Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa Tà áo dài đầu tiên của tôi
Hôm ấy là buổi đầu tiên của những ngày tháng học sinh cấp 3 của tôi. Suốt cả buổi chiều, tôi xoay qua xoay lại trước gương để ngắm một con bé lạ lẫm, thướt tha trong tà áo dài.
"Con bé đã trở thành thiếu nữ rồi phải không anh?"
Mẹ tôi khẽ buông lời. Ba không nói gì, chỉ hướng đôi mắt xa xăm ra ngoài sân. Rồi ông đứng dậy, vụng về với tay lấy chiếc bơm xe. “Để ba coi lốp xe có xìu không? Trường xa mà xẹp lốp là mệt lắm!”
Tôi biết, ba đang xúc động lắm. Cứ mỗi khi nhiều cảm xúc, ông lại vụng về làm một cái gì đó.
Mẹ bước vào vờ như mọi chuyện thật bình thường "Con mặc áo có vướng víu gì không, cái tà hơi dài, con đi đứng cẩn thận cả vấp ngã nhé! Còn nữa, đạp thì phải cất gọn tà lại cả bị vô tăm xe, màu trắng dễ bẩn nên phải ý tứ nghe con!..."
Mẹ dặn tôi đủ thứ, chỉ xoay chung quanh việc mặc áo dài. Đi, đứng như thế nào? Tay ôm cặp ra sao? Cách đứng lên, ngồi xuống sao cho nhẹ nhàng… Sau này làm mẹ rồi tôi mới biết có lẽ đằng sau những câu dặn dò chi li đó là một niềm yêu thương vô bờ bến, cùng mớ cảm xúc lẫn lộn giữa buồn và vui, lo sợ và tự hào. Ba biết tôi thường không thích dong dài như thế nên nói theo vào "Con gái lớn rồi, con tự khắc sẽ biết, mà em dặn một lần rồi thôi, không con lại thấy áp lực...".
Lần đầu tiên làm việc gì trong đời cũng có những ý nghĩa nhất định. Lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo dài, với người khác có thể là chuyện không đáng kể nhưng với tôi là ngại ngùng, lạ lẫm và hoang mang. Lần đầu tiên tôi mặc một chiếc áo ôm sát vào người, khoe cả đường dáng của cô gái mới lớn. Chiếc áo dài của Việt Nam thật kỳ diệu. Một đứa con gái bình thường như tôi, chiều cao khiêm tốn mà khi mặc chiếc áo dài lại cứ như trở thành người khác. Chiếc cổ như thon dài hơn, bờ vai nhỏ nhắn, vòng eo thon gọn như tôn lên nét dịu dàng vốn có của người con gái Huế. Bỗng dưng tôi thấy mình khác lạ lùng. Chỉ vừa trước đó thôi, tôi còn mặc những chiếc áo thun lụng thụng, mang quần ngố chạy khắp nhà, tìm mấy đứa bạn trong xóm đi bắt ve, chơi trốn tìm, đồ hàng, banh xỉu...
Thế mà buổi sáng hôm ấy, con bé ham chơi đã như lột xác, chỉ còn lại đây cô thiếu nữ dịu dàng khoát lên mình chiếc áo dài trắng nữ sinh. Giữa khung trời trong veo, tiếng ve sầu thôi râm ran, màu phượng vỹ cũng nhường phần rực rỡ. Tôi tự hỏi mình đã lớn rồi sao? Tôi có còn được chạy nhảy và nhí nhố nữa không? Hay tất cả đã trở về miền ký ức, màu thời gian đang nhòe dần ...
Bấy giờ cô thiếu nữ ấy sẽ ngày ngày mặc chiếc áo dài trắng, e thẹn với chính mình và những người xung quanh vì một bộ dạng rất khác. Mẹ tôi tuy ít chữ nghĩa nhưng những lời mẹ dạy rất thâm sâu, tôi luôn khắc ghi trong tâm khảm mình. “Với người con gái, đặc biệt là con gái Huế khi mặc lên người chiếc áo dài, con phải biết giữ gìn ý tứ. Không ai mặc áo dài trong tình trạng bị nhăn nhúm, hay ăn to nói lớn. Áo dài là quốc phục của người phụ nữ Việt Nam, tuy nhiên với người Huế, áo dài còn mang những ý nghĩa linh thiêng riêng có. Nó chính là quốc hồn quốc túy. Bởi thế mặc áo dài không đơn giản như những trang phục khác mà đó như là một “nghi thức” cần được trân quý.
Tà áo dài tôi mặc tuy mới may, nhưng cũng đã hơi ngả vàng. Đó là bởi xấp vải đó mẹ được một người quen tặng từ lâu. Mẹ để dành nó cho tới ngày tôi khôn lớn. Cái màu thân thương gói ghém cả tình yêu người mẹ trong những tháng ngày khốn khó.
Càng lớn lên tôi càng thấu hiểu giá trị của cái màu ố vàng ấy. Bao nhiêu vết ố vàng là bấy nhiêu chắt chiu tình yêu thương và cả những giọt nước mắt mẹ ngóng chờ con gái trưởng thành và lớn khôn. Chiếc áo ấy bây giờ tôi vẫn cất giữ như báu vật. Mỗi khi cuộc sống có những sóng gió hay ưu phiền giăng mắc, tôi thường đem áo ra phơi nắng và hong khô luôn những cảm xúc lắm khi ẩm ương của mình. Trong khoảng khắc tôi như chạm vào thời thanh xuân rực rỡ. Bỗng nhưng thấy mình lại vụng dại, trong sáng, trở về miền an yên trong chiếc áo dài tinh khôi.
Bất giác tôi khẽ mỉm cười tưởng tượng mình sẽ như thế nào vào thời khắc con gái tôi lần đầu tiên mặc áo dài nữ sinh như tôi ngày ấy!
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ta-ao-dai-dau-tien-cua-toi-a114684.html