Văn hóa - Nghệ thuật Tác giả - Tác phẩm Phố lắm người

'Mừng mồi mới!', theo lời chàng kính trắng, ba cái li 'cạch' vào nhau rồi ừng ực, vơi dần. Ngay sau đó là chuyện về lão D 'khôn như ma xó' nào đó.

Quán quay ra sông, đẹp từ lối vào với thảm đỏ rực rỡ cùng những chậu hoa đứng chầu hai bên đến những bức thư pháp trên tường luôn hút ánh nhìn của khách. Trong góc quán, có “ba cây” đang chụm lại bên những đĩa mồi đã vơi non nửa và nồi lẩu vừa được bê ra. Đống vỏ lon bia ngổn ngang dưới gầm bàn ngầm cho biết “cuộc chiến” này “khai hỏa” đã lâu. Tương phản với thức ngon trên bàn là nền nhà bên dưới bừa phứa đầu tôm xương cá lẫn trong giấy thải ướt nhòe nhoẹt đang phả mùi bãi rác. Họ - một chàng mang kính trắng, tiếp đến là chàng có nốt ruồi dưới cằm với mấy sợi râu dài nhằng xoăn tít và chàng thứ ba, không hiểu vì chốc ghẻ hay nỗi niềm chi mà đầu cạo trọc lóc như quả bưởi năm roi. Nghe chuyện, biết họ làm cùng công ty, đang thả hồn trong “chương trình gặp nhau cuối tuần”.

Hình như mồi nhậu không chỉ có trong đĩa mà còn phát ra từ chính… miệng họ. Ấy là những câu chuyện đầu Ngô mình Sở đang được kết nối bằng giọng háo hức. Cốt chuyện u ám nhưng họ có vẻ phấn khích với những đôi tai dỏng lên, những cái miệng há ra nuốt từng lời và sẵn sàng “hòa âm phối khí”. Mỗi khi câu chuyện chấm hết, ba li bia lại giơ cao, dốc ngược. Chính thứ mồi vô hình kia đã làm tăng “đầu vào” của ba “pháo thủ”.

“Mừng mồi mới!”, theo lời chàng kính trắng, ba cái li “cạch” vào nhau rồi ừng ực, vơi dần. Ngay sau đó là chuyện về lão D “khôn như ma xó” nào đó. Theo các chàng, ngày ấy lão này nghèo xơ xác nhưng “tay không bắt giặc” nên bỗng chốc thành địa chủ thời mở cửa. Nhưng sao lão ngửi thấy mùi tiền từ những ao bèo ở ven đô thính thế!? Chẳng thế mà lão cười khẩy khi bị những kẻ thiển cận cho là ngu rồi vung tiền tậu những đầm lầy đang là nơi trú ngụ của ếch nhái. Khi thành phố chỉnh trang, đường mở ra, lập tức tiền ùn ùn đổ vào túi lão nhiều như quân Nguyên. Nhưng lão chỉ mạnh về tiền, còn “khoản kia” ỉu xìu, chẳng làm ăn gì được. Thế mới chán mớ đời!

Chuyện đến hồi cao trào, giọng ba chàng đột nhiên sôi nổi hẳn. Thêm một lượt “trăm phần trăm” rồi chàng đầu trọc thủng thẳng kể tiếp chuyện về “lão khôn như ma xó”. Giọng chàng nhẩn nha, dường như muốn kéo dài phút giây nhấm nháp bi kịch của gia đình người khác. Rằng, lão kia cứ chũi mũi vào kiếm tiền, chẳng lo cải thiện khí thế đàn ông đang tụt dốc và rồi bị vợ “cắm sừng” mà chẳng hay. Đau quá! Sao lão kém cảnh giác với “nữ quản giáo tại gia” đang phây phây của mình thế nhỉ!? Khôn trên thương trường nhưng dại chuyện chiếu giường, quả là vô cùng chối tỷ! Đấy, giàu chắc chi đã sướng!... Mỗi chàng kết thúc chuyện bằng những câu đầy dấu chấm than như thế.

“Mời ba cậu mua giúp mấy cặp vé”. Cả ba chững lại, dồn mắt nhìn bà cụ đội chiếc nón cời, một tay chống gậy, tay kia chìa ra xấp vé số. Sau lời mời, bà cụ đứng chờ lòng trắc ẩn với nụ cười chiều khách héo hắt trên môi. Bà cụ già đến độ thật ít gặp người như thế đi một mình ngoài phố. Đáp lại lời tha thiết như khẩn cầu của bậc cao niên, chàng kính trắng phẩy tay, nhăn mặt: “Quấy nhiễu, mất cả ngon!”. Chàng đầu trọc cao giọng, dứt khoát: “Trần văn biến! Đi, bà già! Số bọn này đen như than, trúng triếc gì mà mua!”. Bà cụ đứng sững nhìn ba chàng không chớp mắt rồi nhúc nhắc, lần bước tới chiếc ghế trống ở bàn bên.

“Chiến đấu tiếp!” - chàng có nốt ruồi dưới cằm nâng li và lập tức nhận được sự cộng hưởng. Mật độ “trăm phần trăm” thưa dần nhưng chuyện càng lúc càng rôm rả. Và mồi nhậu tinh thần lúc này là chuyện lên voi xuống chó của một “chiến hữu” nào đó. Dưới mắt các chàng, anh này tài đức vẹn toàn, được việc nhưng không tinh tướng, sau khuôn mặt lạnh là trái tim biết thổn thức với người. Phải tội, anh ta ngu ngơ quá. Ai đời, được cấp trên đưa vào nguồn cán bộ lãnh đạo mà anh ta dửng dưng như không. Khi hóng hớt được tin vui kia, thay vì “chạy tiếp sức” để nó chóng thành hiện thực thì anh ta lại theo lối “muôn năm cũ” là lao vào công việc. Cả khi bị những kẻ ganh ghét bắn lén, vẫn không hay, mặt cứ ngơ ngác, trông thật tội nghiệp. Cái chết của “con thiên nga” lại ngay thềm “chánh quả” nên càng thê thảm bội phần. Số là trước khi anh ta được bổ nhiệm thì có tin đồn loan ra, rằng lý lịch gia đình vợ anh ta có vết đen. Chuyện ba bốn chục năm trước bị xới tung lên, thế là đứt… Chàng kính trắng dang hai tay, giọng ngân nga như đang đứng trên sân khấu: “Hôm qua, được đưa vào nguồn/Hôm nay, nguồn đã bị tuôn ra ngoài”. Chàng đầu trọc vỗ đùi, cao giọng: “Hay, thưởng ngay!”. Kẻ bỏ đá, người rót bia nhưng các chàng chưa kịp nâng li đã khựng lại.

“Các cậu kể chuyện buồn của người khác mà vui vẻ nhỉ!?” - tiếng bà cụ bán vé số từ bàn bên vọng sang. Chữ “nhỉ” của bà kéo dài, thấm đẫm xót xa. Ba chàng chưng hửng, nhìn theo bà cụ đang khó nhọc bước ra cửa, đi về phía bãi giữ xe trước quán.

Xe tông chết người! Tin lạnh xương sống ấy bay vào quán như cơn lốc dữ. Người ta dáo dác hỏi nhau rồi buông những lời xuýt xoa, não lòng. Nhiều người bỏ đũa, rời ly, nhướng cổ nhìn về phía ngã tư gần đó, nơi khách qua đường đang xúm lại. Đám đông dạt ra khi xe cảnh sát, xe cấp cứu 115 thảng thốt hú còi, lao tới. Cả khi đã tan đám đông và đường đã thông nhưng không khí trong quán bỗng trầm hẳn. Thì vẫn ăn uống nhưng không còn những tiếng “dzô dzô” và nói cười thả cửa. Riêng ba chàng ngồi trong góc vẫn vô tư “làm việc” và “nổ banh xác”; mặc những ánh mắt “hình viên đạn” đang dồn về phía họ. Tin người chết ngoài kia dường như chẳng đáng để họ quan tâm, chẳng làm ảnh hưởng đến năng suất của ba cái miệng chăm chỉ.

“Con ranh này, mày mù hả?!” Người trong quán giật mình nghe giọng chàng kính trắng rít lên như tiếng kim khí cọ nhau. Chàng trừng mắt, ghim cái nhìn nảy lửa vào cô nhân viên phục vụ đang co rúm, tái mét như gà con gặp quạ. Chuyện là cô nhân viên thu dọn bàn, khi bê cái đĩa đã sơ ý để giọt nước trong thức ăn thừa dây vào áo “thượng đế”. Cô rối rít xin lỗi, rối rít lấy khăn thơm lau vết bẩn do mình gây ra nhưng vẫn chưa đủ đô làm ông khách hạ nhiệt. Anh ta vung tay, miệng liên tục phun những từ mà nếu ghi lại thì phải viết tắt để người đọc có tự trọng khỏi đỏ mặt. “Xin lỗi nè!” - dường như chưa hả, anh ta giằng cái đĩa trên tay cô nhân viên ném vèo ra đường trước những ánh mắt sững sờ.

Hết nhìn ba “dị nhân”, thực khách quay ra nhìn đám mảnh vỡ của chiếc đĩa đang chĩa mũi nhọn trên đường. Người rụt cổ, kẻ quay mặt hướng khác, bởi không muốn đối diện tai họa đang được báo trước. Quán lắng lại trong chờ đợi, phập phồng. Bỗng ai đó reo lên khe khẽ khi thấy bà cụ bán vé số chầm chậm bước ra giữa đường. Bà cụ giơ tay huơ huơ vào khoảng không báo hiệu nguy hiểm cho dòng người xuôi ngược. Những chiếc xe đột ngột giảm tốc độ, lách xa đám mảnh thủy tinh - cái bẫy được sinh ra từ sự vô cảm. Bà cụ ngồi xuống nhặt từng mảnh vỡ, cả những mảnh li ti bỏ vào bịch ni lông rồi nhúc nhắc đi tới thùng rác công cộng đặt gần đó. Rất nhiều ánh mắt nhìn theo dáng lọm khọm của bà cụ đang hòa vào dòng người trên phố.

Những tiếng nói cười trở lại trong quán, riêng ba chàng ngồi trong góc đột ngột im re. Cũng đột ngột như thế, các chàng đứng lên thanh toán tiền rồi vọt lên xe, biến mất.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/pho-lam-nguoi-a73953.html