Văn hóa 'Triệu Voi' bên dòng Sêrêpôk

Trải qua bao biến cố, thăng trầm, từ những người Lào đầu tiên đến định cư ở xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak), đến nay đã có hơn 200 người Việt gốc Lào ở xã này. Cuộc sống chan hòa, đoàn kết, các nét văn hóa giao thoa như một minh chứng sống động, bền bỉ, sắt son cho nghĩa tình hai dân tộc Việt-Lào.

Nghi lễ tắm Phật trong lễ hội Bunpimay. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Nghi lễ tắm Phật trong lễ hội Bunpimay. Ảnh: Dạ Yến Thảo

Bén duyên xứ voi Buôn Đôn

Trong ánh nắng chiều vàng rực chiếu xuống dòng Sêrêpôk ầm ào tuôn chảy, một niềm kiêu hãnh bừng lên gương mặt ông Kẹo Pha Lung, một người dân xã Krông Na. Ông nhớ lại: Xưa kia, vào những ngày đầu năm, ông rong ruổi qua vùng đất Buôn Đôn giao thương hàng hóa, tiếng chiêng và điệu múa của những sơn nữ nơi đây khiến ông mê mẩn. Ông quyết tâm ở lại lập nghiệp rồi nên duyên với bà H’Bột. Các thế hệ con cháu mang hai dòng máu Việt-Lào sinh trưởng trên mảnh đất Buôn Đôn.

Hòa mình trong cuộc sống dung dị, gần gũi với cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở Buôn Đôn bao năm, cùng những câu chuyện kể của cha ông về một Tây Nguyên hùng vĩ, con người chất phác hồn hậu, khát vọng được đắm mình trong không gian ấy cứ lớn dần trong người của họ. Mỗi dịp đầu năm mới, trong mâm cơm của gia đình bà H’On Kẹo Lào (buôn Trí B, xã Krông Na) có đầy đủ món ăn truyền thống của người Việt lẫn người Lào. Bà Kẹo Lào chia sẻ: “Mình lớn lên ở mảnh đất này, lấy chồng người Ê Đê, thấm sâu nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nhưng cũng được cha mẹ dạy kỹ các nét đẹp văn hóa Lào để trao truyền cho con cái sau này. Ở đây, chuyện người Ê Đê lấy người Lào, người Lào lấy người M’Nông không còn là hiếm hoi nữa. Cũng bởi quyện hòa nên giờ đây nhìn qua khó có thể phân biệt đâu là người gốc Lào, đâu là người Ê Đê”.

Đi dọc buôn Trí A (xã Krông Na), tôi bắt gặp những khu hàng hóa đa dạng sắc màu với đầy đủ các sản phẩm đặc trưng của người Ê Đê, M’Nông, Lào… Anh Khăm Thanh tự hào: “Cha mình đến đây dạy cách thuần dưỡng voi cho các nài voi người Ê Đê, trực tiếp điều khiển voi tham gia các cuộc thi ở lễ hội, sau đó lấy vợ người Ê Đê rồi sinh ra mình. Giờ mình nên duyên với cô gái Ê Đê. Thế hệ sau như sợi dây kết nối, tiếp nhận, giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc nên tình nghĩa ngày càng bền chặt. Lúc nông nhàn hay các lễ hội, những gia đình người Việt gốc Lào quây quần ôn lại các giá trị truyền thống của hai dân tộc”.

Dấu tích văn hóa Lào

Theo những người già nơi đây, cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, cha của ông Y Thu Knul từ đất nước Triệu Voi (Lào) xuôi thuyền theo dòng Mê Kông, ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với tộc người sống dọc sông Sêrêpôk. Thấy vùng đất phong cảnh hữu tình, người dân đầy lòng mến khách nên cha ông Y Thu Knul đã chọn vùng đất này làm nơi cư trú và nên duyên với cô gái M’Nông bản địa… Lúc đầu, ông chọn một số cồn đất nổi bên sông để lập làng, đặt tên là Bản Đon (theo tiếng Lào, Bản là làng, Đon là đảo). Về sau, mọi người quen gọi Bản Đôn. Lúc này, Phật giáo của người Lào cũng được hình thành tại đây.

Hiện nay, dấu tích còn lại ở buôn Yang Lành là thác Phật, cây Bồ Đề trên 100 tuổi (được Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận là cây trồng lâu năm nhất trên vùng đất Tây Nguyên. Năm 2015, được Hội đồng Cây di sản Việt Nam thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản). Cùng với đó, ở buôn Trí còn giữ ngôi nhà bằng gỗ trên 100 tuổi, kiến trúc theo nét văn hóa truyền thống của người Lào kết hợp văn hóa người Ê Đê, M’Nông.

Hàng năm, từ ngày 13 đến 15-4 Dương lịch, tại xã Krông Na đều diễn ra lễ hội Bunpimay là Tết cổ truyền của người Lào với các hoạt động như: lễ hội hoa đăng-thả bè-xả xui, lễ tắm Phật, đắp tháp cát, giao lưu văn nghệ, ẩm thực văn hóa Lào. Tại lễ hội Bunpimay, người dân té nước vào nhau để chúc phúc cầu mong sức khỏe bình an và cầu cho một năm mới ấm no hạnh phúc, buộc chỉ cổ tay cầu may mắn.

Lễ buộc chỉ cổ tay là một phong tục có từ lâu đời, mang nét đẹp về văn hóa, tinh thần của người dân xứ sở Triệu Voi. Phong tục này được tiến hành vào dịp Tết Bunpimay, cưới xin, tiễn người đi xa... Khi buộc chỉ, người Lào bao giờ cũng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho người được buộc. Theo người dân ở đây, để lời chúc được hiệu nghiệm thì trong vòng 3 ngày, người nhận lễ không được tháo sợi chỉ ra vì bất cứ lý do gì. Người Lào thường cầu cho người khác hơn là cầu cho mình, bởi họ cầu mong tốt lành cho người khác thì người khác mang bình an đến cho họ.

Theo một cán bộ UBND xã Krông Na, hàng năm, ngoài việc tổ chức các lễ hội của tất cả cộng đồng các dân tộc thì việc tổ chức Tết truyền thống Bunpimay cho bà con thể hiện sự tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân các bộ tộc Lào, góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt-Lào, đồng thời bảo tồn, làm phong phú kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc.

Dạ Yến Thảo

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/742/201906/van-hoa-trieu-voi-ben-dong-serepok-5636305/