Văn hóa 'soi đường cho quốc dân đi': Động lực to lớn để phát triển nhanh, bền vững đất nước
'Văn hóa 'soi đường cho quốc dân đi', là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh, bền vững đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022 “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” diễn ra sáng nay (17/12), GS. Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, nền văn hóa Việt Nam kết tinh truyền thống quý báu, những giá trị cao đẹp và những bản sắc riêng vô cùng đa dạng, phong phú, độc đáo đã được hình thành và tỏa sáng qua nhiều nghìn năm lịch sử, trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo GS. Nguyễn Xuân Thắng, "Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa văn hóa và phát triển, theo GS. Nguyễn Xuân Thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chúng ta khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hóa, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành “hồn cốt” của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong suốt quá trình phát triển".
Hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đa dạng. Song, GS. Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, chúng ta "phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.
“Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hóa cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước”- GS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hóa trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch, nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch, nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hòa nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, của các vùng, các địa phương trong cả nước.
GS.Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, yêu cầu đó đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước. Đó là xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế; kết nối giữa truyền thống và hiện đại; phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa.
Từ thực tiễn phát triển của nền văn hóa Việt Nam, GS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tại Hội thảo Văn hóa 2022 tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề sau: Bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa; đổi mới cách thức xây dựng.
Đồng thời, theo GS Nguyễn Xuân Thắng cần tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương; chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa; chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.