Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn 'Hoàng đế chi bảo'
UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị đồng ý chủ trương cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn 'Hoàng đế chi bảo'. Đây là chiếc ấn được hãng đấu giá Millon ở Pháp cho ra đấu giá công khai trên trang web của hãng và nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu, sưu tập cổ vật.
Ấn “Hoàng đế chi bảo” được hãng đấu giá Millon rao đấu giá khiến giới nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Việt Nam rất quan tâm
Huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế để hồi hương
Sáng 7/11, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo văn bản, UBND tỉnh đề nghị cho phép xã hội hóa để hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo” theo hai phương thức.
Phương thức thứ nhất, huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ bảo tồn di sản Huế và sử dụng nguồn lực từ quỹ này để thương lượng với hãng đấu giá Millon nhằm kịp thời mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng.
Phương thức hai, vận động mạnh thường quân là tổ chức, cá nhân yêu quý di sản thương lượng, mua lại ấn “Hoàng đế chi bảo” để đưa về nước, góp phần bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Quốc gia.
Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao phối hợp, hỗ trợ tỉnh và các tổ chức, cá nhân thương lượng với nhà đấu giá Millon mua lại ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” để đưa về nước.
Theo ông Hải, trong điều kiện hiện nay, việc bố trí ngân sách Nhà nước để mua lại ấn Hoàng Đế Chi Bảo là việc khó khả thi, trong khi Quỹ bảo tồn di sản Huế vừa được Chính phủ cho phép thành lập có cơ chế hoạt động linh hoạt, có hiệu quả rất cao trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công cuộc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế.
Quỹ bảo tồn di sản Huế là một trong những quỹ vừa được Chính phủ có nghị định thành lập vào tháng 10 vừa rồi. Quỹ này có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ…
Liên quan đến việc hãng đấu giá Millon ở Pháp rao đấu giá ấn “Hoàng đế chi bảo” diễn ra vào ngày 31/10 theo giờ Paris, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng gửi thư đến Bộ trưởng Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp Rima Abdul Malak (ngày 28/10/2022) và thư của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc gửi Tổng Giám đốc UNESCO (ngày 28/10/2022) với nội dung đề nghị Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp và Tổng Giám đốc UNESCO can thiệp để hãng đấu giá Millon đưa chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục đấu giá cổ vật và tạo điều kiện để phía Việt Nam thương lượng và hồi hương ấn “Hoàng đế chi bảo”.
Sau đó, hãng đấu giá Millon đã quyết định hoãn đấu giá và dự tính sẽ dời đến 10/11. Chiếc ấn này được hãng đấu giá đưa ra giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu Euro (khoảng 49-73 tỷ đồng).
Cổ vật mang những giá trị đặc biệt
Theo thông tin mà hãng đấu giá từng công bố, quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; trán rồng có khắc chữ 王 (vương: vua), vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng.
Mặt trên của ấn, ở hai bên quai ấn, có khắc chìm hai dòng chữ 明命肆年貳月初肆日吉時 鑄造 (tạm dịch Minh Mạng tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo: tức là đúc vào giờ tốt ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4) và 拾成黃金重貳佰捌拾兩玖錢貳分 (tạm dịch Thập thành hoàng kim trọng nhị bách thập lạng cửu tiền nhị phân: làm bằng vàng, nặng 280 lạng 9 chỉ 2 phân).
Mặt dưới của ấn khắc nổi bốn chữ triện 皇帝之寶 (tạm dịch Hoàng đế chi bảo: báu vật của hoàng đế).
Ấn “Hoàng đế chi bảo” do vua Minh Mạng đúc năm 1823 bằng vàng mười tuổi, nặng 10,78kg với chức năng đặc biệt quan trọng gắn liền với các hoạt động công quyền, chính sự của triều Nguyễn (vào các dịp khánh tiết, ban ân, xá tội, đi tuần thú các địa phương, ban sắc thư cho nước ngoài…).
Ông Phan Thanh Hải cho hay, đây không chỉ là chiếc ấn vàng lớn nhất, đẹp nhất của triều Nguyễn mà còn là một cổ vật mang những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử của Việt Nam trong giai đoạn cận – hiện đại.
Đặc biệt là với Thừa Thiên Huế - Kinh đô của triều Nguyễn, cũng là nơi đã xảy ra sự kiện ngày 30/8/1945, vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là vua Bảo Đại trao lại ấn kiếm cho đại diện của Chính quyền cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ phong kiến Việt Nam. Do những sự cố không mong muốn, bộ ấn kiếm trên đã rơi vào tay thực dân Pháp, và ngày 8/3/1952, phía Pháp đã trao lại cho “Quốc trưởng” Bảo Đại và sau đó được đưa qua Paris. “Vì vậy, rất cần thiết phải huy động mọi nguồn lực có thể để thương lượng, mua lại và hồi hương chiếc ấn vàng đặc biệt này”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm hiện tại, trang thông tin về ấn “Hoàng đế chi bảo” của hãng đấu giá không còn xuất hiện thông tin về chiếc ấn cũng như giá khởi điểm, thời gian diễn ra cuộc đấu giá.