Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Lỗi không tại nén nhang
Tôi nghe chuyện mà nhớ tới mẹ. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Đã nhiều năm nay, nhà có thể hết gạo (đã có con cái lo) nhưng không bao giờ mẹ để…
Rộ lên gần đây là chuyện đòi bỏ thắp nhang và duyên cớ được nêu lên là ở tại nhiều địa chỉ tâm linh, đặc biệt là phía Bắc, hiện tượng thắp nhang tràn lan khiến không gian không trong lành, thậm chí khiến cho các buổi lễ không còn trang trọng. Người ta cũng viện dẫn việc đốt nhang sẽ phát ra khói độc gây ô nhiễm không khí, gây nên bệnh đường thở và các vấn đề sức khỏe. Và, khi mà những tác hại do việc nhang khói quá đà gây nên là điều đã được cảnh báo và khẳng định thì cũng đã có không ít ý kiến cho rằng, thay vì đốt nhang gây ô nhiễm, có thể dùng nhang điện thay thế. Hay, thay vì thắp nhang khói thì thắp tâm nhang, tay chắp lên, mặt hướng về đức Phật, ông bà, các vị có công dâng tấm hương lòng. Khi đó, không gian thờ cũng sạch sẽ hơn, không còn khói bụi và những nguy cơ độc hại.
Quy trình làm nhang cũng lắm công phu. Ảnh minh họa: MQ
Tôi nghe chuyện mà nhớ tới mẹ. Mẹ tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Đã nhiều năm nay, nhà có thể hết gạo (đã có con cái lo) nhưng không bao giờ mẹ để… hết nhang. Mẹ luôn đặt mua và hàng tháng đã có người đều đặn “bỏ” nhang cho mẹ. Rằm hay mồng một là chuyện bình thường, gặp chuyện vui buồn đã đành, đáng nói là hằng ngày mẹ tôi vẫn đều đặn thắp nhang, như một thói quen, một đức tin. Vài hôm về thăm mẹ, tôi cũng vậy, bao giờ cũng không quên thắp một nén nhang lên bàn thờ cho ba, như thay cho một lời chào gửi tới người đã khuất.
Ở Huế lưu truyền, rằng Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) nằm mộng thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ bảo, chúa hãy thắp một nén nhang và đi dọc theo bờ sông từ đồi Hà Khê xuôi về hạ lưu, đến chỗ nào nhang tàn thì dừng lại mà đóng đô. Cơ nghiệp sẽ vững muôn đời. Tỉnh dậy, cho là điềm lạ, Chúa bèn làm như lời bà lão. Khi đi đến đoạn nay là Kinh thành Huế thì nén nhang trên tay vừa tàn. Chúa thấy nơi đây thế địa linh nhân kiệt, phong thủy rất đẹp, đã quyết định chọn đóng đô. Để tỏ lòng cảm tạ thần linh, Chúa đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê và đặt tên cho con sông này là “sông Hương”. Đó cũng là cách người Huế lý giải, vì sao thắp nhang trở thể thành tục lệ, nét đẹp văn hóa và sự tồn tại của những làng làm hương nổi tiếng ở đất Thần kinh như một đặc sản văn hóa.
Thắp nhang khởi nguyên từ Ấn Độ. Khi hành lễ cúng bái, người Ấn dùng các loại gỗ có hương thơm rồi xông như xông trầm cùng một số loại lễ vật khác. Sang Trung Quốc, kiểu ấy dần được cải biến thành cây nhang (hương) để thắp. Từ rất lâu đời, người Việt đã coi nhang là một lễ vật vô cùng quan trọng. Thắp một nén nhang trên bàn thờ tổ tiên từ lâu trở thành một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong suy nghĩ của người Việt, nhất là trong các dịp giỗ chạp, lễ Tết, hay khi viếng mộ người đã khuất không ai mà không mang theo nén nhang để thể hiện lòng thành kính với người đã khuất. Việc làm này như “chiếc cầu nối” vô hình mà thiêng liêng, gắn chặt những tâm hồn hiện hữu với cõi tâm linh của đất trời.
Khi mà việc thắp nhang là một nét văn hóa truyền thống, những ước vọng tốt đẹp đều được người Việt gửi đến thế giới của tổ tiên, thánh thần thông qua sự liên kết của làn hương khói, thì đó là một nghi lễ cần được tôn trọng. Còn những gì ồn ào như đã xảy ra, lỗi không tại nén nhang!
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/loi-khong-tai-nen-nhang-a79407.html