Văn hóa gọi giao đồ ăn ở Hàn Quốc lao đao
Phí ship tăng vọt khiến nhiều người Hàn Quốc không còn có thể thoải mái gọi giao đồ ăn tận nhà như trước, điều vốn là văn hóa đặc trưng ở xứ củ sâm.
Kim (34 tuổi), đang chuẩn bị đặt bữa tối ở ngoài với giá 20.000 won (16,7 USD) cho cậu con trai 8 tuổi trên một ứng dụng giao đồ ăn thì nhận được thông báo gây sốc: cô phải tốn 6.000 won cho chi phí giao hàng.
Không muốn phải bỏ thêm gần 30% giá bữa ăn, cuối cùng, Kim lái xe đến nhà hàng tự lấy đồ.
"Nếu chồng tôi không có nhà để giúp trông con, chắc tôi cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài trả thêm số tiền đó. Tôi nghe nói một số nhà hàng xóm đặt đồ ăn chung đơn rồi chia sẻ phí ship, tôi cũng muốn tham gia cùng họ", Kim nói với Korea JoongAng Daily.
Giao hàng ăn tận nhà là một phần quan trọng trong cuộc sống đô thị ở Hàn Quốc và ngày càng phổ biến trong thời kỳ đại dịch. Nhu cầu nhảy vọt dẫn đến phí giao hàng cũng như nhân công, phí ship loại mỗi lần một đơn tăng theo.
Tại Seoul, các khoản phí này khá đồng đều, vào khoảng 2.500 won cho mỗi đơn cách đây 2 năm. Kể từ khi đại dịch bùng phát và nhiều dịch vụ giao hàng mới xuất hiện, chi phí đẩy lên 4.000-5.000 won.
Con số này thậm chí còn cao hơn khi khách hàng lựa chọn chỉ giao một đơn mỗi lần ship, không để shipper ghép đơn. Các yếu tố khác như khoảng cách giao hàng, số lượng đơn tồn hoặc lý do thời tiết cũng gây ảnh hưởng. Đôi lúc, phí ship đội lên tới 10.000 won đối với loại đơn chỉ giao cho một khách mỗi chuyến.
Gia nhập thị trường vào tháng 5/2019, Coupang Eats là ứng dụng giao đồ ăn đầu tiên giới thiệu dịch vụ chỉ giao một đơn mỗi lần, hứa hẹn tốc độ nhanh hơn, theo sau là Baedal Minjok. Thông thường, các shipper thường giao 3 đến 4 đơn một lúc. Nếu họ chỉ giao một đơn cho mỗi chuyến đi, tự nhiên giá sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, chi phí lao động cũng là một yếu tố khiến giá giao hàng đội lên. Nhân viên giao hàng bắt buộc phải có bảo hiểm an toàn, bảo hiểm sức khỏe từ tháng 7/2021 và bảo hiểm việc làm từ tháng 1 năm nay.
Điều này giúp các shipper được bảo vệ nhiều hơn trong môi trường làm việc vốn nổi tiếng nguy hiểm song cũng khiến chi phí đội lên và người cuối cùng chịu tác động là khách hàng.
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất khiến giá cả tăng cao là thiếu nhân lực. Nguồn cung lao động chưa thể đáp ứng được nhu cầu bùng nổ của khách hàng.
Theo một cáo báo của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 4/1, từ tháng 1 đến tháng 10/2021, tổng giao dịch thị trường dịch vụ ăn uống trực tuyến đạt 21,7 nghìn tỷ won, gấp đôi con số 9,73 nghìn tỷ won năm 2019 và tăng gấp 10 lần so với năm 2017.
"Nếu việc tăng giá gây quá nhiều áp lực lên người tiêu dùng, nhu cầu giao thực phẩm có thể giảm xuống, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn thị trường. Vì vậy, các nền tảng dịch vụ giao đồ ăn nên tập trung vào giải quyết vấn đề cơ bản thay vì bận tâm đến sự cạnh tranh", Lee Jung-hee, giáo sư kinh tế tại Đại học Chung-Ang, nói, đồng thời nhấn mạnh sự bền vững của doanh nghiệp quan trọng hơn việc chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/van-hoa-goi-giao-do-an-o-han-quoc-lao-dao-post1292399.html