Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật Đầu tư tương xứng cho di sản văn hóa

TTH - Coi văn hóa là động lực của sự phát triển để có sự đầu tư tương xứng, quan tâm bảo tồn di sản, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh… là nguyện vọng của những người làm văn hóa, văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế gửi đến 'Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng' do Ban Bí thư chủ trì, dự kiến khai mạc sáng 24/11.

Hội nghị văn hóa toàn quốc hướng đến việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Hội nghị văn hóa toàn quốc hướng đến việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Đầu tư tương xứng cho di sản văn hóa

Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Những năm qua, văn hóa nói chung và các di sản văn hóa nói riêng đã được quan tâm nhiều hơn. Nhiều di sản được công nhận, vinh danh ở các cấp độ khác nhau, nhiều di tích được quan tâm tu bổ, phát huy giá trị.

Tuy vậy, nhìn chung sự quan tâm đầu tư cho di sản văn hóa vẫn còn rất hạn chế, chưa tương xứng với vai trò, vị thế vốn có. Việt Nam được xem là một cường quốc về di sản văn hóa ở Đông Nam Á bởi có đến 8 di sản vật thể, 13 di sản phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận, 119 di tích cấp quốc gia đặc biệt, hơn 3.500 di tích cấp quốc gia và hàng chục nghìn di tích cấp tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nguồn ngân sách đầu tư để bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vẫn còn rất hạn chế.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao trăn trở: “Thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến tình trạng rất nhiều di tích bị xuống cấp trầm trọng. Nhiều công trình kiến trúc truyền thống chưa được xếp hạng đã bị biến mất rất nhanh bởi cơn lốc đô thị hóa. Một ví dụ tiêu biểu là hệ thống kiến trúc nhà vườn, nhà rường truyền thống của Cố đô Huế. Trong các năm 1997-1998, một số cơ quan của Huế phối hợp với Trường đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản điều tra, lập hồ sơ cho hơn 700 ngôi nhà rường, nhà vườn của Thừa Thiên Huế, nhưng đến nay, chỉ sau hơn 20 năm, những công trình kiến trúc tuyệt đẹp và rất có giá trị này chỉ còn chưa đến 30%”.

 Di sản văn hóa cần được đầu tư tương xứng để phát huy giá trị

Di sản văn hóa cần được đầu tư tương xứng để phát huy giá trị

Ông Hải đề nghị, trong giai đoạn 2021-2025, Nhà nước cần có thêm nguồn đầu tư khác để bổ sung cho việc trùng tu tôn tạo và phát huy giá trị các hệ thống di tích, công trình có quy mô nhỏ, đồng thời yêu cầu các địa phương cần quan tâm đầu tư cho công tác kiểm kê, lập hồ sơ và số hóa một cách toàn diện các di sản văn hóa tại địa phương gắn liền với chương trình số hóa di sản văn hóa của quốc gia.

Trước thềm hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, ông Hải bày tỏ mong muốn: “Những người làm văn hóa, di sản mong muốn Nghị quyết 33 phải thực sự đi vào cuộc sống, văn hóa phải thực sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội để có sự nhìn nhận và đầu tư xứng đáng, bởi đây chính là một nguồn lực to lớn để phát triển đất nước một cách hài hòa, bền vững”.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã cụ thể hóa định hướng “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” bằng các nhiệm vụ: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để xây dựng môi trường văn hóa thật sự trong sạch, lành mạnh. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả của các loại hình văn hóa, văn nghệ. Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn hóa… Để thực hiện các nhiệm vụ này, hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 cần bàn đến việc xây dựng một chiến lược phát triển văn hóa bài bản, chỉn chu với sự đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, các nhà chuyên môn.

Với Thừa Thiên Huế, cần có chính sách chấn hưng văn hóa Huế, tập trung xây dựng Huế thành thành phố Festival, điểm giao lưu văn hóa hấp dẫn của thế giới. Những việc chúng ta đang làm, như: khôi phục áo dài ngũ thân, xây dựng Huế thành Kinh đô Áo dài, Kinh đô Ẩm thực, xây dựng tủ sách Huế… chính là chấn hưng văn hóa Huế, tuy nhiên, những việc làm này cần được xây dựng thành một tổng thể có hệ thống. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí vươn lên, khôi phục lại vị thế trung tâm báo chí, trung tâm sáng tạo như trước đây Huế từng có.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cũng là vấn đề được các văn nghệ sĩ quan tâm tại hội nghị văn hóa toàn quốc lần này. Nhà văn Lê Vũ Trường Giang cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, cơ chế thị trường, việc du nhập các trào lưu văn hóa ngoại lai là điều tất yếu. Điều quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự quản lý chặt chẽ, điều chỉnh chính sách, chọn lọc trong tiếp nhận phù hợp với văn hóa Việt và tâm tư, nguyện vọng của người dân, không để tạo nên tác động tiêu cực đến giới trẻ. Trong văn học nghệ thuật cũng vậy, sự tiếp nhận, tiếp biến cần được chuyển hóa để vừa tạo ra giao lưu với quốc tế vừa tạo nên những tác phẩm riêng của nghệ thuật Việt.

Các văn nghệ sĩ cũng quan tâm đến những chính sách đãi ngộ, sự ủng hộ của chính quyền để văn nghệ sĩ có điều kiện, môi trường lao động nghệ thuật, sáng tạo những tác phẩm lớn được đầu tư dài hơi cũng như sự khen thưởng, động viên tương xứng với các tác phẩm đạt giải trong nước, khu vực…

Bài, ảnh: Minh Hiền

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dau-tu-tuong-xung-cho-di-san-van-hoa-a107083.html