Văn hóa hướng tới phát triển bền vững - Bài 2: Lan tỏa tinh hoa bản sắc văn hóa Việt
Bản sắc, truyền thống văn hóa Việt được hội tụ, bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Hội nhập quốc tế chính là cơ hội lớn để bản sắc văn hóa Việt Nam lan tỏa ra toàn thế giới từ chính sức hấp dẫn của những nét đẹp văn hóa và thông qua hoạt động quảng bá, giới thiệu, đưa di sản văn hóa Việt đến với bạn bè thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng của các cấp, các ngành và toàn xã hội...
Nét duyên áo dài
Với bạn bè quốc tế, chiếc áo dài không đơn thuần chỉ là một bộ trang phục duyên dáng của phụ nữ Việt Nam mà còn là biểu tượng đẹp về văn hóa. Có thể nói, áo dài là một “Đại sứ văn hóa”, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu văn hóa, vẻ đẹp độc đáo của người phụ nữ Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Áo dài thực sự đã làm nên niềm tự hào, kiêu hãnh cho người phụ nữ Việt.
Áo dài ngày nay đã được bạn bè quốc tế biết đến thông qua nhiều con đường, trong đó có các hoạt động ngoại giao, các buổi biểu diễn thời trang hay các hình thức giới thiệu, quảng bá trong những ngày văn hóa Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới. Các nhà thiết kế trong nước cũng đã đưa nhiều bộ sưu tập áo dài được sáng tạo trên nhiều chất liệu, màu sắc... ra trình diễn tại các show thời trang ở nước ngoài. Nhiều bạn bè quốc tế, trong đó có các nhà ngoại giao, nhà thiết kế thời trang, du khách cũng đã góp phần đưa áo dài Việt ra thế giới.
Để có được hình mẫu hoàn chỉnh như ngày nay, chiếc áo dài truyền thống đã có quá trình phát triển qua các thời kì lịch sử nước Việt. Từ chiếc áo giao lĩnh (giao lãnh) đến áo tứ thân, áo ngũ thân tới áo dài Cát Tường (Le Mur) vào những năm 1930 là cả một quá trình biến đổi, cách tân đáng nể của áo dài. Trong đó áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường là bộ trang phục từng gây tiếng vang một thời trong những năm 30 của thế kỷ trước.
Ông đã tự thiết kế và tạo dáng sản phẩm áo dài tân thời trên cơ sở kết hợp trang phục phương Tây với nhiều kiểu, loại như có cổ, không cổ, có tay, tay ngắn, không tay, vai bồng, vai xẹp, cổ tay xòa, không xòe, có khuy, không khuy, vạt áo dài, vạt áo ngắn (mini), áo kiểu vai chéo, áo đi xe đạp và áo cô dâu… Chỉ tiếc là áo dài Le Mur cách tân quá nhiều nên chưa được đông đảo chị em phụ nữ thời đó hưởng ứng, chỉ có số ít phụ nữ trí thức ưa chuộng.
Năm 1934, họa sỹ Lê Phổ bỏ bớt những nét lai căng của áo Le Mur, đồng thời đưa thêm những yếu tố dân tộc từ áo tứ thân và ngũ thân để tạo ra kiểu áo vạt dài mang nét cổ kính, ôm sát người ở phần trên, trong khi hai tà áo tự do bay lượn từ phần xẻ ở vị trí ngang eo, tạo nên nét mềm mại, duyên dáng cho người mặc. Sự dung hợp hài hòa giữa cũ và mới này được nữ giới rất ưa chuộng. Vào năm 1958, ở Việt Nam xuất hiện áo dài Trần Lệ Xuân với kiểu áo hở cổ (cổ thuyền) tạo nên một làn sóng mới cho chiếc áo dài và còn phổ biến đến ngày nay...
Sau nhiều lần thay đổi, chiếc áo dài trở thành một tác phẩm tuyệt vời, một nét độc đáo của y phục phụ nữ Việt Nam và dường như cũng chỉ có phụ nữ Việt Nam mới diễn tả hết được vẻ đẹp thướt tha, mềm mại, duyên dáng của tà áo dài. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong chiếc áo dài truyền thống đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa và các tác phẩm nghệ thuật khác của nhiều nghệ sỹ.
Sỹ Hoàng - một nhà thiết kế áo dài danh tiếng của Việt Nam từng giành được các giải thưởng cả trong nước và quốc tế, đã lập ra bảo tàng áo dài tại Thành phố Hồ Chí Minh để công chúng trong và ngoài nước có được cái nhìn tổng quan về áo dài. Bảo tàng này trưng bày các bộ sưu tập theo từng chủ đề như: Áo dài tứ thân thế kỷ 17, áo dài năm thân thế kỷ 18, áo dài vương triều nhà Nguyễn từ thế kỉ 19…
Đặc biệt là có nhiều bộ áo dài gắn liền với tên tuổi những người phụ nữ Việt Nam danh tiếng trong nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, ngoại giao như nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình… Bảo tàng cũng trưng bày nhiều bộ trang phục đoạt giải quốc tế của nhà thiết kế Sỹ Hoàng cùng hơn 3.000 hình ảnh người phụ nữ Việt trong trang phục áo dài truyền thống. Mỗi chiếc áo dài được trưng bày tại đây đều gắn với một câu chuyện ý nghĩa.
Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho rằng: Nét độc đáo nhất của áo dài Việt Nam là sự vận động, cách tân cả kỹ thuật lẫn mỹ thuật trong quá trình phát triển khiến áo dài luôn hiện đại, phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, cùng các cách thức cách tân khác nhau để hoàn thiện dần đã cho thấy sức sống mãnh liệt của tà áo dài Việt Nam.
Văn hóa ẩm thực - niềm tự hào của người Việt
Ngày 12/10/2019, Lễ trao giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) khu vực châu Á và châu Đại dương đã diễn ra tại Vinpearl Convention Center Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tại mùa giải năm nay, Việt Nam được trao giải “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á”. Mặc dù đã được ưa chuộng và ghi nhận từ lâu trong mắt du khách, các chuyên gia ẩm thực và các phương tiện truyền thông quốc tế, nhưng đây là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được một tổ chức giải thưởng uy tín, tầm cỡ thế giới vinh danh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định: Với giải thưởng này, ẩm thực - một trong những thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam đã được minh chứng và công nhận trên toàn thế giới.
Có thể tự hào nói rằng không phải ngẫu nhiên mà bạn bè quốc tế đều khen ngợi các món ăn Việt Nam rất ngon, hấp dẫn. Những gian hàng ẩm thực Việt Nam trong những Festival quảng bá du lịch, văn hóa ẩm thực ở nước ngoài luôn thu hút đông đảo người bản xứ và quốc tế đến tìm hiểu và thưởng thức.
Trang du lịch của CNN cũng nhiều lần vinh danh ẩm thực Việt với những món ăn nổi tiếng và hấp dẫn khách quốc tế nhất, trong đó có vô số món ăn đường phố ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tờ The Guardian của Anh quốc đã bình chọn Hà Nội là một trong 20 địa điểm có tour ẩm thực tốt nhất thế giới. Nhiều kênh truyền hình và tạp chí ẩm thực thế giới đã làm các phóng sự về ẩm thực Việt Nam như Tạp chí Food and Wine, Kênh Truyền hình CNN, Kênh NAT GEO Adventure…
Ẩm thực là một nét tinh hoa đặc sắc trong văn hóa Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, ẩm thực Việt Nam được đông đảo du khách quốc tế, các chuyên gia ẩm thực đánh giá cao và luôn muốn tìm hiểu, khám phá. Phở, bánh mì, nem rán, bún chả, bánh cuốn, cà phê trứng, bún bò, bánh xèo… là những món ăn đặc sắc đã làm nên thương hiệu và mang ẩm thực Việt Nam đến gần hơn với thế giới.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, ẩm thực Việt thật sự có những điểm độc đáo, khác lạ. Người Việt ăn toàn diện, không chỉ ăn bằng miệng, nếm bằng lưỡi mà bằng ngũ quan. Đã ăn, mắt phải nhìn thấy màu sắc món ăn, cách trình bày đẹp, răng phải chạm vào món ăn, mũi phải ngửi được mùi vị hấp dẫn, lưỡi phải cảm nhận được, tai phải nghe được tiếng nhai thức ăn.
Ẩm thực Việt Nam vô cùng phong phú, rất mực tinh tế và mang đặc trưng của từng vùng miền. Những yếu tố về thiên nhiên với đường bờ biển kéo dài, hay sự đa dạng trong văn hóa của 54 dân tộc anh em là điều kiện thuận lợi mang đến cho ẩm thực Việt Nam những nguyên liệu dồi dào, tươi ngon cùng nhiều món ăn đặc sắc. Đặc biệt, ẩm thực Việt còn là sự kết hợp giữa nguyên liệu và gia vị một cách linh hoạt thuận theo nguyên lý “Âm dương - Ngũ hành” nhằm đạt đến vẻ đẹp hài hòa theo tiêu chuẩn mỹ học của người Việt, truyền tải trọn vẹn mọi sắc độ phong phú của hương vị tự nhiên, vừa cân bằng giá trị dinh dưỡng trong cơ thể. Không quá lời khi nói rằng: Ẩm thực Việt Nam hội đủ các yếu tố “chân, thiện, mỹ".
Những nguyên liệu thực phẩm có sẵn ở Việt Nam, qua bàn tay các đầu bếp Việt có thể trở thành những món ăn rất ngon, đặc sắc, vừa đẹp mắt, thơm ngon lại đầy đủ dưỡng chất, bằng mắt thường cũng có thể cảm nhận được. Bên cạnh sự phong phú đa dạng về món ăn, người Việt có cách thưởng thức cũng hết sức tinh tế, thể hiện rõ nét cốt cách văn hóa khi thưởng thức ẩm thực. Đây cũng là cái hồn tạo nên nét riêng, nét hấp dẫn đặc biệt của văn hóa ẩm thực Việt Nam...