Văn hóa - Nghệ thuật Những chú chim trong vườn
TTH - Tiếng lích chích tìm mồi của chim sâu, bầy chim sẻ lách cách nhặt từng hạt rơi, hạt vãi những thức ăn còn sót lại của đàn gà. Đôi vợ chồng chào mào lộn nhào nơi cành dâu trĩu quả. Cả buổi trưa của tôi và vọng vào những giấc mơ là tiếng chim chuyền cành gọi nhau, tiếng kêu lảnh lót của bình yên và đầm ấm.
Quê tôi ruộng nương nhiều, những trảng cát cũng um tùm bụi rậm, bởi thế tiếng chim gọi nhau, những cánh chim thoăn thoắt, lao vun vút đã vô cùng thân thuộc. Những buổi trưa trời oi ả, khi chó mèo tìm gốc cây trốn nắng, lũ chim cũng chẳng chịu nghỉ ngơi. Ríu ran nơi góc vườn với mãng cầu, cau, ổi chán chê, chúng lại lũ lượt mời gọi nhau nơi bụi tre cạnh cái ao bên hông nhà.
Ba tôi yêu tiếng chim chuyền cành lắm. Với ông, vườn có tốt thì chim mới ghé. Bởi thế mỗi năm hai dạo, ông mua từng xe tải phân rong, đẩy từng rùa phân vun vào gốc cau, gốc ổi. Cau tốt tươi thì mời gọi chim chột dột làm tổ. Tài tình làm sao khi chỉ cần cọng cỏ, cọng rơm, những “người thợ dệt” nhỏ bé ấy đã tạo riêng cho mình những mái nhà thật đặc biệt treo tòn ten trên tàu lá.
Ngoài chột dột, thi thoảng những đôi cu ngói, cu cườm cũng tạm trú trong những tàu cau. Không tài tình bằng loài chột dột nhanh nhảu, chim cu bày biện những chiếc tổ sơ sài, bởi thế chúng thường lựa những tàu cau lá chưa quá già, tính toán làm sao để chim non sẽ rời tổ trước khi tàu cau già rụng xuống.
Còn với chim sâu, chim sẻ, chỉ cần bụi chuối hơi um tùm, hay chiếc lá mãng cầu to to là chúng đã có thể xây một mái nhà riêng ấm áp. Thi thoảng tưới vườn, chị em tôi thường bắt gặp những ổ chim sâu bé tí ti. Úp trọn hai chiếc lá mãng cầu, những cái trứng bé xíu đong đưa trong ổ, bên dưới trứng là những cọng lông của chim bố mẹ, nhẹ tênh nhưng chứa chan vô vàn tình yêu thương.
Ba tôi thường nói gặp tổ chim đừng có động tay vào, không chỉ chim bố mẹ thay nhau ấp và gác trứng, chỉ cần “nghe” mùi lạ là chim sẽ bỏ tổ, trứng chim không được ấp sẽ hỏng ngay. Bởi thế khi thấy tổ chim, chị em tôi thường ngắm một chút rồi rời đi. Chỉ sau mươi ngày, bên trong chiếc lá đã nghe râm ran những tiếng chim con chiêm chiếp.
Nhưng không phải lũ chim con nào cũng gặp may mắn. Gắn bó với vườn từ những trưa trốn ngủ, chị em tôi đã hiểu được thế nào là sinh tồn, thế nào là khắc nghiệt. Có những tổ chim chưa kịp nở đã gặp phải rắn, có những tổ chim con mãi trông mà chẳng thấy chim bố mẹ về. Và có cả những lần khi bão to, từng cơn gió chướng càn qua khu vườn, lũ chim non hớt hải kêu gào khi chiếc tổ rơi khỏi cây, chao liệng xuống mặt đất.
Đã nhiều lần chị em tôi trở thành cha, thành mẹ của những chú chim ấy. Những chú chim chiếc mỏ còn viền màu vàng đặc trưng. Tiết kiệm từng chút tiền, chúng tôi mua bột cám chim, bắt châu chấu, cào cào, mớm mồi cho lũ chim còn bé xíu.
Người ta khuyên chúng tôi cắt cánh chim, họ bảo như thế lũ chim sẽ ở với chị em tôi suốt đời. Nhưng mạ tôi, với những lời khuyên mà mãi tận về sau chúng tôi mới hiểu, bà đã can ngăn dự định ấy. Chúng tôi nuôi lũ chim lớn dần, chờ một ngày đến khi cánh đã đủ lông, mỏ đã cứng cáp, những chú chim ấy lần lượt rời xa chị em tôi.
Thi thoảng khi đi học, em trai tôi chỉ vội cho tôi những chú chim sẻ, chim chột dột. Hướng mắt nhìn theo, tôi chẳng thể nào nhận ra đó có phải là những chú chim mình đã từng nuôi hay không. Nhưng với niềm tin và nụ cười nơi mắt em trai tôi, tôi tin rằng dù có đi đâu, lũ chim nhỏ ấy cũng sẽ tìm cho mình vùng trời bình yên và tự do mà chúng ao ước.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nhung-chu-chim-trong-vuon-a110840.html