Văn hóa phản biện
Mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển đi lên của kinh tế-xã hội đất nước, bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cuộc sống, đã xuất hiện ngày càng nhiều các ý kiến phản biện xã hội của mọi tầng lớp nhân dân, từ những trí thức, học giả tên tuổi đến cán bộ hưu trí và cả những người lao động tự do khắp các vùng miền.
Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của công dân đối với Đảng, Nhà nước, quốc gia, dân tộc. Điều này cũng cho thấy tính ưu việt của chế độ trong việc tôn trọng, khuyến khích quyền tự do ngôn luận, lắng nghe ý kiến của người dân. Tuy nhiên, dẫu chưa đến mức điên cuồng chống phá như các tổ chức khủng bố, phản động ở hải ngoại nhưng nhiều ý kiến mang danh phản biện xã hội đã lấp ló mầm mống chống đối, miệt thị, xúc phạm chính quyền, người dân với những lời lẽ thiếu chuẩn mực văn hóa cần sớm được chấn chỉnh, xử lý…
Nội dung phản cảm, thiếu chuẩn mực văn hóa đăng tải trên Facebook cá nhân Tiến sỹ N.X.D
Trên Facebook cá nhân mang tên N.X.D gần đây liên tiếp đăng tải các thông tin đang thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận kèm theo những lời bình luận, đánh giá của tác giả. Đọc kỹ từng thông tin, bình luận, người có tư duy bình thường đều nhận ra ẩn ý, thái độ mỉa mai, kích động của ông Tiến sỹ (ông này xưng danh học vị Tiến sỹ) qua những câu từ, lời lẽ rất thiếu chuẩn mực văn hóa.
Mới đây, ông này đưa ra status có nội dung: “Một ý tưởng điên rồ. Thành phố Hải Phòng đang triển khai trồng cây hoa gạo trên nhiều tuyến phố, dài cả chục km. Quá ngu dốt cả về văn hóa, về tâm linh và về đô thị học”. Đọc status kèm những lời bình luận ông Tiến sỹ này cho tồn tại trên Facebook cá nhân của mình sẽ thấy rõ ràng ông không có mỹ ý phản biện chủ trương của thành phố Hải Phòng mà để truyền bá mê tín dị đoan, nhục mạ lãnh đạo, chính quyền và người dân Hải Phòng. Sự tương tác trên Facebook cá nhân của ông cũng đã gợi mở, dung dưỡng cho bè lũ phản động, chống phá vào kích động, chê bai chế độ.
Chưa bàn đến chuyện đúng sai, hợp lý hay không của chủ trương trồng cây hoa gạo vì còn liên quan đến kiến thức lĩnh vực cây đô thị, cây công trình. Nhưng một cá nhân, muốn phản biện xã hội thì phải lấy kiến thức khoa học ra mà giải thích, luận giải, chứng minh chứ không thể dùng mê tín dị đoan trong dân gian “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề. Trồng cây gạo trước cửa nhà ai, các vong, các oan hồn đói khát lang thang sẽ tụ ở đó đòi cháo thí quanh năm. Giả dụ trồng buổi sáng thì ban đêm các gia đình sẽ mang nước sôi dội vào gốc cây trước cửa nhà mình để tránh hậu họa về sau. Dân là gian lắm. Các ông lãnh đạo nghĩ sao?! Chứ để nó cổ thụ rồi mới chặt thì càng chết, vì lúc đó cây đã là nhà của oan hồn và các vong rồi!...”. Không ai có thể chấp nhận cách phản biện xã hội sặc mùi chợ búa, hạ lưu như thế, ông Tiến sỹ ạ.
Trong một status khác, liên quan đến vụ việc công an đánh hai thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở Sóc Trăng, “ông Tiến sỹ” liên tiếp đăng tải các nội dung: “Công an tỉnh Sóc Trăng. Đang xác minh clip bầy công an dã thú đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy, gây phẫn nộ trên mạng xã hội hôm nay”; “Công an Sóc Trăng. Đã tạm đình chỉ 4 tên CA khát máu vụ clip bầy công an dã thú đuổi đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy”…
Thật khó tin khi "ông Tiến sỹ" vẫn luôn dương dương tự đắc giao giảng các kiến thức về văn hóa lại có thể có tư duy, cách ăn nói trái ngược với khái niệm văn hóa đến như thế. Ở khía cạnh đạo đức, không ai bênh vực và có thể bênh vực những cá nhân vi phạm pháp luật. Họ đã và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Nhưng nhắc để ông biết là “thiếu niên chạy xe máy” mà ông nói đến là những đối tượng đang vi phạm pháp luật với các hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng, cụ thể: Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông; điều khiển xe lạng lách trên đường bộ ngoài đô thị; không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mà điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3....
Và trong khi ông ngồi cào phím gõ những câu từ miệt thị, xúc phạm người khác thì đồng đội của những người ông gọi là “dã thú”, “khát máu” đang gồng mình bất kể ngày đêm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho cộng đồng, trong đó có ông và gia đình ông; nhiều người trong số họ đang ngâm mình trong nước lũ cứu trợ, giúp đỡ đồng bào gượng dậy sau cơn lũ… Làm người, học nhiều hay ít cũng cần lương tâm, biết suy nghĩ công bằng, hướng thiện ông Tiến sỹ ạ.
Phản biện xã hội được hiểu là sự nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến khẳng định những nội dung đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án, đồng thời phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã hội và lợi ích chính đáng của nhân dân để kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho chính xác và phù hợp. Cũng như các quốc gia tiến bộ, văn minh trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng, khuyến khích các ý kiến phản biện xã hội. Tuy nhiên, đối với những kẻ lợi dụng phản biện để thực hiện mưu đồ chính trị thấp hèn, miệt thị, xúc phạm tổ chức, cá nhân bằng những lời lẽ thiếu chuẩn mực văn hóa, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc thì cần phải lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Có như thế, phản biện xã hội mới thực sự là tiến bộ, văn minh, phát huy hiệu quả tích cực.
Vũ Thanh
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chinh-tri/van-hoa-phan-bien/187602.htm