được những giải pháp, định hướng đúng đắn.

Em Nguyễn Thị Mỹ Nương - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang đề xuất, gia đình, các bậc cha mẹ nên quan tâm, thường xuyên tâm sự cùng con để thấu hiểu được tâm lý của các bạn (Ảnh: Hương Giang).

Em Nguyễn Thị Mỹ Nương - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang đề xuất, gia đình, các bậc cha mẹ nên quan tâm, thường xuyên tâm sự cùng con để thấu hiểu được tâm lý của các bạn (Ảnh: Hương Giang).

Đặc biệt, về phía học sinh, khi có vấn đề không giải quyết được thì nên bày tỏ với cha mẹ thầy cô để tìm hướng giải quyết, không nên tìm đến thuốc lá điện tử với mục đích xả stress. Nếu bị các bạn lôi kéo, rủ rê, thậm chí là ép buộc sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử thì phải báo ngay cho giáo viên, cha mẹ để kịp thời xử lý, không nên sợ hãi hay mặc cảm mà dấu giếm.

Trẻ em sử dụng chất kích thích bị ảnh hưởng bởi quảng cáo trực tuyến

Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng chống tác hại thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên đã giảm đáng kể nhờ các nỗ lực của các cơ quan ban ngành. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Theo em Lê Thị Mộc Miên - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam, nhiều bạn học sinh có xu hướng mỗi khi gặp căng thẳng trong học tập, cuộc sống thường tìm đến chất kích thích như thú vui, hoặc các bạn bị rủ rê, ảnh hưởng bởi quảng cáo trên mạng xã hội. Do đó, em đã có những kiến nghị như sau:

Thứ nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đưa nội dung phòng, chống thuốc lá vào chương trình giảng dạy ngoại khóa với các tiêu chí cụ thể. Có các chính sách riêng như khen thưởng với các cá nhân có kiến nghị hay và sáng tạo để phục vụ công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong môi trường học đường.

Em Lê Thị Mộc Miên - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam cho rằng, phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành tại Việt Nam vẫn chưa có quy định liên quan đến việc quản lý, xử phạt hành vi kinh doanh quảng cáo thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên không gian mạng (Ảnh: Hương Giang).

Em Lê Thị Mộc Miên - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Quảng Nam cho rằng, phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện hành tại Việt Nam vẫn chưa có quy định liên quan đến việc quản lý, xử phạt hành vi kinh doanh quảng cáo thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên không gian mạng (Ảnh: Hương Giang).

Thứ hai, việc quảng cáo thuốc lá đang diễn ra vô cùng phức tạp và tinh vi và có ảnh hưởng lớn tới có sự gia tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong môi trường học đường.

Do đó, các cơ quan cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mãi sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có các hình thức quảng cáo, khuyến mại trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số, mạng Internet trên tinh thần xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Y tế xây dựng một cổng thông tin về chuyên các vấn đề cho trẻ em. Trang cổng thông tin sẽ liên tục cập nhật các thống kê, các số liệu về tình trạng sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích trong môi trường học đường cũng như cung cấp các thông tin về cách mà các bạn học sinh có thể tự bảo vệ bản thân mình khỏi những vấn nạn đó.

Ngoài ra cung cấp các văn bản luật, các quy định, các chính sách cho việc phòng, chống tác hại và phổ biến, cổng thông tin này tới rộng rãi hơn đối với các bạn học sinh để các bạn có thể nắm bắt thông tin kịp thời.

Em Phạm Lưu Kim Thảo - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận đề xuất, cần ngăn chặn tối đa việc quảng cáo và truyền bá các loại thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đến các bạn học sinh, nhất là ở cấp trung học cơ sở và tiểu học. Cần quán triệt và ngăn chặn, phát hiện sớm các trường hợp tàng trữ, mua bán trái phép trong môi trường học đường, xử lý nghiêm, kỷ luật các trường hợp cố tình xảy ra sai phạm.

"Ý thức của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định. Các bạn học sinh phải tự mình nhận ra tác hại và chủ động từ bỏ thói quen xấu này", em Phạm Lưu Kim Thảo - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh

"Ý thức của mỗi cá nhân là yếu tố quyết định. Các bạn học sinh phải tự mình nhận ra tác hại và chủ động từ bỏ thói quen xấu này", em Phạm Lưu Kim Thảo - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh

Nhiều trẻ em còn thiếu sự quan tâm từ gia đình

Thuốc lá điện tử sẽ hủy hoại sức khỏe của trẻ em, những vị chủ nhân tương lai. Các chất độc khác trong dung dịch của loại thuốc lá này có thể rất độc hại cho sức khỏe. Hút thuốc là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi, gây ra nhiều ca tử vong trên toàn thế giới.

Em Nguyễn Cẩm Tú - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Điện Biên cho biết, tình trạng hút thuốc lá và thuốc lá điện tử ở địa phương em đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt ở các vùng núi. Nguyên nhân chính là do thiếu hiểu biết và không quan tâm nhiều về tác hại của thuốc lá. Việc cha mẹ hút thuốc trước mặt con và dung túng cho con hút cũng góp phần làm tăng tình trạng này. Thuốc lá điện tử với nhiều màu sắc, mùi vị hấp dẫn và giá cả phải chăng đã trở nên phổ biến hơn. Các quảng cáo về thuốc lá điện tử cũng khiến nhiều bạn trẻ tò mò và muốn thử.

Theo em Nguyễn Cẩm Tú - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Điện Biên, mặc dù nhà trường đã có những nỗ lực tuyên truyền, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể (Ảnh: Hương Giang).

Theo em Nguyễn Cẩm Tú - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh Điện Biên, mặc dù nhà trường đã có những nỗ lực tuyên truyền, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện đáng kể (Ảnh: Hương Giang).

Để bảo vệ sức khỏe của thế hệ trẻ, việc ngăn chặn tình trạng hút thuốc lá là vô cùng cần thiết. Cha mẹ cần làm gương và trò chuyện với con về tác hại của thuốc lá.

Bộ Giáo dục cần tăng cường giáo dục sức khỏe trong nhà trường, tổ chức các buổi ngoại khóa, tuyên truyền về tác hại thuốc lá, đặc biệt là ở các vùng miền núi, các em ít khi được phổ biến nhiều về thuốc lá điện tử.

Cuối cùng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần siết chặt quản lý các quảng cáo thuốc lá để tránh gây ảnh hưởng đến trẻ em, chọn lọc, loại bỏ những video quảng cáo có hình ảnh thuốc lá để tránh ảnh hưởng đến các em nhỏ.

Em Lê Đỗ Bảo Thy - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang khẳng định, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thiếu quan tâm của gia đình và nhà trường chưa quản lý, nghiêm khắc với con cái, cùng với nhận thức sai lầm của học sinh về thuốc lá điện tử.

"Nhiều học sinh tưởng nhầm thuốc lá điện tử an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống, trong khi thực tế cho thấy thuốc lá điện tử còn chứa nhiều chất độc hại hơn", em Lê Đỗ Bảo Thy - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang nói.

"Nhiều học sinh tưởng nhầm thuốc lá điện tử an toàn hơn so với thuốc lá truyền thống, trong khi thực tế cho thấy thuốc lá điện tử còn chứa nhiều chất độc hại hơn", em Lê Đỗ Bảo Thy - Đại biểu trẻ em đến từ tỉnh An Giang nói.

Để giải quyết vấn đề, cần có những giải pháp đồng bộ như tăng cường tuyên truyền về giáo dục, triển khai các chương trình giáo dục trong trường học, bao gồm cả nguy cơ về sức khỏe và tâm lý. Bên cạnh đó, quy định và siết chặt quản lý bán hàng, đưa ra quy định nghiêm ngặt về việc bán thuốc lá điện tử, yêu cầu chứng minh độ tuổi với người mua và cấm bán cho trẻ dưới 18 tuổi.

Các cơ quan triển khai ngăn ngừa; thực hiện đánh giá định kì, hạn chế sự hiện diện của thuốc lá tại các sự kiện của thanh thiếu niên. Cuối cùng, tăng cường phối hợp với cái cơ quan liên ngành trong việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa hút thuốc lá điện tử, đánh giá và báo cáo định kỳ để có các biện pháp giải quyết kịp thời và hiệu quả.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/quang-cao-thuoc-la-tinh-vi-rat-nhieu-tre-em-dang-bi-huy-hoai-suc-khoe-d5314.html