'Văn hóa số' phát huy hiệu quả trong Petrovietnam
Dân gian có câu 'thủ kho to hơn thủ trưởng', trước đây người viết bài cho rằng câu trên chỉ có ý nghĩa vui đùa nhưng khi được dự một hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) thì mới vỡ lẽ rằng câu nói đó cũng có khía cạnh đúng đắn.
Trước đây, nhắc đến kho hàng là nhắc đến những nơi chất đầy hàng hóa, bụi bặm và cách xa trung tâm thành phố. Người quản lý kho ngày đó thường được gọi là thủ kho, hàm ý chỉ người trông coi hàng hóa trong kho, bảo đảm hàng hóa được lưu trữ an toàn, tránh thất thoát. Thủ kho ngày ấy thực hiện các công việc kiểm đếm nhập xuất, soạn hàng, quản lý tồn kho chủ yếu thông qua trí nhớ và kinh nghiệm. Đây là hai yếu tố tạo nên thương hiệu người thủ kho nhiều năm về trước, nhưng cũng chính vì nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp có thể bị tê liệt khi chẳng may “vắng nhà”; hàng hóa, thiết bị, vật tư thay thế không ai biết để đâu, tròn méo ra sao… Cái lệ “thủ kho to hơn thủ trưởng” có lẽ cũng từ đó mà thành.
Có lẽ bạn đọc đang ngạc nhiên vì bàn về văn hóa lại dẫn chuyện quản lý kho nhưng chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó. Số là trong cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về bảo dưỡng sửa chữa nhà máy điện vừa qua do Chi nhánh Phát điện Dầu khí tổ chức với sự tham dự của các Ban chuyên môn, văn phòng Tập đoàn và hai đơn vị lớn trong ngành là Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), các chuyên gia đã nhiều lần nhắc đến chuyện câu chuyện có làm tốt việc quản lý thiết bị vật tư thì bảo dưỡng, bảo trì nhà máy mới đạt hiệu quả cao nhất được. Và tất nhiên, chuyện quản lý vật tư bây giờ khác xưa rất nhiều khi có sự tham gia của trí tuệ nhân tạo (AI), các phần mềm ứng dụng quản lý tiên tiến có thể sử dụng được cả khi “offline” và “online”
Chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện hệ thống phần mềm CMMS, các chuyên gia đến từ BSR đã ứng dụng phần mềm này vào thực tiễn công tác bảo dưỡng sửa chữa; công tác chuẩn hóa, quản lý vật tư tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hiện nay, công tác quản trị bằng công nghệ số trong bảo dưỡng sửa chữa tại Nhà máy đạt giai đoạn thứ 3 với việc ứng dụng công nghệ số hoàn toàn trong việc lập, phê duyệt phiếu công tác, quản lý vật tư, tự động phân bổ vật tư cần thiết…
Tại hội thảo, một điều khá thú vị là các chuyên gia đã nhắc lại thời gian khó khăn trong dịch Covid-19 với việc thực hiện “cách ly” trong hơn 2 năm. Trong thời gian đó, việc vận chuyển, đặt hàng rất khó khăn nên việc thiếu linh kiện, thiết bị thay thế là khó có thể tránh khỏi. Bởi vậy, BSR đã từng gửi công văn lên Tập đoàn cũng như các đơn vị bạn để “mượn” linh kiện, thiết bị. Đây không phải là việc lạ đối với Petrovietnam nhưng cái hay ở đây là các đơn vị nhận được “thư” đều có thể “đọc hiểu”, tra cứu ngay được xem có hay không các thiết bị để hỗ trợ BSR.
Có thể nhiều người cho rằng, mấy cái linh kiện máy móc thôi, làm gì mà to tát đến thế. Nhưng theo đại diện PV Power, công tác chuẩn hóa vật tư, thiết bị thay thế tại các nhà máy điện của Tổng Công ty phải mất nhiều năm mới có thể “chuẩn hóa”. Trong đó, nêu rõ những vấn đề hay gặp phải khi nhập thông tin cho 22 ngàn vật tư thay thế của 7 nhà máy điện các loại như chuyện trùng lặp thiết bị, sự khác biệt khi sử dụng các phần mềm khác nhau. Đó là chưa kể việc mỗi một nhà máy được xây dựng, hoạt động vào nhiều thời điểm khác nhau, phần mềm quản lý cũng khác dẫn đến việc nhà sản xuất đặt tên linh kiện, thiết bị thay thế cũng khác biệt… cứ như vậy nhân lên thì đúng là “thiên biến, vạn biến”.
Theo Công ty IBM Việt Nam xu hướng số hóa trong quản trị vật tư, bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy hiện đại trên thế giới nói riêng và các nhà máy công nghệ khác đang phát triển mạnh mẽ, hiệu quả. Theo đó, công tác quản trị được xác định là công tác quản trị tài sản của doanh nghiệp với 3 cấp độ và 4 giai đoạn: Giai đoạn đầu tiên là chuẩn hóa quản lý vật tư, lập kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa; Giai đoạn thứ hai là tích hợp các hệ thống quản lý, báo cáo, kết nối hệ thống quản trị doanh nghiệp cùng hệ thống số của doanh nghiệp; Giai đoạn 3 là sử dụng công nghệ AI, Big Data nhằm tự động hóa một số khâu trong bảo dưỡng sửa chữa, quản lý vật tư, tự động ra một số lệnh cần thiết giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý công việc; Giai đoạn 4 tích hợp toàn bộ các công tác quản trị, sản xuất vận hành, bảo dưỡng sửa chữa tự động, tiến tới doanh nghiệp số, nhà máy số hóa và tự động hóa toàn bộ.
Ở đây, cần phải nói thêm rằng, với mỗi một nhà máy sản xuất công nghiệp từ nhỏ đến lớn thì lượng linh kiện vật tư để sửa chữa bảo dưỡng hàng ngày cho các đợt bảo dưỡng sửa chữa tổng thể hằng năm là khác nhau và cực ký lớn. Đơn cử với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì giá trị vật tư phải lên tới 1.500 tỉ đồng. Nếu chỉ tính toán sơ lược với vài chục nhà máy từ công nghiệp khí, điện, đạm, xơ sợi tổng hợp… thì giá trị thiết bị, vật tư, linh kiện của Petrovietnam đã lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Bởi vậy, việc các chuyên gia và đại diện các đơn vị thống nhất về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp; thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm thực tế triển khai sử dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bảo dưỡng sửa chữa, quản trị vật tư tại các nhà máy… là điều rất cần thiết.
Trong thực tế, ý tưởng thống nhất quản lý vật tư, thiết bị trong Petrovietnam không phải mới được nêu ra mà có cách đây rất nhiều năm. Nhưng khi đó vì nhiều lý do khác nhau như sự khác biệt về phần mềm quản lý, thời gian đưa vào sử dụng, việc mã hóa chưa theo đúng quy chuẩn… khiến việc chuẩn hóa gần như bất khả thi. Tuy nhiên, phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Quyết Thắng - Phó Giám đốc PVPGB khi khẳng định rằng: “Nếu không muốn làm thì người ta sẽ tìm cớ còn thực sự quyết tâm, nỗ lực làm thì chúng ta sẽ tìm ra cách. Chung quy thì AI cũng chỉ là công cụ, con người phải “dạy” chúng cách thức suy nghĩ, xử lý vấn về thì AI mới có thể giúp chúng ta làm tốt hơn nữa công tác bảo dưỡng sửa chữa, quản trị vật tư các nhà máy điện của Chi nhánh, đưa ra phương án tích hợp hệ thống số, tiến tới sử dụng chung hệ thống vật tư, thiết bị các nhà máy điện của Tập đoàn”.
Có một điều khá lạ là khi các nhà khoa học, chuyên gia dự hội thảo trình bày các tham luận khoa học, công trình nghiên cứu lại dễ hiểu như tâm sự chuyện "bếp núc nhà cửa". Hỏi ra mới biết, những hội nghị chuyên đề phát huy tinh thần “Một đội ngũ – Một mục tiêu” đã được liên tục phát động (từ đầu năm 2024 đến nay) từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên cùng những bài học vượt khó trong những năm qua nên lãnh đạo, cán bộ công nhân viên trong Tập đoàn đã ý thức sâu sắc, quán triệt văn hóa Petrovietnam trong từng hành động, sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm, gắn kết các nguồn lực, hỗ trợ giúp đỡ nhau để Tập đoàn cùng các đơn vị thành viên mạnh mẽ hơn, quản trị tốt hơn và hiệu quả hơn. Bởi vậy nói không ngoa rằng “Văn hóa số" đang phát huy hiệu quả trong Petrovietnam.