Văn hóa - nghệ thuật phải 'soi đường cho quốc dân đi'
Thời nào cũng thế, văn nghệ sĩ luôn giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền văn hiến lâu đời của dân tộc ta. Thông qua hoạt động nghệ thuật, họ cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại mình, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp. Những tác phẩm của văn nghệ sĩ luôn có ảnh hưởng to lớn đến công chúng. Và chính vì sự ảnh hưởng to lớn ấy nên các thế lực thù địch càng ráo riết lợi dụng, lôi kéo họ tham gia vào các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
“Diễn biến hòa bình” và góc nhìn của văn nghệ sĩ
Quá trình phát triển đất nước hôm nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì những tác động trái chiều từ hội nhập, mở cửa cũng phát sinh tiêu cực và ngày càng phức tạp, khó lường. Và các thế lực thù địch luôn lợi dụng những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống cũng như sự nhạy cảm của nghệ sĩ để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, nhằm cản trở sự phát triển của đất nước ta. Chính trong những tình huống này càng đòi hỏi sự tinh tế, bản lĩnh của người nghệ sĩ để tự mình xác định đâu là hiện tượng, đâu là bản chất của đời sống xã hội, để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống. Qua đó gieo vào đời sống văn hóa những cảm xúc lành mạnh, tươi mới và thuyết phục.
Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ nào cũng có sức đề kháng, một “bộ lọc” tốt để thu, phát những tín hiệu tích cực, lành mạnh của đời sống xã hội hôm nay. Thường những điều tốt đẹp ngay bên mình thì ít ai để ý, nhưng những điều xấu xí, tiêu cực lại thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trước những biểu hiện xấu xí trong cuộc sống, một bộ phận nghệ sĩ thường sa vào cảm xúc tiêu cực. Khi ấy, tác phẩm của họ chỉ mang một màu đen tối, ám ảnh bởi cái xấu, cái tiêu cực ngự trị. Và khi ấy, họ sẽ rơi vào tầm ngắm của các thế lực phản động, sa vào bẫy “diễn biến hòa bình” mà không hay biết.
Có thể kể ra vô vàn những trường hợp như thế. Và nữ văn sĩ Dương Thu Hương - tác giả cuốn tiểu thuyết “Bên kia bờ ảo vọng”, từng gây nhiều tranh cãi vào thời kỳ “đêm trước đổi mới” của đất nước là một ví dụ điển hình. Trước những cái cũ kỹ, lạc hậu cần đổi thay và cái mới chưa lộ rõ hình hài, trong khi các văn sĩ khác vẫn chắt lọc, khơi nguồn cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thì Dương Thu Hương chỉ nhăm nhăm mổ xẻ, khoét sâu những cái xấu xí, hủ lậu. Khi định cư ở nước ngoài, bà ta tiếp tục viết những cuốn sách bôi nhọ thể chế chính trị của Việt Nam như “Tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen”, bôi nhọ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cuốn “Đỉnh cao chói lọi”… Theo chân Dương Thu Hương là những người có chút tài văn nhưng bị kẻ địch lợi dụng như Trần Đĩnh, Vũ Thư Hiên, Trần Mạnh Hảo, Hà Sỹ Phu… Những văn sĩ “trở cờ” này đã phát hành những cuốn sách và DVD, trong đó cắt xén, dàn dựng những tư liệu giả mạo, vu khống Đảng ta và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà văn Nguyên Ngọc từng viết nên những tác phẩm nổi tiếng một thời như: “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu”, “Đất Quảng”… đầy ắp hơi thở của cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc ta. Thế nhưng khi hòa bình, được sáng tác trong môi trường có nhiều thuận lợi thì Nguyên Ngọc và một số nhà văn có tư tưởng lệch lạc lại tuyên bố thành lập cái gọi là “Văn đoàn Độc lập”, quy tụ những văn sĩ bất mãn với thời cuộc.
Năm 2019, khi bão lũ gây hậu quả thảm khốc tại miền Trung, với tinh thần tương thân, tương ái của con dân đất Việt, từng đoàn xe cứu trợ nối nhau về với khúc ruột miền Trung. Thế nhưng khi “chộp” được trên mạng tấm hình đôi vợ chồng già người dân tộc thiểu số gầy gò, rách rưới trong căn bếp tối tăm, được ghi chú là ở Quảng Trị, một nhà văn nữ là đại diện khu vực của một tờ báo văn nghệ đã lên Facebook để “mắng mỏ” chính quyền là “thế kỷ 21 rồi mà vẫn để người dân khốn khổ thế này”. Chị ấy còn hô hào các nhà văn, nhà báo cả nước phải “làm một cái gì đó” trước thực trạng này(!?).
Văn nghệ sĩ - đối tượng lợi dụng của các thế lực thù địch
Từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và từ cái “tôi” quá lớn của một số văn nghệ sĩ, những năm gần đây ở nước ta xuất hiện các trào lưu đòi “giải thiêng” các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng. Có những nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cuộc đấu tranh chính nghĩa chống kẻ thù xâm lược của dân tộc ta với các cuộc nội chiến phi nghĩa mà một số văn nghệ sĩ đã lên tiếng trên các diễn đàn. Trong nước đã xuất hiện các hội, nhóm, câu lạc bộ thu nạp những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị câu kết thành cái gọi là những “công dân tự do” để sáng tác thơ, văn có tư tưởng phản động hoặc thiên về những điều tầm thường, phản văn hóa. Sáng tác của họ thường khắc họa hình tượng những con người bế tắc, bi quan, trống rỗng. Ở ngoài nước, những phần tử phản động phát hành một số bộ phim, sách, báo có nội dung bịa đặt, bôi đen lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, bôi nhọ lãnh tụ, chống phá Đảng và Nhà nước ta rồi phát tán trên các trang mạng xã hội và blog cá nhân. Đặc biệt, khi tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, một số văn nghệ sĩ đã nhìn nhận chủ trương giải quyết vấn đề của Đảng, Nhà nước ta theo khuynh hướng cực đoan, quá khích, có những hoạt động gây bất lợi cho Đảng, Nhà nước và tiếp tay cho hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Nghệ sĩ cống hiến cho xã hội không bằng của cải vật chất mà bằng các giá trị tinh thần thông qua tác phẩm nghệ thuật với sự kết tinh tài năng và nhân cách của mình. Vì lẽ này mà sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng vấn đề chủ thể trong sáng tạo nghệ thuật và luôn nhắc nhở các nghệ sĩ phải bồi dưỡng tư tưởng chính trị thường xuyên. Hiện thực cuộc sống là mạch nguồn cảm hứng sáng tạo, vừa là đối tượng sáng tạo của nghệ thuật. Khi xã hội vận hành theo cơ chế thị trường với những lệch lạc, tiêu cực phát sinh thì văn nghệ sĩ càng phải nỗ lực để tái hiện những giá trị chân - thiện - mỹ. Qua đó để xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, xây dựng nhân cách con người Việt Nam thủy chung, trong sáng, nghĩa tình. Có như thế, văn hóa nghệ thuật mới làm tròn sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi”.