Văn hóa Huế - nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển

Đó là chủ đề hội thảo do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức vào ngày 3-10 nhằm tiếp thu những góp ý và đề xuất việc giữ gìn, phát huy giá trí văn hóa Huế trong bối cảnh hiện nay...

Tại hội thảo các đại biểu là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Huế và đại diện các cơ quan, viện nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã tập trung phân tích về việc nhận diện bản sắc văn hóa Huế; thuận lợi, khó khăn trong xây dựng định hướng phát triển đô thị di sản hiện nay; vai trò của con người Huế hiện nay trong việc xây dựng và phát triển văn hóa.

Bên cạnh đó, đề cập nhiều nội dung văn hóa Huế liên quan đến tiến trình hội nhập và phát triển. Trên cơ sở đó làm căn cứ cho sự phát triển Thừa Thiên - Huế trong tương lai mà không mất đi di sản văn hóa vốn có từ xa xưa. Đồng thời, hội thảo cũng nhấn mạnh đến văn hóa Huế - một nền văn hóa được làm giàu bởi các dòng văn hóa đô thị - văn hóa làng (chùa) và văn hóa cung đình (bác học)...

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Bàn về văn hóa Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nhắc lại 3 cuộc tiếp biến văn hóa lịch sử quan trọng từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng Trong và giao thoa văn hóa phương Tây - là những di sản văn hóa chính trị có ý nghĩa quốc gia cho thấy những gì Huế đã có mặt, đã làm nên và còn đóng góp cho tương lai.

Trong khi tác giả tham luận “Huế: Những giá trị riêng có - những gì cần giữ gìn” đưa ra cảnh báo: “Chúng ta đang có xu hướng sa đà vào phương pháp đối sánh sự phát triển Huế theo chiều đồng đại nặng hơn chiều lịch đại. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc quy hoạch, cũng như những dự án mang tầm tương lai của đô thị này luôn bị ám ảnh và được tiến hành một cách vội vã, nóng lòng sợ thua kém các tỉnh bạn hay sợ dư luận đánh giá Huế chậm chạp, ù lỳ trong việc hội nhập và phát triển (nghiêng về chuyện đồng đại). Trong lúc, chúng ta lại ít sốt ruột hay băn khoăn về việc hiện nay chúng ta đã mất, đang bị xói mòn hay phai nhạt những giá trị từng hiện hữu, từng tồn tại.”…

Nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa Huế đóng góp tại hội thảo với mong muốn Huế vẫn phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có nhưng không làm mất đi bản sắc văn hóa Huế. Qua đó, có thể truyền bá văn hóa Huế đến với nhiều du khách thông qua du lịch; truyền bá văn hóa Huế đến với doanh nhân trong và ngoài nước thông qua các dự án kinh tế; truyền bá văn hóa Huế đến với các chính khách thông qua các chương trình hợp tác ngoại giao…

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại hội thảo

Ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu tại hội thảo

MINH ANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/van-hoa-hue-nhan-dien-gia-tri-ban-sac-va-huong-phat-trien-689142.html