Văn hóa - Nghệ thuật Văn hóa - Nghệ thuật Trao truyền văn hóa
TTH - Từ sự trao truyền của lớp người đi trước, nhiều bạn trẻ đã nhận ra giá trị và tiếp bước việc giữ gìn văn hóa truyền thống.
Trao truyền vốn cũ
Mấy năm nay, không gian tư gia của GS.TS. Thái Kim Lan trở thành nơi ghé thăm của nhiều người trẻ. Họ đến để trải nghiệm không gian văn hóa xưa, tìm hiểu về cổ vật, áo dài và cả kiến thức, lối sống văn hóa Huế mà TS. Thái Kim Lan đang gìn giữ.
Nhà thiết kế Quang Hòa tấm tắc, cô Thái Kim Lan sở hữu các bộ sưu tập áo dài cung đình và triều phục nhà Nguyễn khá đầy đủ, đây là hiện thân sống động của bản sắc văn hóa Huế. Được nhìn tận mắt, sờ tận tay những hiện vật áo xưa dệt vải thêu, chèn sợi quý là cơ hội hiếm có để mở rộng tầm nhìn và học hỏi. Đáng quý hơn là cô Kim Lan sẵn sàng chia sẻ những vốn quý di sản cho người trẻ. Cô là một “di sản sống” về văn hóa Huế và là người truyền lửa cho những người đam mê giá trị truyền thống Huế như tôi.
Nguyên Phong, nhà thiết kế áo dài và phục sức triều Nguyễn đến từ Đồng Nai cũng là vị khách trẻ thường xuyên gặp cô Kim Lan để tìm hiểu về văn hóa Huế. Từ niềm đam mê với văn hóa lịch sử cung đình, đặc biệt là cổ phục, anh tự mày mò phục chế, mô phỏng phục sức cung đình triều Nguyễn. Những kiến thức về văn hóa, lịch sử, đặc biệt là văn hóa cung đình, Nguyên Phong được chia sẻ từ GS. TS. Thái Kim Lan và nhiều nhà nghiên cứu văn hóa khác khi đến Huế là vốn quý để anh hoàn thiện thêm sản phẩm của mình. Những chiếc kim khánh, thẻ bài, bội tinh hay áo Nhật Bình, áo ngũ thân…, Nguyên Phong làm ra là hiện thân sống động của văn hóa cung đình.
Sau mấy mươi năm định cư ở Đức, GS. TS. Thái Kim Lan trở về Huế, lan tỏa văn hóa Huế với các hoạt động giới thiệu áo dài, ẩm thực, cổ vật… đến cộng đồng, nhất là những người trẻ, bởi bà muốn bảo vệ phần nào truyền thống và nét riêng của Huế. GS. TS. Thái Kim Lan chia sẻ: “Hiện nay, phong trào tìm về văn hóa truyền thống đang trở lại mạnh mẽ ở giới trẻ. Trong thời gian ở hẳn lại đây do dịch, tôi mới thấy được nhu cầu của thanh, thiếu niên, giới trẻ. Tôi nhận được nhiều câu hỏi của các bạn về truyền thống, cốt cách, trang phục... Nhiều bạn trẻ đến đây được nhìn thấy những “bản gốc” áo dài, họ rất sung sướng. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho thấy, giới trẻ sẽ nương theo truyền thống để giữ gìn bản sắc”.
Theo quan điểm của GS. TS. Thái Kim Lan, không nên bắt buộc người trẻ phải theo hoàn toàn kiểu cách xưa. Họ có thể đi tìm cái cũ, từ đó sáng tạo thành cái mới. Từ tiếng vang của những chiếc áo xưa, món ăn Huế đặc trưng vọng lại, thế hệ trẻ có thể kết hợp với sáng tạo của họ để làm đẹp hơn, ngon hơn. Thế hệ chúng tôi cần trao truyền vốn cũ và cổ vũ để lớp trẻ tiếp thu, sáng tạo cái mới trên nền tảng cái cũ, để bản sắc văn hóa có thể tiếp tục được ứng dụng trong đời sống đương đại chứ không phải chỉ là cái nhìn hoài cổ.
Không quên giữ gìn văn hóa
Khi còn giữ cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cũng nhiều lần trò chuyện, chia sẻ với học sinh, sinh viên về vấn đề này. Trong một lần trò chuyện với giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học, ông nhấn mạnh: “Bên cạnh dạy kiến thức, nhà trường phải tập trung vào giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lịch sử, văn hóa để cốt cách Huế thấm sâu vào học sinh Huế. Học sinh không chỉ học mà phải có khát vọng giữ gìn bản sắc văn hóa Huế”.
Ở không gian ca Huế thính phòng, bằng đam mê và sự trân quý với ca Huế, nhiều giọng ca đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên, như: Lê Minh Vũ, Phan Duy Khánh, Như Quỳnh, Ánh Hồng, Ánh Tuyết... tự tin ngồi trên chiếu cất lên những khúc ca tri âm, tri kỷ, những điệu lý, điệu hò đặc trưng của ca Huế. Từ không gian này, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã ươm mầm, trao truyền ngón nghề và cả niềm đam mê cho các bạn trẻ. Ở hàng ghế khán giả, cũng ngày càng có nhiều bạn trẻ đến nghe ca Huế thính phòng. Điều này giúp các nghệ nhân an lòng, rằng ca Huế vẫn luôn được tiếp nối mạch nguồn.
Ngay cả những bạn trẻ là người gốc Huế ở xa quê cũng không quên giữ gìn văn hóa Huế. Sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh nhưng Tôn Thất Minh Khôi luôn tự hào và giữ gốc gác quê nhà. Từ niềm đam mê đặc biệt với văn hóa lịch sử của quê hương, Khôi dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về lịch sử triều Nguyễn, văn hóa cung đình nói riêng và văn hóa Huế nói chung, nhất là về lễ nghi, phục trang…
Năm 2017, Tôn Thất Minh Khôi sáng lập trang “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” trên facebook, chuyên khảo cứu về lễ nghi, văn hóa cung đình, chủ yếu là văn hóa cung đình triều Nguyễn. Đến nay, “Thiên Nam Lịch đại Hậu phi” đã tham gia nhiều dự án về văn hóa, phục trang, lễ nghi và hậu cung cung đình; tổ chức các chương trình giới thiệu cổ phục, tìm hiểu cổ phong để lan tỏa văn hóa truyền thống đến với mọi người.
Theo GS. TS. Thái Kim Lan, hiện nay, tỉnh và thành phố Huế đang thực hiện nhiều việc để giữ gìn và phát huy văn hóa, bản sắc truyền thống. Đây là điều kiện để giới trẻ tìm hiểu, có cảm hứng sáng tạo, tham gia giữ gìn văn hóa Huế. Trong thời đại công nghệ, không thể bắt buộc tất cả mọi người trì kéo lại thời gian để thực hiện nếp xưa. Nhưng nếu có dịp, cần tổ chức những buổi triển lãm, trưng bày hay những cuộc thi nấu ăn ngon, cắm hoa, thêu, thùa… để vun xới và làm giàu tâm hồn của lớp trẻ bằng nghệ thuật, mỹ thuật, cách sống... Trao truyền, bồi dưỡng cho lớp trẻ qua những buổi sinh hoạt, thực hành để họ được nhìn, thấy, biết, cảm và thấm vào đời sống mới có thể phục hồi, duy trì nét xưa.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/trao-truyen-van-hoa-a108211.html