Văn hóa - Nghệ thuật Thông tin văn hóa 'Tinh tế đúng chất cung đình'
Tập trung các hoạt động dịch vụ ở mỗi điểm tham quan, giảm số điểm dịch vụ trong Đại Nội và chỉ đưa những sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao lên kệ hàng quà lưu niệm… là những định hướng sẽ được thực hiện tại Quần thể di tích Cố đô Huế.
Trong các kinh đô cổ của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc cung đình với hệ thống lăng tẩm, đền đài. Điều đó cũng có nghĩa là, chỉ khi đến với Cố đô Huế, du khách mới có cơ hội tham quan, thưởng lãm và trải nghiệm những dịch vụ đúng chất cung đình của Việt Nam, cụ thể là đúng chất cung đình nhà Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của đất nước Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 40 năm nỗ lực phục hưng, Quần thể di tích Cố đô Huế được xác định đã ở giai đoạn bền vững, nhưng những hoạt động dịch vụ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của khu di sản. Sự chưa tương xứng thể hiện ở chỗ có quá ít loại hình dịch vụ du lịch được đầu tư bài bản, chất lượng. Sản phẩm lưu niệm nghèo nàn, thiếu bản sắc Huế; thiếu các hoạt động dịch vụ đặc trưng vào buổi tối và cả những hoạt động gợi nhớ cuộc sống chốn thâm cung xưa.
Các điểm di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế có thu vé tham quan đều có hoạt động dịch vụ để phục vụ du khách dừng chân nghỉ ngơi và mua sắm. Riêng Đại Nội có gần 10 điểm được tổ chức khai thác dịch vụ. Các hoạt động dịch vụ chủ yếu phục vụ cà phê, giải khát, hàng lưu niệm thủ công, chụp ảnh, mặc trang phục xưa, trà rượu cung đình, tổ chức tiệc và xem biểu diễn nghệ thuật cung đình. Khác với các điểm văn hóa thiên về vui chơi giải trí, Quần thể di tích Cố đô Huế hệ thống di tích kiến trúc lịch sử, văn hóa, là những không gian đặc biệt. Việc sắp xếp các hoạt động dịch vụ ở không gian này cũng được tính toán để hạn chế tối thiểu sự tác động lên di tích và giữ được sự sâu lắng, nhẹ nhàng để du khách cảm nhận chiều sâu của giá trị văn hóa phi vật thể.
Theo ông Mai Xuân Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện nay, mỗi năm khu di sản Huế đón khoảng 3,5-4 triệu lượt khách tham quan. Tuy nhiên, do không gian rộng, lại có nhiều điểm đón khách nên khu di sản Huế chưa bị áp lực quá tải vì du khách và chưa cần phải có sự điều tiết cần thiết. Nhiệm vụ quan trọng của đơn vị là nâng cao hiệu quả khai thác dịch vụ theo hướng tổ chức các sản phẩm dịch vụ chất lượng và cao cấp hơn, tương xứng với không gian di sản và tăng nguồn thu. Thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ chỉnh trang, tổ chức lại không gian dịch vụ ở cuối chặng tham quan của mỗi điểm di tích theo hướng sang trọng hơn. Những món hàng lưu niệm bán ở đây sẽ là những sản phẩm mang tính chất cung đình, có tính đặc thù của Huế, thay dần những sản phẩm chưa phù hợp trước đây.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế từ những hoạt động dịch vụ khai thác từ chất liệu văn hóa cung đình Huế, nhiều nhà
nghiên cứu văn hóa Huế đã có đề xuất cụ thể những việc Thừa Thiên Huế cần làm. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đắc Xuân thì đề xuất nên mở những tour tham quan trên hệ thống sông Ngự xứ Huế. Ông Phan Thuận An thì nhấn mạnh việc tổ chức các lễ hội cung đình. Hay như gợi ý của TS. Trần Đình Hằng, nên tổ chức các hoạt động dịch vụ gắn với yếu tố khoa cử độc đáo của triều đình nhà Nguyễn xưa, hoặc kết hợp lễ giỗ các vị vua Nguyễn để tổ chức hoạt động dịch vụ “cơm vua” đúng chất, đúng nghĩa sau phần nghi lễ.
TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại Huế, là người đang có nhiều ý tưởng thú vị và giá trị cho việc nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ tại khu di sản Huế. Ông nhấn mạnh, với những giá trị riêng có của Quần thể di tích Cố đô Huế thì hướng phát triển dịch vụ tại đây cũng phải khác biệt, độc đáo, riêng có. Theo ông, xưa, vì đặc biệt quan tâm đến các cơ sở sản xuất (quan xưởng) nên triều Nguyễn đã chú trọng xây dựng hệ thống này tập trung ở Kinh đô Huế và các vùng lân cận. Phần lớn thợ làm nghề tại các cơ sở này đều là những người thợ tài hoa được tuyển chọn khắt khe từ các làng nghề truyền thống trong cả nước. Và nay, việc quan trọng mà Thừa Thiên cần quan tâm là tái hiện cho được một phần nào đó hệ thống quan xưởng của triều Nguyễn xưa, tuyển những người thợ giỏi và chỉ sản xuất những sản phẩm thủ công để phục vụ du lịch.
“Xã hội dù có phát triển đến thế nào thì tận đáy lòng của mỗi người cũng có những nhu cầu hướng về cội nguồn rất đời thường. Đó chính là lý do sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn được ưa chuộng và sản phẩm càng có nhiều yếu tố thủ công càng đắt giá. Sản phẩm lưu niệm của Huế cần phải đi theo con đường này. Sản xuất thủ công những sản phẩm lưu niệm theo tinh thần của Kinh đô xưa, Cố đô Huế ngày nay. Và tất nhiên, những sản phẩm dịch vụ nào, một khi đã khai thác từ chất liệu cung đình thì phải đảm bảo rằng, sản phẩm, dịch vụ ấy phải tinh thế đúng chất cung đình”, TS. Trần Đình Hằng nhấn mạnh.
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tinh-te-dung-chat-cung-dinh-a79906.html