Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Phía trước tay lái là sự sống

Lúc 15h30 trên đường Nguyễn Lương Bằng, một chiếc taxi màu trắng đang trên đà chạy của mình đã đâm phải một xe máy phía trước. Chiếc xe taxi mang biển số XX20X đang đứng giữa đường. Dưới gầm xe đang rỉ ra dòng nước, chảy tràn qua đường. Lố nhố người dừng xe đứng tụm lại bàn tán, chỉ trỏ, xuýt xoa, hỏi han đủ thứ. Cảnh sát giao thông tuýt còi giải tán đám đông để lưu thông xe cộ nhưng dường như bất lực. Đám đông có một sức mạnh thật khó lý giải. Trong chiếc taxi có một người đàn ông mặc chiếc áo màu mận chín, to béo, độ hơn ba mươi tuổi, đó là Phi. Anh còn chưa kịp hoàn hồn trước sự việc mình vừa gây ra. Nó nhanh đến mức Phi chẳng kịp phản ứng gì. Xe khựng lại. Một tiếng hét thất thanh vang lên. Những người đi đường lập tức xúm lại. Người ta bế nạn nhân đi cấp cứu. Rất nhanh. Tất nhiên việc cứu người phải khẩn cấp. Bệnh viện cách đó vài trăm mét, chỉ cần băng qua đường rẽ vào con ngõ nhỏ là đến. Phi muốn đẩy cửa xe bước ra nhưng chẳng hiểu sao vẫn ngồi bất động. Bên ngoài, người đi đường dừng lại ngày một đông. Anh còn chưa kịp nhìn rõ nạn nhân mà mình đâm phải là nam hay nữ. Họ sẽ không sao chứ? Họ sẽ chỉ bị thương nhẹ đúng không? Người thân đang đợi họ ở nhà, hệt như Phi vậy.

Hình ảnh đứa con gái chập chững ra đón bố về mỗi buổi chiều hiện lên trong tâm trí Phi. Con vui vẻ nhận từ tay bố chiếc kẹo mút hình con vật, rồi thơm lên má Phi một cái, miệng toàn mùi sữa. Con gọi “Bố ơi! Bố ơi” léo nhéo cả bữa cơm chiều như để bù lại cái khoảng thời gian suốt một ngày dài xa cách. Cả tối con cứ lẽo đẽo theo bố chơi hết trò này đến trò khác. Đến lúc mệt con cứ nằm gọn lỏn trong lòng Phi ngủ một giấc ngon lành mà không cần phải dỗ dành như những em bé khác. Ngay cả trong giấc mơ bé bỏng thi thoảng con vẫn gọi: bố ơi…

Lòng Phi đầy xáo trộn, mồ hôi túa ra, tay bắt đầu run lên bần bật. Mọi thứ diễn ra xung quanh cứ ù ù như trận bão. Phi không còn nhìn thấy đám đông ở ngoài kia. Phi chỉ còn thấy hình ảnh người vợ đầu tắt mặt tối với biết bao công việc không tên sau giờ làm việc tại một công ty bánh kẹo. Ngày xưa vợ Phi cũng xinh lắm, trắng hồng, tóc thì xoăn như búp bê. Anh mê nhất đôi mắt hiền lúc nào cũng ươn ướt như sắp khóc của vợ. Tưởng mỏng manh là thế nhưng vợ anh là người cứng cỏi lại nết na và thương yêu chồng con hết mực. Cô ấy vun vén cho chồng con mà chẳng mấy khi nghĩ đến bản thân. Anh nhớ đã rất lâu rồi vợ mình chưa mua quần áo mới, chứ đừng nói đến việc làm tóc, làm móng như những người phụ nữ khác. Cô ấy vẫn mặc bộ quần áo ở nhà từ mùa hè năm xưa mà sau vài ba lần con bé đổ sữa vào thì nó đã ố màu, cũ kỹ đến tội nghiệp. Anh cũng nhớ là mình đã hứa cuối tháng này lĩnh lương sẽ mua cho vợ một bộ quần áo tử tế để đi ăn cỗ bàn hoặc đi công việc còn có cái mà mặc. Người ta bảo “gái một con trông mòn con mắt” mà anh thấy từ khi có con vợ mệt mỏi và già đi rất nhiều...

Phi đã bắt đầu hoảng sợ. Tay anh run run quờ quạng xung quanh như đang tìm kiếm một cái gì đó gấp gắp lắm nhưng không rõ là cái gì. Phi chỉ thấy lẫn trong khoảng không khí chật hẹp ấy là hình ảnh mẹ mình. Người mẹ mà đã ba hay bốn tháng rồi anh vẫn chưa thu xếp về thăm được. Từ khi bố mất, mẹ ở một mình trong căn nhà lá rộng thênh thang quanh năm suốt tháng một màu u tối. Nhiều khi trở về, anh lần tìm mãi trong thứ bóng tối ấy cuối cùng thấy mẹ nằm co ro trong mảnh chiếu góc nhà. Những lúc mẹ ốm Phi có hỏi mẹ chỉ bảo “người già thì có lúc nào trong người khỏe, nhưng không sao. Mẹ vẫn còn sống dai lắm, sống đợi mày đẻ lấy thằng cu rồi mới nhắm mắt xuôi tay”. Bàn thờ bố Phi lúc nào cũng lạnh tanh lạnh ngắt, mẹ đã quá yếu không thể bắc ghế lên thắp hương thường xuyên được. Phi nhớ đã tự hứa với bản thân phải gắng làm ăn để tiết kiệm tiền về sửa lại nóc nhà cho mẹ. Sau bao nhiêu năm mối mọt, bây giờ căn nhà yếu lắm rồi, những ngày mưa tứ tung chỗ dột.

Nghĩ đến đây mắt Phi bắt đầu cay, một nỗi hoang mang trào lên, anh úp mặt vào hai bàn tay và bật khóc. Hình ảnh những người thân yêu cứ tan dần, tan dần. Tiếng còi xe vang lên buốt óc. Phi hoảng hoạn chỉ muốn đẩy bung cửa vùng chạy khỏi nơi này. Phi co mình lại và thấy sợ mọi thứ xung quanh. Anh sợ chính đôi bàn tay mình đã cầm vô lăng lái xe đâm vào người khác. Phi hực lên một tiếng rồi úp mặt xuống hai đầu gối. Đó là tư thế của một kẻ tội đồ.

Trong đầu Phi bỗng lóe lên một suy nghĩ: “người ấy sẽ không chết”. Phi cầu mong là như vậy, nếu người ấy chết anh sẽ phải ngồi tù, sẽ phải bồi thường, sẽ mất việc. Chao ôi! Chân tay Phi càng run lên cầm cập. Phi ngồi tù ai sẽ kiếm tiền trang trải gia đình? Tiền lương công nhân ba cọc ba đồng của vợ không đủ mua sữa cho con mỗi tháng, chưa nói gì trăm thứ cứ động đến là tiền. Nếu phải đền tiền, vợ con Phi biết phải xoay xở thế nào? Vợ chồng trẻ lấy nhau với hai bàn tay trắng, sinh con ra đủ thứ phải chi tiêu. Lương tháng nào cũng thiếu trước hụt sau, tiền sữa, bỉm, con ốm con đau như một vòng luẩn quẩn. Gia đình hai bên đều nghèo, có muốn cũng chẳng giúp được Phi. Kể có vay được đâu đó thì khi Phi đi tù thì ai làm trả nợ? Mà nếu nạn nhân chết Phi sẽ bị ám ảnh suốt đời. Người thân của nạn nhân sẽ oán hận Phi vì đã tước đi mạng sống của một người vô cùng quan trọng trong cuộc đời của họ. Phi có thể đền tiền, đền tội. Nhưng làm sao đền được một con người bằng xương bằng thịt. Một người con cho bố mẹ già, một người vợ hoặc chồng, một người cha hoặc mẹ cho những đứa trẻ tội nghiệp bơ vơ…

Người đến xem đã mỗi lúc một đông, Phi ngột ngạt chỉ ước gì được nhìn thấy vợ con lúc này. Vợ anh sẽ không khóc đâu, thậm chí còn đứng ra che chắn cho anh trước đám đông đang tức giận kia. Con gái sẽ sà vào lòng anh với nụ hôn bé bỏng. Như thế Phi sẽ bớt sợ hơn. Nhưng không thể vì vợ con Phi ở rất xa, cách nơi này ít nhất là mười cây số. Phi biết giờ này vợ mình vẫn đang làm việc ở công xưởng và trong đầu bận suy tính thời gian làm sao kịp đón con, kịp đi chợ và nấu chín cơm đợi chồng về. Chiều nay Phi đã chạy xe rất nhanh? Có phải thế không nhỉ? Phi chỉ nhớ có một khách hàng đã gọi điện giục anh nhanh đến đón để kịp dự một cuộc họp quan trọng nào đó. Phi rùng mình, anh đang thấy thời gian trôi đi thật chậm.

Tay Phi quờ vào khoảng không tìm một thứ gì đó. Phi không biết nhưng vẫn quờ vào khoảng không gian chật hẹp đó. Chiếc điện thoại đặt trước mặt vừa rơi xuống sàn xe, anh luống cuống. Phi thấy tiếng rì rầm phía bên ngoài to hơn, lại chỉ chỉ trỏ trỏ. Phi cúi xuống quờ tìm chiếc điện thoại. Có một tin nhắn mới. Nước mắt Phi rớt xuống, một dòng chữ hiện lên: “Anh lái xe cẩn thận nhé”. Phải rồi! Có lẽ đã 4h30 rồi, giờ này vợ Phi đã tan ca và đang trên đường đi đón con. Hôm nào vợ cũng nhắn dặn Phi lái xe cẩn thận như bắt đầu mỗi cuộc đi xa. Phi muốn bấm những con số quen thuộc 097988…Nhưng tay anh tê cứng. Phi sợ phải nói với vợ mình một câu gì đó, nên thả người xuống ghế. Nhắm mắt.

Tất cả chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đủ để cảnh sát giao thông đến làm việc, đám đông giãn dần ra. Vậy mà Phi thấy từng giây, từng phút trôi qua một cách nặng nề. Anh bước xuống xe, bủn rủn nhìn vết máu nạn nhân còn để lại trên đường. Vài mảnh vụn của xe máy nạn nhân văng vương vãi. Ai đó trách: “Đâm vào người ta mà không xuống xem họ thế nào?”. Phi chỉ biết cúi đầu. Làm sao nói với đám đông về nỗi sợ hãi đã ghì chặt lấy chân anh.

* * *

Sự việc xảy ra đã lâu nhưng vẫn còn ám ảnh Phi như vừa mới xảy ra. May mắn là nạn nhân hôm đó chỉ bị thương phần mềm, không ảnh hưởng đến tính mạng. Phi phải đền một khoản tiền nhiều hơn cả tháng lương. Tháng ấy đĩa thịt trên mâm cơm vơi đi, sữa của con ít hơn một chút. Anh không thể mua tặng vợ chiếc váy mới như dự tính. Mọi khoản chi bắt buộc phải eo hẹp. Nhưng mỗi ngày bình an trở về nhà được nhìn vợ con vui vẻ là anh thấy may mắn lắm rồi. Nói dại, nếu chẳng may hôm ấy người phụ nữ bị anh đâm xe bị thương nặng không thể qua khỏi thì hoàn cảnh sẽ rất thương tâm. Có người cha người mẹ mất con. Có những đứa trẻ phải mồ côi mẹ. Có người chồng chiều đó đi làm trở về không được gặp vợ mình. Chỉ nghĩ đến đó thôi là tim Phi thắt lại. Đã mấy lần vì ám ảnh mà Phi định bỏ nghề lái taxi. Nhưng suy cho cùng nghề nghiệp là cái duyên, muốn bỏ mà hoàn cảnh đưa đẩy Phi lại cầm tay lái. Nhưng từ vụ tai nạn ấy Phi không bao giờ dám phóng nhanh vượt ẩu. Phi thấm thía hơn bao giờ hết câu nói: “Phía trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”. Còn phía sau tay lái là gì? Là lương tâm của một con người. Là tối nay có người vợ nấu cơm canh nóng hổi chờ mình ở nhà. Là đứa con gái bé nhỏ đã tắm giặt thơm tho chỉ cần thấy tiếng xe dừng ở cổng sẽ ùa ra sà vào lòng bố.

BÙI MAI

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/phia-truoc-tay-lai-la-su-song-a103551.html