Văn hóa tạo ra 'sức mạnh mềm' cho phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch đã chủ trì Hội nghị thẩm định Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó 3 tuần (vào ngày 3/11), dự thảo Quy hoạch đã được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị trực tuyến của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025. Đây là quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được hoàn thành, trình Hội đồng thẩm định.
Quy hoạch đã bổ sung cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước
Tại hội nghị, đại diện Tư vấn quy hoạch, Liên danh Haskoningdhv (Hà Lan) và GIZ (Cộng hòa Liên bang Đức) cho biết, quy hoạch hướng đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long phát triển là đồng bằng bền vững, là nơi đáng sống và làm việc; là điểm hấp dẫn du khách và nhà đầu tư. Trọng tâm của chiến lược phát triển vùng là “bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường”.
Về phân vùng nước để hỗ trợ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, đại diện tư vấn cho biết, quy hoạch phân vùng theo độ mặn thành 3 vùng (vùng ngọt quanh năm, vùng chuyển tiếp ngọt-lợ, vùng mặn-lợ). Phân vùng theo sinh thái nông nghiệp thành 14 vùng, bao gồm 6 tiểu vùng trong vùng ngọt quanh năm, 5 tiểu vùng trong vùng chuyển tiếp ngọt - lợ, 3 tiểu vùng trong vùng mặn – lợ.
Đại diện cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã trình bày báo cáo thẩm định, khẳng định Quy hoạch đã được xây dựng một cách chặt chẽ, khoa học, đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu các nội dung chính về tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý của thành viên Hội đồng Thẩm định quy hoạch và Hội đồng điều phối Vùng tại các cuộc họp trước. Theo đó, Bộ đã làm rõ hơn nội dung các phương pháp được áp dụng trong quá trình lập quy hoạch; bổ sung cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước.
“Tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, chủ động thích nghi, sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn, coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên thiên nhiên theo Nghị quyết 120 của Chính phủ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các dự báo đều thấy tình hình nước biển dâng, ngập úng, xâm nhập mặn diễn ra ở cả vùng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân; nên cần làm rõ mức độ và cách xử lý.
Ông Đặng Kim Sơn đặt ra vấn đề: trong quy hoạch cần có quan điểm thích nghi hay khống chế trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngập úng, nước biển dâng. Nếu thích nghi thì phải tăng tỷ trọng giao thông đường thủy, cần sự đột phá về cảng biển, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng tăng sản xuất thủy hải sản, cây trồng phù hợp. Còn nếu khống chế thì phải chủ động các giải pháp, học hỏi các mô hình như hệ thống đê bao của Hà Lan.
Vùng rất cần có cảng biển xứng tầm
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tán thành đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp thay vì sản xuất "phó mặc cho trời" như hiện nay, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng bày tỏ băn khoăn về câu chuyện đường ra quốc tế của các sản phẩm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải thông qua TP Hồ Chí Minh trong khi hệ thống giao thông quá tải, các tuyến cao tốc như TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Cần Thơ hiện thường xảy ra tắc nghẽn.
"Đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu nhưng lại kết nối vào nút thắt cổ chai thì có nên không?", Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đặt vấn đề. Do đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất cần có cảng biển xứng tầm với tiềm năng phát triển của vùng, gắn kết với hệ thống đường bộ, đường thủy; logistics gắn với cảng biển.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thanh Nam đồng tình với việc tổ chức không gian nông nghiệp trên cơ sở các trung tâm động lực, định hướng. Thứ trưởng Nam cho biết Bộ đang theo hướng xây dựng các trung tâm logistics, trung tâm cung ứng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó là trung tâm cơ giới hóa động lực của vùng, đây là nơi vừa đào tạo, vừa sáng chế và chuyển giao kỹ thuật về cơ giới hóa gắn với người sản xuất, các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề về tăng năng suất lao động gắn với thế mạnh liên kết vùng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng băn khoăn về việc phân bố ngành hàng, sản xuất gắn theo đơn vị hành chính. "Quy hoạch cần phân bố vùng sản xuất theo nhu cầu sản xuất từng ngành hàng chủ lực, nhu cầu liên kết, theo thế mạnh từng theo vùng và sẽ có những trung tâm động lực, điều phối liên kết vùng. Chứ quy hoạch sản xuất gắn với đơn vị hành chính thì có thể không thành công. Bởi nhu cầu sản xuất và thị trường mới quyết định cái này", Thứ trưởng Nam phân tích. Bên cạnh đó, phân bổ vùng sản xuất phải gắn với hệ thống hạ tầng đường bộ, đường thủy, cảng sông, cảng biển.
Văn hóa là "sức mạnh mềm" để phát triển vùng
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, vai trò, vị trí đặc biệt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong những trọng điểm về đảm bảo quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội của đất nước. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều ưu tiên, trong xây dựng chính sách, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long (giai đoạn 2016-2020 tỷ trọng ngân sách của Trung ương đầu tư cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 17%). Mặc dù đạt nhiều kết quả trong phát triển, tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long chưa khai thác hết tiềm năng, đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của vùng. Đặc biệt, đầu tư cho hạ tầng giao thông chưa cao so với các vùng khác.
"Vì vậy, việc sớm xây dựng, thẩm định, phê duyệt để triển khai đồng bộ Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng để định hướng, xác định được trọng tâm, trọng điểm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của vùng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị chủ trì (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Giai đoạn tới đây, từ nay đến 2030, hệ thống hạ tầng giao thông của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có bước phát triển đột phá, vượt bậc. Phó Thủ tướng đề nghị rà soát, cập nhật đầy đủ các Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gồm các quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không, sân bay, đường thủy nội địa) vào quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng. Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Sóc Trăng - Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề (khoảng 400 km). Đồng thời, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ; đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistics, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.
Đồng thời, cập nhật các quy hoạch hạ tầng năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo bảo đảm phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền, hạn chế tối đa đầu tư đường dây truyền tải. Phó Thủ tướng cho biết, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo sát sao để có thể hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch Điện VIII trong thời gian sớm nhất.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đặc biệt lưu ý Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát, bổ sung thêm các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. “Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp cụ thể, quy hoạch đúng đắn thì sau này, thiệt hại sẽ rất lớn”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng cần chú ý hệ thống phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục), bảo tồn, tôn tạo và phát triển bản sắc văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử cách mạng.
Nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11 rằng "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh việc, giữ gìn và phát huy các di sản thiên nhiên, lịch sử, văn hóa của từng địa phương và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, để tạo ra “sức mạnh mềm” trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, du lịch, dịch vụ nói riêng.
Sau cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ để có thể phê duyệt trong tháng 12/2021. Đồng thời, các cơ quan chức năng chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thông tin, tuyên truyền về nội dung Quy hoạch đến doanh nghiệp, người dân ngay sau khi được Thủ tướng phê duyệt; từ đó vừa tạo đồng thuận, vừa để người dân, doanh nghiệp chủ động huy động nguồn lực tham gia thực hiện Quy hoạch.